Khảo sát nhà máy điện gió ở huyện Bình Đại.
Phát triển năng lượng sạch
Theo khảo sát gần đây của các cơ quan chuyên môn, tỉnh hiện có 65km đường bờ biển ở các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú và tài nguyên gió phong phú với tốc độ gió trung bình 6,8m/s là lợi thế lớn để phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là DAĐG ở vùng ven biển.
Nhận thức được vai trò quan trọng của việc phát triển năng lượng sạch đối với biến đổi khí hậu, đồng thời với lợi thế sẵn có, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhanh và bền vững. Trên cơ sở đó, ngày 16-10-2020, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, trong đó nhấn mạnh đến năm 2025 triển khai các DAĐG, phấn đấu có ít nhất 1.500MW được đưa vào vận hành khai thác.
Để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, ngày 29-1-2021, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh mục tiêu phát triển năng lượng sạch trong nhiệm kỳ, phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp từ điện chiếm 15% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện truyền tải (220kV, 500kV) đồng bộ nhằm đáp ứng khả năng giải tỏa công suất các nhà máy điện gió lên lưới điện quốc gia.
Trước đó, qua nghiên cứu tiềm năng năng lượng gió ở khu vực ven biển, tỉnh cũng đã lập đề án để trình cơ quan có thẩm quyền và được Bộ Công Thương phê duyệt. Ngày 18-3-2015, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2497/QĐ-BCT về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, quyết định phê duyệt quy hoạch đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt 150MW, tương ứng với 5 dự án trên địa bàn 3 huyện ven biển. Ngoài ra, quyết định này cũng đã phê duyệt 19 vị trí tiềm năng với tọa độ ranh giới các điểm góc cụ thể để phát triển. Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 5164/QĐ-BCT ngày 9-6-2014 về việc phê duyệt DAĐG Thanh Phong với quy mô công suất 29,7MW vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, có xét đến năm 2020. Như vậy, đến trước năm 2020 và trước thời điểm Luật Quy hoạch có hiệu lực, tỉnh đã có lập quy hoạch phát triển điện gió và được phê duyệt 6 dự án với tổng công suất 179,7MW.
19 dự án điện gió được phê duyệt
Dựa trên các vị trí phát triển điện gió tiềm năng được thể hiện trong Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và một số vị trí khác, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và địa phương cho ý kiến về khả năng phát triển dự án. UBND tỉnh cho chủ trương khảo sát, lập hồ sơ đảm bảo trình tự thủ tục được quy định tại Thông tư số 43/TT-BCT ngày 31-12-2013 của Bộ Công Thương quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, đối với 14 vị trí tiềm năng còn lại trong Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh đã cho chủ trương để các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đầy đủ theo quy định và được các cơ quan chuyên môn của tỉnh họp thẩm định. UBND tỉnh đã trình Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Ngày 25-6-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 795/TTg-CN về việc bổ sung danh mục các DAĐG vào Quy hoạch phát triển điện lực, theo đó tỉnh được phê duyệt bổ sung 13 dự án, bao gồm giai đoạn 2 của các dự án trước đó với tổng công suất được phê duyệt là 828MW. Trong số 13 dự án này có 11 dự án nằm trong các vị trí tiềm năng để phát triển và đã được thể hiện trong Quy hoạch phát triển điện gió của tỉnh mà Bộ Công Thương phê duyệt năm 2015. Đến nay, tỉnh có 19 DAĐG đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt với công suất 1.007,7MW. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 13 nhà đầu tư để thực hiện 19 dự án này.
Đến nay, có 7/19 nhà máy đã triển khai thi công lắp đặt hoàn thành với công suất 306,8MW, trong đó đã phát điện thương mại hòa lưới điện quốc gia 5/7 nhà máy với công suất 93,05MW. Do cơ chế hỗ trợ, ưu đãi giá mua điện gió quy định tại Quyết định số 39/QĐ-TTg ngày 10-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực kể từ ngày 1-11-2021, trong khi đó chưa có chính sách mới thay thế nên số công suất lắp đặt hoàn thành chưa thể thực hiện các thủ tục hòa lưới phát điện thương mại. Ngày 7-1-2023, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT quy định về khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Căn cứ khung giá phát điện này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và chủ đầu tư các DAĐG chuyển tiếp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Thông tư số 15/TT-BCT đang chờ hướng dẫn để thỏa thuận giá phát điện theo quy định. Có 2/19 nhà máy đã thi công lắp đặt tua-bin hoàn chỉnh với công suất lắp đặt 59,7MW, đang thực hiện các thủ tục đấu nối lưới điện. Có 10/19 dự án còn lại các chủ đầu tư đang thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan, chưa triển khai thực địa do chờ cơ chế giá bán điện mới từ khi Quyết định số 39/QĐ-TTg hết hiệu lực từ ngày 1-11-2021 để đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án cũng như chưa có cơ sở để nhận được hỗ trợ tín dụng thực hiện dự án.
Với lợi thế là tỉnh ven biển có tiềm năng gió dồi dào, UBND tỉnh đã cho chủ trương để các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ trình Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với 29 dự án, tổng công suất đề xuất xấp xỉ 12GW.
Trên địa bàn tỉnh không có nhập khẩu điện, tuy nhiên, lượng điện tự sản xuất từ các nhà máy điện gió và hệ thống điện mặt trời mái nhà chiếm xấp xỉ 15% sản lượng điện thương phẩm nên phần lớn phải nhận điện từ lưới truyền tải. Cụ thể sản lượng điện sản xuất, trên địa bàn tỉnh có 4 DAĐG với tổng công suất 93,05MW. Trong năm 2022, tổng sản lượng điện thương phẩm đạt 2.138.478.235kW, trong đó lượng điện nhận từ điện gió là 244.898.945kW, chiếm 11,45%.
|
Bài, ảnh: Huyền Thu