Tiềm năng phát triển du lịch 4 huyện cù lao Minh

15/01/2020 - 08:29

BDK - Cù lao Minh, với 4 huyện: Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú được đánh giá là khu vực hội tụ đầy đủ những thế mạnh của du lịch Bến Tre. Để gắn kết phát triển du lịch của cù lao Minh có hiệu quả cần sự chung tay của chính quyền, người dân và doanh nghiệp du lịch.

Du khách tham quan vườn sầu riêng xã Vĩnh Thành (Chợ Lách). Ảnh: Tô Hân

Du khách tham quan vườn sầu riêng xã Vĩnh Thành (Chợ Lách). Ảnh: Tô Hân

Tài nguyên du lịch còn để ngỏ

Khu vực cù lao Minh, với vị trí địa lý, khí hậu, văn hóa - lịch sử có bề dày truyền thống cách mạng; lối sống bình dị của cư dân vùng sông nước hiền hòa với tấm lòng hiếu khách thân thiện, tạo nên khối tài nguyên du lịch tiềm năng. Mỗi huyện của khu vực cù lao Minh sở hữu những tài nguyên du lịch khá đặc thù và khác biệt. Có vùng cây trái, hoa kiểng Chợ Lách. Có các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử cách mạng với hệ thống các di tích ở Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và du lịch biển Thạnh Phú. Trong đó, Mỏ Cày Nam giữ vai trò là trung tâm kết nối các tuyến khách cả đường bộ lẫn đường sông.

 Theo ông Lê Văn Luông - Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch, Mỏ Cày Nam sở hữu hai giá trị quan trọng của du lịch Bến Tre là vùng tập trung của văn hóa dừa (chợ dừa sông Thom) và Di tích Đồng Khởi.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù có tài nguyên để phát triển du lịch nhưng hiện tại khai thác du lịch của 4 huyện trong khu vực nhìn chung vẫn còn rất sơ khai, chưa chuyên nghiệp. Cùng với đó, những khó khăn còn tồn tại như: sự hạn chế của nguồn nhân lực về trình độ khai thác và quản lý du lịch, nghiệp vụ, kỹ năng trong giao tiếp và phục vụ khách. Vấn đề về ý thức của người dân trong xây dựng môi trường du lịch, bảo vệ môi trường. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa sâu rộng...

Khu vực đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới khi hạ tầng giao thông trên địa bàn được đầu tư. Tuyến tránh quốc lộ 60 từ cầu Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Bắc đến cầu Cổ Chiên, góp phần giải quyết ùn ứ xe đi qua địa bàn trung tâm thị trấn Mỏ Cày. Cùng với bối cảnh khi cầu Đại Ngãi khánh thành sẽ mở ra cơ hội cho khu vực đón một lượng du khách lớn. Kèm theo cơ hội này đặt ra cho huyện Mỏ Cày Nam và khu vực thách thức trong đầu tư phát triển cơ sở lưu trú, dịch vụ để giữ chân du khách.

Giá trị văn hóa vùng đất, con người

Chia sẻ tại tọa đàm phát triển du lịch huyện Mỏ Cày Nam và các huyện cù lao Minh, Giám đốc Công ty TNHH truyền thông và du lịch C2T Võ Văn Phong góp ý: 4 điểm đến trong hành trình của cù lao Minh phải độc đáo, khác biệt. Mỗi điểm đóng vai trò nhất định trong chương trình chung. Cùng với một tour tuyến chung gắn kết 4 huyện thì cũng cần có các tour tuyến nhỏ hơn qua các địa phương, làm đa dạng sản phẩm. Mỗi doanh nghiệp, địa phương phải là một mắt xích để cùng chung tay phát triển.

Chợ dừa sông Thom là một trong các điểm đến hấp dẫn của Mỏ Cày Nam. Ảnh: Phan Quang

Chợ dừa sông Thom là một trong các điểm đến hấp dẫn của Mỏ Cày Nam. Ảnh: Phan Quang

Trong du lịch hiện đại, xu hướng của du khách không chỉ là tham quan, nghe, nhìn mà điều khiến du khách cảm nhận rõ ràng và lắng đọng nhất chính là các giá trị văn hóa của vùng đất, con người bản địa. Đây chính là điều quan trọng mà ngành chức năng và chính quyền địa phương trong khai thác du lịch phải đặc biệt chú trọng. Phát triển du lịch cần lấy cộng đồng người địa phương làm gốc để phát triển.

Ý kiến từ các doanh nghiệp du lịch cũng cho rằng, địa phương cần sớm triển khai xây dựng mô hình “Làng du kích” để làm bật lên giá trị truyền thống cách mạng ở địa phương, khai thác tốt hơn giá trị của Di tích Đồng Khởi. Mô hình Làng du kích có thể được triển khai với sự tham gia của các hộ dân tại địa phương, gắn kết với doanh nghiệp du lịch để thể hiện vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch địa phương. Hệ thống các di tích lịch sử cách mạng cần được khai thác hướng đến đối tượng du khách là các đoàn thể, thanh thiếu niên đến tham quan, học tập truyền thống.

Ông Lê Văn Luông - Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch cho rằng: Ở cù lao Minh làm sao xây dựng cho được thương hiệu chung là du lịch cù lao Minh - hành trình từ sông ra biển. Chính quyền hỗ trợ cơ chế chính sách thông thoáng, an ninh trật tự, cải tạo môi trường ở những điểm định hướng phát triển du lịch. Trong tour tuyến phát triển du lịch thì phải gắn với các tiêu chí văn hóa, hỗ trợ phát triển bến bãi giao thông để phát triển du lịch.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Quốc Phong, trong phát triển du lịch, huyện Mỏ Cày Nam nói riêng và khu vực cù lao Minh nói chung cần đặt vào định hướng phát triển lâu dài của tỉnh và khu vực, xác định giá trị cốt lõi của huyện và khu vực để đầu tư, khai thác du lịch có trọng tâm, trọng điểm. Phải lấy cốt lõi trong văn hóa của Bến Tre để phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh và của địa phương. Cần bắt đầu từ vai trò của người dân, quan tâm đến người dân hưởng lợi như thế nào từ du lịch, lấy người dân làm gốc trong phát triển du lịch cộng đồng.

Ngày 14-1-2020, UBND huyện Mỏ Cày Nam đã tổ chức chương trình tọa đàm phát triển du lịch Mỏ Cày Nam và 4 huyện cù lao Minh, với sự tham dự của đại diện các huyện trong khu vực và các cơ sở kinh doanh du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh, huyện.

Tọa đàm tập trung trao đổi làm rõ các tiềm năng thế mạnh về tài nguyên du lịch, một số hạn chế trong khai thác du lịch, thảo luận các giải pháp xúc tiến quảng bá, liên kết phát triển du lịch của khu vực. Lãnh đạo huyện Mỏ Cày Nam cam kết củng cố lại chất lượng vấn đề môi trường, không đầu tư du lịch tràn lan mà thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình liên kết, hợp tác đầu tư.

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích