Trường Tiểu học Tân Mỹ sẽ được mở rộng thành Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Tân Mỹ giai đoạn 2018-2020.
Dự kiến giảm 17 trường
Năm học 2017-2018, hệ thống cơ sở GD mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh có 519 đơn vị. Qua thống kê của ngành GD&ĐT, có 527 điểm trường lẻ ở GD mầm non và tiểu học (TH). Tất cả các điểm trường lẻ được xây dựng trước đây nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh do điều kiện đi lại còn khó khăn.
Thực hiện kế hoạch “Tổ chức, sắp xếp lại hệ thống cơ sở GD mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 và đến 2030” của UBND tỉnh, ngành GD&ĐT sẽ tiến hành tổ chức sắp xếp, sáp nhập, giảm 17 trường so với năm học 2017-2018. Lộ trình từ năm 2018 - 2020, sẽ sắp xếp giảm 6 trường trên cơ sở sáp nhập 2 trường mầm non: Đồng Khởi và Trúc Giang ở địa bàn TP. Bến Tre; 2 trường TH Thạnh Phong A và Thạnh Phong B (Thạnh Phú), 4 trường TH: Thuận Điền, Linh Phụng (Giồng Trôm), Tân Thanh Tây (Mỏ Cày Bắc), Phước Hiệp (Mỏ Cày Nam) và 4 trường THCS: Thuận Điền, Hoàng Lam, Tân Thanh Tây, Phước Hiệp thành 4 trường TH-THCS.
Ngoài ra, theo lộ trình kế hoạch phát triển GD trung học giai đoạn 2016 - 2020 của UBND tỉnh, sẽ tăng 5 trường, gồm: THCS Tân Hội (Mỏ Cày Nam), THCS Mỹ Thạnh An (TP. Bến Tre), THPT Thạnh Phước (Bình Đại), THPT Long Thới (Chợ Lách), THPT Nhuận Phú Tân (Mỏ Cày Bắc). Riêng trường TH-THCS Tân Mỹ (Ba Tri) thành lập mới từ việc mở rộng trường TH Tân Mỹ. Đồng nghĩa, ngành GD&ĐT tổ chức giảm 2 đơn vị so với năm học 2017-2018, còn 517 trường. Giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục giảm 11 trường và đến giai đoạn 2026 - 2030 giảm 17 trường.
Phù hợp yêu cầu phát triển
Hiện nay, các huyện, thành phố đang tổ chức sắp xếp lại hệ thống cơ sở GD theo hướng lấy quy mô mạng lưới và vị trí việc làm cho cơ sở GD làm tiêu chuẩn. Nhiều địa phương cho rằng, đây là xu thế phù hợp với nhu cầu phát triển GD và tránh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả từ vật chất đến đội ngũ giáo viên.
Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Nguyễn Ngọc Tân cho biết, huyện đã tuyên truyền và thống nhất với phụ huynh học sinh trong việc tổ chức sắp xếp lại hệ thống GD. Huyện tổ chức cơ cấu các trường nhằm giảm sự chênh lệch giữa trường điểm lẻ và trường trung tâm. Từ đó, đem đến hiệu quả trong việc quy hoạch trường lớp đáp ứng mục tiêu GD.
Theo lãnh đạo một số trường, việc sáp nhập các trường học là cần thiết, lãnh đạo các trường sẽ nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, vẫn có những lo lắng, băn khoăn khi sáp nhập sẽ có một trong hai hiệu trưởng của hai trường được sáp nhập phải xuống làm phó hiệu trưởng, số phó hiệu trưởng cũng sẽ dôi dư. Bên cạnh đó, nhiều nhân viên khối hành chính phải sắp xếp lại vị trí việc làm. Học sinh ở hai cấp TH và THCS có đặc thù độ tuổi, tâm lý khác nhau. Do đó, sẽ còn nhiều thách thức trong công tác quản lý chuyên môn, GD, sinh hoạt ngoại khóa riêng từng cấp.
“Mục đích sắp xếp lại các cơ sở GD góp phần tinh giản nhân sự chủ yếu ở các bộ phận gián tiếp như: văn thư, kế toán, y tế, thư viện… Đối với những môn chuyên biệt: mỹ thuật, âm nhạc, tiếng Anh, thể dục, tin học, giáo viên có thể dạy hai cấp TH và THCS. Điều đó sẽ khắc phục được tình trạng thừa, thiếu đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, việc sáp nhập cũng tiết kiệm được chi phí đầu tư để phục vụ các mục tiêu phát triển, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở GD trên địa bàn”, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Lê Văn Chín cho hay.
Theo ông Lê Ngọc Bữu, thực hiện tổ chức, sắp xếp lại cơ sở GD, các đơn vị trường phải thực hiện thông tin, tuyên truyền về mục đích, yêu cầu, nội dung; lộ trình tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở GD công lập là cần thiết. Tích cực thuyết phục, vận động giáo viên, nhân viên nắm rõ được chủ trương này là thiết thực, tạo sự đồng thuận trong ngành. Đồng thời thực hiện đúng chế độ, chính sách đối với các trường hợp dôi dư khi sáp nhập. Về vấn đề chuyên môn, vẫn duy trì hoạt động giảng dạy riêng của từng cấp học nên không xáo trộn hay khó khăn khi thực hiện.
Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Ngọc Bữu cho biết, việc thu gọn, sáp nhập các điểm trường, các trường chỉ thực hiện đối với các điểm trường có khoảng cách gần nhau khoảng 200m, có quy mô không quá 20 nhóm lớp đối với GD mầm non, không quá 30 lớp đối với TH, THCS. Không sáp nhập các cơ sở GD mầm non với các cơ sở GD phổ thông. Đồng thời, phải đảm bảo các trường sau khi sáp nhập đủ điều kiện triển khai chương trình GD phổ thông mới theo lộ trình của Bộ GD&ĐT. |
Bài, ảnh: Phan Hân