BDK - “... Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” - Đây là lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng ngày 17-7-1966. Lời kêu gọi ấy của Bác không chỉ là một lời hiệu triệu mạnh mẽ trong kháng chiến mà còn là kim chỉ nam cho con đường phát triển của dân tộc Việt Nam trong suốt hành trình dựng nước và giữ nước.
Tuổi trẻ tỉnh thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng tại huyện Châu Thành.
Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, khi cả nước hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), chúng tôi lại nhớ về những câu chuyện của các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) của vùng đất xứ Dừa Bến Tre. Trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, các mẹ đã nén lòng, cổ vũ chồng, con lên đường tham gia kháng chiến, dẫu biết rằng, các anh đi có thể không hẹn ngày về. Không những thế, bản thân nhiều mẹ cũng đã trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng và anh dũng hy sinh. Nhiều mẹ làm hậu phương nuôi giấu cán bộ cách mạng, ủng hộ tiếp sức cho lực lượng chiến đấu.
Câu chuyện về Mẹ VNAH Võ Thị Biện - xã Quới Sơn (Châu Thành) với những hy sinh to lớn được xem là một trong những biểu tượng cao quý của lòng yêu nước, về tinh thần bất khuất, kiên trung, một lòng vì nước của người mẹ xứ Dừa Bến Tre. Gia đình mẹ có 8 người là liệt sĩ, trong đó cả chồng và 7 người con hy sinh (6 người con ruột và 1 người con rể) trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc từ năm 1952 - 1972.
Năm 1953, người con trai thứ ba của mẹ là anh Nguyễn Văn Tao - người chiến sĩ của Tiểu đoàn 307, chỉ 2 tháng sau khi cưới vợ đã hy sinh ở một trận chống càn tại Bảy Ngàn - Cần Thơ. Năm 1967, chồng mẹ là ông Nguyễn Văn Cơ tham gia hoạt động cách mạng và bị địch bắt, chúng tra tấn, đánh đập nhưng ông vẫn giữ đến cùng khí tiết cách mạng. Do không khai thác được gì, chúng buộc phải thả ông và chỉ vài tháng sau, ông qua đời do những vết thương quá nặng từ lần tra tấn ấy.
Nỗi đau của mẹ chưa dừng lại đó, năm 1968, người con trai thứ hai Nguyễn Văn Cảnh - cán bộ Ban Tổ chức Huyện ủy Châu Thành và người con trai thứ tám Nguyễn Văn Ri cùng hy sinh trong một trận đánh. Đến năm 1969, người con trai thứ chín của mẹ là anh Nguyễn Văn Rép - cán bộ tuyên huấn miền cũng hy sinh. Đến năm 1970, người con trai út là anh Nguyễn Văn Tiên - Trung úy thuộc Ban Quân sự tỉnh hy sinh. Và năm 1971, con gái thứ sáu của mẹ là chị Nguyễn Thị Nga - cán bộ Ban Đấu tranh chính trị tỉnh, cùng với chồng ra chiến trường chiến đấu và hy sinh. Vẫn chưa hết, năm 1972, đứa con trai còn lại duy nhất của mẹ là anh Bảy Nguyễn Văn Vững - Chính trị viên Huyện đội Châu Thành cũng hy sinh. Bản thân mẹ Biên tham gia tổ chức “Hội mẹ nuôi quân”, sau mất vì bệnh.
Cũng như mẹ Biên, ở khắp ba dải cù lao Bến Tre, gần như địa phương nào cũng có những Mẹ VNAH đã hy sinh như thế. Như Mẹ VNAH Trần Thị Đạt (xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri) có 5 người con là liệt sĩ; Mẹ VNAH Đặng Thị Nỹ (thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại) có chồng và 4 người con là liệt sĩ; hay như mẹ Phạm Thị Kỉnh (xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm) có chồng, con và bản thân mẹ đều là liệt sĩ… Đến nay, toàn tỉnh có 6.946 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà Mẹ VNAH.
Ghi ơn anh hùng liệt sĩ
Để giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc, hòa bình cho quê hương, Bến Tre là một trong những địa phương chịu nhiều hy sinh, mất mát qua hai cuộc chiến tranh. Cùng với đồng bào cả nước, nhân dân tỉnh với truyền thống yêu nước và cách mạng cũng đã cống hiến toàn bộ sức người, sức của cho kháng chiến.
Bài văn bia liệt sĩ Bến Tre của tác giả Tâm Minh (Võ Thành Hạo) được khắc lên bia đá đặt tại Nhà Văn bia - Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh vào dịp 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ đã khắc họa phần nào những hy sinh, mất mát của vùng đất, con người Đồng Khởi Bến Tre: “… Đất tung lên bởi đạn xới, bom cày/ Người ngã xuống do pháo bầy, hỏa tiễn/ Khói da cam thiêu rụi đảo dừa xanh/ Lửa xăng đặc đốt đen đàn con trẻ/ Trái tim cha sôi sục máu căm thù/ Ánh mắt mẹ đớn đau niềm uất hận/ Tiếng oán hờn âm ỉ khắp nông thôn/ Lời đã đảo ầm ầm vang phố thị/ Thế cho nên/ Lớp lớp thanh niên rời bỏ cuốc cày/ Trùng trùng đoàn quân giơ cao gươm súng/ Từ bộ đội ông Cống giết giặc lập công, súng ngựa trời, giàn “mang ên” khiến bọn Pháp run mình/ Đến đội quân Đồng Khởi dậy trời khí thế, đuốc lá dừa, ong vò vẽ làm quân Mỹ khiếp vía…”.
Đoạn cuối văn bia như một lời khẳng định giá trị thiêng liêng của hòa bình, độc lập, tự do, bởi được xây nên từ biết bao mất mát, đau thương mà hậu thế luôn nhớ mãi: “Đến hôm nay/ Đất nước trọn cảnh thanh bình, núi sông một dải/ Anh chị yên giấc nghìn thu, chiến trường nằm lại/ Người còn tên tuổi, còn có hình hài/ Người mất thịt xương, người vô danh mãi… Mất mát này thật là lớn lao/ Vĩnh quang đó vô cùng vĩ đại!/ Máu xương liệt sĩ anh hùng/ Hậu thế vĩnh hằng nhớ mãi!”.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười - Trưởng ban Chỉ đạo 515 tỉnh Bến Tre về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hàng ngàn người con ưu tú của tỉnh đã xung phong lên đường ra mặt trận, cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nhiều cô, chú, anh, chị đã anh dũng chiến đấu hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại sự tiếc thương và kính trọng cho bao người thân, đồng chí, đồng đội.
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ gần nửa thế kỷ, nhưng vết thương chiến tranh vẫn chưa lành, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà vẫn đau xót, trăn trở vì trong số khoảng 35 ngàn liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, tỉnh hiện còn trên 6 ngàn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa biết nơi yên nghỉ để đưa về nghĩa trang liệt sĩ và nhiều hài cốt liệt sĩ chưa biết được danh tính, chưa biết cố hương đang an táng trên mảnh đất quê hương.
“Máu các cô, chú, anh, chị đã quyện trong từng tấc đất của quê hương, tô thắm lá cờ vinh quang của Tổ quốc, góp phần viết nên trang sử vẻ vang của dân tộc, của quê hương Đồng Khởi anh hùng. Những thế hệ của hôm nay và mai sau sẽ mãi mãi ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ như một cội nguồn của niềm tin và sức mạnh. Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh nhà nguyện đoàn kết một lòng, bước tiếp con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, ra sức phấn đấu giữ gìn thành quả cách mạng mà các anh hùng liệt sĩ đã dũng cảm chiến đấu hy sinh mới giành được”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười chia sẻ.
Những năm qua, công tác chăm lo người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện, sâu rộng. Tỉnh đã xác nhận, cấp tuất cho gần 30 ngàn liệt sĩ, xây dựng, quy tập, an táng 18.506 mộ liệt sĩ; phong tặng và truy tặng 6.946 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, hiện 101 mẹ còn sống được các tổ chức, cá nhân phụng dưỡng suốt đời; 11.281 căn nhà tình nghĩa được xây dựng mới và sửa chữa, hàng ngàn sổ tiết kiệm đã được trao đến hộ người có công, gia đình chính sách; đến nay, có hơn 99% gia đình chính sách, người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của khu dân cư. Các thiết chế văn hóa, bảo tồn di sản, phát huy giá trị văn hóa Đồng Khởi, văn hóa xứ Dừa được chú trọng, làm giàu thêm hồn cốt của vùng đất anh hùng.