Tòa án tiến hành xét xử khi vắng mặt bị đơn

30/12/2018 - 21:19

Ông Nguyễn Hà có nhu cầu tư vấn: Tôi là bị đơn trong một vụ tranh chấp đất đai. Nửa tháng trước đây, tòa án có thư triệu tập tôi (lần 2) để xét xử vụ án. Do mẹ tôi bệnh nặng, tôi phải nuôi mẹ tại bệnh viện và người đại diện của tôi cũng bị bệnh nên không thể tham dự phiên tòa được. Sau đó, tôi được biết tòa án đã tiến hành xét xử vụ án.

Xin hỏi: Tôi có lý do chính đáng không thể tham dự phiên tòa được, nhưng tòa án vẫn xét xử. Như vậy có đúng không, tôi phải làm gì để được bảo vệ quyền lợi cho mình?

Thắc mắc của ông được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Hậu quả pháp lý khi đương sự vắng mặt tại phiên tòa được quy định tại Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:

“1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;

b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;

...”

Căn cứ quy định trên và theo thông tin ông cung cấp, ông đã được tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng ông vắng mặt và người đại diện của ông cũng vắng mặt. Đây là trường hợp vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng.

Ông đã không làm đơn xin hoãn phiên tòa. Việc tòa án tiến hành xét xử vắng mặt ông hoặc người đại diện của ông là đúng quy định của pháp luật.

Hiện tại, vụ án đã được tòa cấp sơ thẩm xét xử. Nếu ông không đồng ý với nội dung bản án, ông có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm theo thủ tục phúc thẩm.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN