Tôi học anh Hai Nghĩa

21/02/2021 - 21:46

BDK - Tôi học anh Hai Nghĩa ở tấm lòng thủy chung sống có trước có sau. Khi anh lên làm Phó thủ tướng Chính phủ, mỗi lần về Bến Tre công tác, anh tranh thủ đi thăm, cảm ơn các gia đình trước đây trong kháng chiến đã đùm bọc, che chở cho anh.

Đồng chí Trương Vĩnh Trọng vận động nhà hảo tâm tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo trên địa bàn TP. Bến Tre năm 2017. Ảnh: Phương Khê

Đồng chí Trương Vĩnh Trọng vận động nhà hảo tâm tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo trên địa bàn TP. Bến Tre năm 2017. Ảnh: Phương Khê

Năm 1960 ở Bến Tre đã dấy lên phong trào cách mạng Đồng khởi sôi nổi toàn miền Nam. Tôi và anh Hai Nghĩa đều hoạt động ở các huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày và Thạnh Phú. Sau Đồng khởi, chúng ta đã giải phóng, tạo ra được một số lõm. Cán bộ ở trong nhà dân. Tôi ở Tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bến Tre. Anh Hai Nghĩa thuộc Tiểu ban Giáo dục. Anh trực tiếp tổ chức các lớp học và tham gia giảng dạy, động viên con em đi học, có nhiều lớp tiểu học, sau đó chuyển dần lên, có cả lớp 9, lớp 10. Phong trào giáo dục đã phát triển rất mạnh, lan rộng trong toàn tỉnh Bến Tre.

Bọn Mỹ - ngụy mở nhiều đợt càn quét vào các lõm giải phóng. Chúng dội bom Napan xuống Trường Linh Phụng, xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm (1963). Các em kêu la thảm thương: “Thầy ơi! Cha mẹ ơi, nóng quá!”. Nhiều học sinh và các thầy, cô giáo bị chết cháy, chỉ còn có em Hồ Văn Bột còn sống sót, được đưa ra miền Bắc, lên Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam tố cáo tội ác đế quốc Mỹ ra thế giới.

Ở xã Phước Long có trường bổ túc văn hóa, bọn chúng càn vô bất ngờ, thầy và trò chạy xuống hầm. Nó moi các em lên hãm hiếp hết lượt rồi giết chết tất cả. Nhân dân đã dựng bia căm thù tại Trường An Định. Chúng bỏ bom xuống ngôi trường ở Bình Đại, thầy cô giáo và các em hy sinh rất nhiều. Tuy phong trào giáo dục ở Bến Tre bị khủng bố rất dã man nhưng Tỉnh ủy vẫn tìm cách củng cố phong trào dạy và học. Có một số giáo viên tập kết ở miền Bắc xung phong trở về miền Nam chia lửa với đồng bào. Có thể nói phong trào giáo dục của tỉnh Bến Tre phát triển mạnh trong những năm đó.

Năm 1968, mở chiến dịch bình định đóng đồn bốt ở khắp nơi. Không có xã nào là không có đồn. Có xã nó đóng mười mấy cái đồn. Du kích xã vẫn quyết tâm làm hàng rào chiến đấu. Các ngành trong khối tuyên huấn, kể cả Tiểu ban Giáo dục vẫn bám dân hoạt động.

Anh Hai Nghĩa và chúng tôi thường vào ở trong các vườn dừa, chỗ này né qua chỗ kia. Có khi chúng tôi cùng ở chung với nhau. Chúng tôi vẫn tranh thủ trồng rau xanh, tôi và anh Hai Nghĩa cùng gánh nước tưới rau. Anh lao động rất giỏi, nhiệt tình, thật thà. Bà con rất quý anh. Khẩu hiệu lúc đó là “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.

Anh Hai Nghĩa làm công tác dân vận rất tốt, đi đến đâu anh cũng sống hòa mình, coi mình như thành viên của gia đình, bà con ai cũng thương anh, che chở cho anh. Tôi học anh Hai Nghĩa ở tấm lòng thủy chung sống có trước có sau. Khi anh lên làm Phó thủ tướng Chính phủ, mỗi lần về Bến Tre công tác, anh tranh thủ đi thăm, cảm ơn các gia đình trước đây trong kháng chiến đã đùm bọc, che chở cho anh. Những người nào đã qua đời anh đều tới gia đình để đốt nhang, tặng quà.

Trong kháng chiến hy sinh gian khổ như vậy nhưng công tác tuyên huấn hoạt động hết sức sôi nổi rộng khắp. Chúng tôi nhận chỉ thị của tỉnh: Chuẩn bị cho Tổng tấn công Mậu Thân. Chúng tôi chuẩn bị lực lượng văn nghệ xung kích, tổ chức cả các đội văn công đi lưu diễn cổ vũ đồng bào, in tranh khắc gỗ, những khẩu hiệu cổ động, những bài hát được phổ biến rộng rãi. Tiểu ban Báo chí được thành lập, in tập văn nghệ xung kích, tổ chức phát loa truyền thanh. Có lúc chúng tôi hoạt động cả ban ngày. Có một câu chuyện tôi muốn kể để hiểu tính dũng cảm sáng tạo của dân tộc mình. Mỗi lần bọn Mỹ thả bom, bà con đếm số trái bom nào nổ và trái bom nào bị lép. Họ đi tìm những trái bom lép, rủ nhau tìm mọi cách đưa trái bom lép đến giao cho du kích.

Hồi năm 1970, tôi đang làm việc trong đoàn văn công đi biểu diễn phục vụ đồng bào thì dính một trận bom ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, quê của bà Nguyễn Thị Định. Tôi vô trước, thấy có tảng đá xanh, tôi ngồi vào tảng đá đó. Khi bom bỏ, tôi nghe cái “hực” rồi hết biết luôn. Tôi nghe tiếng gọi văng vẳng: “Anh Năm ơi!”

Tôi không trả lời được. Có người nói: “Còn thở được, vẫn còn sống”.

Anh em đưa tôi đi cấp cứu. Sau đó tôi vẫn lai rai đi theo đoàn nhưng không làm được việc nặng. Sau ngày 30-4-1975, anh em đưa tôi ra Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ nói: “Trời, cột sống của anh sụp rồi, sao không chữa sớm”.

Tôi được phẫu thuật băng bột khắp người. Sau khi ra viện tôi vẫn làm việc nhưng luôn luôn phải đeo đai để giữ cột sống.

Năm 1987, anh Hai Nghĩa về làm Chủ tịch UBND tỉnh. Tôi làm Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh. Một lần, Ban Tổ chức Tỉnh ủy mời tôi sang làm việc, cấp trên muốn điều tôi sang làm Phó chủ tịch UBND tỉnh.

Tôi suy nghĩ và sau đó đã từ chối với lý do sức khỏe vì tôi phải mang đai cột sống. Ban tổ chức nhắc lại, động viên tôi, các anh nói đây là ý của anh Hai Nghĩa - Chủ tịch tỉnh.

Một hôm, anh Hai Nghĩa gặp tôi trong cuộc họp, anh nói riêng với tôi: “Phụ nhau mà làm, góp sức nhau mà làm cho tỉnh nhà”. Nghe anh nói câu chân tình như vậy tôi đã ráng làm. Chính thức năm 1987, tôi làm Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối văn xã.

Khi tôi đưa ra vấn đề xây dựng trạm xá, trường học, bệnh viện, lo cho bà con nghèo, anh Hai Nghĩa rất ủng hộ. Tôi đề nghị anh cho thành lập Ban Quản lý chương trình viện trợ, anh đồng ý ngay và giao cho tôi làm trưởng ban. Nhưng có lẽ công lao lớn nhất của anh Hai Nghĩa, đó là công trình kéo điện về Bến Tre. Hôm tổ chức đón các bạn Liên Xô đến để cảm ơn có đông đồng bào tới dự. Chủ tịch UBND tỉnh lên phát biểu, bà con vỗ tay rầm rộ. Anh Hai Nghĩa hô: “Trời đất ơi! Bà con ơi! Bến Tre có điện rồi”. Bà con xúc động, có nhiều người khóc, chính anh Hai Nghĩa cũng khóc.

Hôm nay khi đến đây thấy Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu khang trang thế này cũng là được khởi công xây dựng từ thời anh Hai Nghĩa. Hồi đó tỉnh còn nghèo lắm nhưng anh vẫn duyệt cho xây dựng, anh nói: “Mình chưa đủ kinh phí, nên tách ra làm từng khoa để có nơi trị bệnh cho dân”.

Dạo đó cán bộ lãnh đạo của tỉnh ở nhà tập thể, ăn cơm tập thể. Chúng tôi đi xuống cơ sở thường về ăn cơm rất muộn, với tô canh nguội, có miếng cá kho, có tô cơm nguội ngắt. Anh Hai Nghĩa nói đùa: “Bọn mình được ăn “cơm cúng”.

Làm Chủ tịch tỉnh nhưng anh sống giản dị, gần gũi cán bộ, bà con, sống rất đàng hoàng, trong sạch.

Mỗi lần họp ủy ban, anh rất điềm tĩnh, chững chạc không to tiếng quát nạt, có lẽ vì anh xuất thân làm thầy giáo. Tuy vậy cán bộ cấp dưới rất nể anh, không dám làm bậy bạ.

Khi về làm Chủ tịch tỉnh, ảnh mới ngoài 40 tuổi, còn rất trẻ. Sau này anh ra công tác ngoài Trung ương, làm Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Phó thủ tướng Chính phủ, nhưng mỗi lần về tỉnh, anh đều đi thăm anh chị em cùng thời công tác. Sau khi anh Hai Nghĩa về nghỉ hưu cũng thỉnh thoảng ghé thăm Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo của tỉnh.

Huỳnh Văn Cam - Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN