Ông Trương Vĩnh Trọng (Chú Hai Nghĩa)
Chú Hai Nghĩa là tên gọi thân thuộc, trìu mến mà người dân Bến Tre dành cho nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng.
Là người con của đất Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, ông thoát ly gia đình, tham gia cách mạng từ năm 1962. Qua nhiều cương vị lãnh đạo từ địa phương đến Trung ương, ông luôn nhiệt thành với công việc và quyết liệt trong công tác phòng chống, bài trừ tham nhũng. Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Quyết thắng hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba.
Dù công tác ở đâu, trên cương vị nào thì ông luôn trăn trở về cái nghèo, cái chưa phát triển của quê hương Đồng Khởi. Từ đó, thôi thúc ông có những chủ trương, những đóng góp to lớn cho quê nhà. Năm 1989, khi đang là Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, trong ngày khánh thành đường điện quốc gia vượt sông Tiền về quê hương Đồng Khởi, ông đã vui mừng la lớn: “Đồng bào ơi! Đồng chí ơi! Điện đã về Bến Tre!”.
Năm 2009, khi đã là Phó thủ tướng, trong lễ thông xe cầu Rạch Miễu nối 2 bờ sông Tiền, giúp Bến Tre thoát khỏi thế cù lao, ông cũng la lớn: “Đồng bào ơi! Đồng chí ơi! Đã có cầu bắc qua Bến Tre!”. Sau nhiều cống hiến, ông Hai Nghĩa trở về căn nhà ở ấp Lương Thuận, xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre sống cuộc đời giản dị. Ông luôn đau đáu về sự phát triển của tỉnh, nên đã trao đổi, hiến kế cùng lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, tìm giải pháp phát triển và huy động nguồn lực, tạo cảm hứng và khát vọng vươn lên cho quê hương Đồng Khởi.
Thật xúc động khi ông bày tỏ sự tin tưởng vào một ngày không xa, ông vui mừng la lớn: “Đồng bào ơi! Đồng chí ơi! Bến Tre đã thật sự giàu đẹp rồi!”.
Ông Năm Lê Huỳnh thăm hỏi một trường hợp đặc biệt khó khăn bị di chứng tai nạn giao thông ở Mỏ Cày Bắc. Ảnh: Ánh Nguyệt
Ông Huỳnh Văn Cam (ông Năm Lê Huỳnh)
Từ năm 2002, sau khi nghỉ hưu, ông Huỳnh Văn Cam (Lê Huỳnh) thành lập Phòng Khám điều trị miễn phí trẻ em tỉnh, tiền thân của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật tỉnh và nay là Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, có 11 chi hội và 2.748 hội viên. Dưới sự quản lý, điều hành của ông, trong 17 năm qua, hội đã vận động trên 836 tỷ đồng để thực hiện các chương trình an sinh xã hội và phát triển cộng đồng. Cụ thể, hỗ trợ phẫu thuật tim cho 1.073 người nghèo. Phẫu thuật đem lại ánh sáng cho 24.187 cas bị mù, mờ do đục thủy tinh thể. Khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 460.459 lượt người nghèo. Cấp 4.246 chiếc xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật, già yếu. Vận động xây cất 2.115 nhà tình nghĩa, tình thương, nhà mái ấm trái tim. Cấp 36.935 suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo mồ côi, khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn; dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi. Vận động lập các bếp ăn từ thiện tại bệnh viện các huyện, đã cấp trên 3,5 triệu suất ăn cho bệnh nhân nghèo và người nuôi bệnh trong những ngày nằm viện.
Đặc biệt, theo yêu cầu của nhà tài trợ, hội đã hỗ trợ xây dựng 460 cầu; xây tặng 3.898 ống hồ và bồn trữ nước ngọt; cấp xe đạp, tập vở, quần áo cho học sinh, thuốc điều trị bệnh; tặng trên 617,3 ngàn phần quà, trên 104 tấn gạo cho người nghèo nhân dịp lễ, Tết; cấp trên 10,37 ngàn thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo.
Ông Huỳnh Văn Cam đã vinh dự nhận Giải thưởng Itoga của Nhật Bản; Huân chương Lao động hạng Nhất; Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Ông Trịnh Văn Y (ông Hai Mai Sơn)
Năm 2001, ông Trịnh Văn Y vận động sáng lập Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Bến Tre và làm Chủ tịch hội cho đến nay. Hội có 558 hội viên, 15 chi hội trực thuộc và 16 hội viên tập thể. Từ năm 2003 đến cuối năm 2020, ông đã phối hợp xã vận động khoảng 1 ngàn tỷ đồng để tổ chức xây dựng đưa vào sử dụng 2.500 cây cầu, 350km lộ bê-tông và lộ nhựa. Ông đã liên kết vận động xây tặng 6 trường học, 15 căn nhà tình nghĩa, 17 căn nhà tình thương, 27 cây nước sinh hoạt, 88 suất học bổng và 150 xe đạp cho học sinh nghèo, gia đình khó khăn, hàng chục ngàn phần quà cho các hộ nghèo. Từ năm 2012 đến cuối năm 2020, ông đã vận động hỗ trợ 1,5 tỷ đồng; đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan phát động, tranh thủ sự đóng góp của người dân được trên 15 tỷ đồng để duy tu sửa chữa trên 100km đường nông thôn và 60 cây cầu bị xuống cấp, đảm bảo an toàn cho sự đi lại của người dân. Ngoài ra, ông còn tư vấn phối hợp với huyện, xã tiến hành xây trên 100 cống thay cầu, lấp bớt kênh rạch giúp cho việc làm đường giao thông nông thôn vững chắc hơn.
Ông Trịnh Mai Sơn (thứ hai, phải sang) tại buổi phát động xây dựng giao thông nông thôn huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: T. Thảo
Bên cạnh đó, ông còn đề xuất việc từ thiện “không biên giới”, giúp cho các tỉnh bạn trên 200 công trình, như vận động hỗ trợ cho tỉnh Bạc Liêu 5 cầu và Trà Vinh 2 cầu cáp treo; làm giúp hồ sơ vận động cho tỉnh Sóc Trăng 171 cây cầu và 1km lộ; đưa cán bộ kỹ thuật hỗ trợ tư vấn thiết kế miễn phí cầu tại TP. Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Trị, Bình Dương và Bình Phước; tư vấn giám sát 1 cầu tại Thanh Hóa.
Ông Trịnh Văn Y đã được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Huân chương Lao động hạng Nhất.
Bà Akemi Bando
Tháng 4-1990, bà Akemi Bando cùng một số thành viên sáng lập ra Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam - Nhật Bản. Với vai trò là Tổng Thư ký, bà đã cùng với các thành viên điều hành hội đã thực hiện các chương trình, các hoạt động trợ giúp trẻ em Việt Nam nói chung và trẻ em Bến Tre nói riêng, đã tham gia các hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng tại Bến Tre trong 31 năm qua.
Năm 1991, hội đã cùng tỉnh Bến Tre xây dựng Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật (ngôi trường đầu tiên cho trẻ khuyết tật tại tỉnh). Tiếp theo đó, bà cùng các thành viên của hội tiếp tục hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho giáo viên trường trong việc dạy học, tập luyện cho trẻ em khuyết tật.
Bà và Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam - Nhật Bản đã tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ khác tại tỉnh, như: Từ năm 1997, triển khai Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, mang đến cho người khuyết tật cơ hội phục hồi, nâng cao sức khỏe, học tập, hòa nhập xã hội. Đến nay, chương trình đã thực hiện khắp 164 xã, có 51 phòng tập vật lý trị liệu được hội tài trợ. Từ năm 1998, triển khai Chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà mẹ và trẻ em, nhằm giảm thiểu việc sinh ra số trẻ bị dị tật, khuyết tật hoặc chậm phát triển về trí tuệ bằng việc chăm sóc bà mẹ ngay từ khi mang thai đến tận khi sinh nở, chăm sóc trẻ sơ sinh từ lúc mới ra đời đến khi tròn tuổi thông qua sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Từ năm 2012, Đội hỗ trợ cấp cứu nhi thuộc hội đã đến Bến Tre tập huấn chăm sóc nhi cho bà mẹ và nhân viên các trạm y tế, tập huấn cấp cứu nhi. Từ năm 2014 đến nay, nhóm bác sĩ Trợ giúp trẻ em Việt Nam - Nhật Bản đã áp dụng thí điểm nội dung phát hiện bệnh thận sớm ở trẻ em tại các trường tiểu học trong tỉnh.
Ngoài ra, hội còn hỗ trợ các bệnh viện khác trong tỉnh nhiều trang thiết bị y tế, đầu tư kinh phí xây dựng Khoa Phục hồi chức năng để có thể tập luyện phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
Bà Akemi Bando đã nhận Huân chương Hữu nghị do Chủ tịch nước trao tặng năm 2003.
Giáo sư - Tiến sĩ Nagato Natsume
Giai đoạn 1993 - 2007, vào tháng 12 hàng năm, Giáo sư - Tiến sĩ (GS,TS) Nagato Natsume đã tổ chức đoàn giáo sư, bác sĩ, điều dưỡng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel đến Bến Tre phẫu thuật hở môi hàm ếch cho tổng cộng 392 cas và tài trợ trên 705,6 ngàn USD. Ngoài phẫu thuật, GS,TS Nagato Natsume còn trợ giúp kỹ thuật, chỉ dẫn và trao đổi chuyên môn và chuyển giao công nghệ cho bác sĩ của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Vào năm 1997, GS,TS Nagato Natsume đã vận động hỗ trợ 75 ngàn USD cho Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu xây mới khu phẫu thuật và tài trợ toàn bộ trang thiết bị hiện đại cho 6 phòng mổ, 1 phòng chăm sóc hậu phẫu.
Nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trao Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước cho GS.TS Y khoa Nagato Natsume (tháng 12-2016). Ảnh: Hoàng Vũ
Giai đoạn 2009 - 2015, ông cùng đoàn giáo sư, bác sĩ, điều dưỡng Nhật Bản phẫu thuật cho 360 cas người lớn và trẻ em khuyết tật. Giúp xây khu phẫu thuật, hồi sức sau mổ, tặng thiết bị y tế cho Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu với kinh phí trên 200 ngàn USD. Sau đó, hội tiếp tục vận động 358.688 USD tài trợ cho Dự án cải tạo nâng cấp Khoa Phẫu thuật. Nhờ vậy, trong những năm qua, rất nhiều bác sĩ của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu đã thực hiện được những kỹ thuật gây mê, kỹ thuật mổ vá môi hàm ếch. Hội còn tổ chức huấn luyện và cung cấp tài liệu, phương tiện phát hiện, điều trị quản lý thai trứng, trị giá khoảng 30 ngàn USD.
Đặc biệt, năm 2012, ông đã kết nối cho đoàn doanh nhân Nhật Bản do ông Omura Hideaki - Tỉnh trưởng Aichi dẫn đầu sang làm việc với Bến Tre nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương quảng bá thương hiệu và xúc tiến đầu tư với đối tác Nhật Bản, xây dựng mối quan hệ gắn bó, hữu nghị giữa Bến Tre và tỉnh Aichi Nhật Bản. Ông đã vận động và tài trợ cho 10 bác sĩ Bến Tre sang Nhật Bản tu nghiệp về chuyên môn từ 3 - 6 tháng; đào tạo nghiên cứu sinh cho 1 bác sĩ của Bệnh viện Nguyễn đình Chiểu học tại Nhật Bản trong thời gian 4 năm. Toàn bộ chi phí cho các đoàn sang Bến Tre thực hiện các đợt phẫu thuật từ năm 1993 đến nay do GS,TS Natsume - Giám đốc điều hành Hội Hở môi hàm ếch Nhật Bản hỗ trợ toàn bộ, với tổng số tiền 1,336 triệu USD.
GS.TS Nagato Natsume đã được nhận bằng khen của UBND tỉnh Bến Tre (1997 và 2014); Huy chương Hữu nghị; Huân chương Lao động hạng Nhì.
Ông Cho Myung Choel
Suốt 25 năm qua (1995 - 2020), với vai trò là Giám đốc Tổ chức Global Vision (Hàn Quốc) tại Việt Nam, ông Cho Myung Choel đã kết nối, vận động hỗ trợ cho tỉnh trên nhiều lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội. Cụ thể, vận động hỗ trợ xây dựng 11 trường tiểu học, 5 trường mẫu giáo, 985 căn nhà tình thương; tặng 1.505 xe đạp cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, 2.006 suất học bổng, 130 cống chứa nước; khám bệnh, phát thuốc cho trên 119.310 lượt người; tặng cây giống và dụng cụ cho người dân... tổng kinh phí trên 2,294 triệu USD.
Cá nhân ông Cho Myung Choel hỗ trợ kinh phí xây dựng Trường Mẫu giáo tình thương, tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí điện, nước sinh hoạt, tạp vụ hàng tháng nhằm duy trì hoạt động của trường. Ông thường xuyên ghé thăm trường để tặng quà cho các em nhỏ dịp khai giảng, tổng kết năm học và gửi sinh hoạt phí cho trường. Tính đến nay, đã có nhiều thế hệ lớn lên và trưởng thành từ Trường Mẫu giáo tình thương Lương Hòa và người dân nơi đây gọi ông với cụm từ rất đỗi thân thương “Ông Cheol Bến Tre”.
Ông Cho Myung Choel đã nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; bằng khen của UBND tỉnh.
Ông Võ Tấn Thông
Với vai trò là Phó trưởng ban Chỉ đạo Chiến dịch Mùa hè xanh của Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2000, ông đã tổ chức Chiến dịch Mùa hè xanh tại 20 xã của 3 huyện: Thạnh Phú, Giồng Trôm, Ba Tri. Ông đã chỉ đạo đội hình tình nguyện Mùa hè xanh Trường Đại học Bách Khoa phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè cấp tỉnh và người dân nâng cấp, sửa chữa gần trên 4.243,289km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí 1.511,65 tỷ đồng, trong đó làm mới 1.341,32km. Xây mới, sửa chữa 940 cầu giao thông nông thôn với tổng kinh phí 95,717 tỷ đồng (trong đó xây mới 392 cầu giao thông nông thôn). Thực hiện Đề án số 3333 của UBND tỉnh về xây dựng giao thông nông thôn giai đoạn 2018 - 2020, ông đã cùng sinh viên Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ bê-tông hóa 7,233km đường giao thông nông thôn.
Ông Võ Tấn Thông đã nhận bằng khen của UBND tỉnh trong nhiều năm (2007, 2008, 2016, 2017, 2018, 2019).
Ông Đặng Đức Thành
Từ năm 2016 - 2020, với vai trò là Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh, ông đã hỗ trợ thực hiện một số hoạt động triển khai Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh. Qua đó, đã góp phần tạo nên những kết quả tích cực từ chương trình này, có 436 doanh nghiệp khởi nghiệp thành lập mới và 403 hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Với vai trò là Chủ tịch Quỹ đầu tư khởi nghiệp tỉnh, ông đã điều hành quỹ thực hiện việc hỗ trợ, bảo lãnh tín dụng cho 18 dự án với tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng. Đa số các dự án khi được hỗ trợ đều phát huy hiệu quả tốt, đã góp phần tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Với vai trò là Chủ tịch Quỹ Tấm lòng vàng, ông đã ký kết Đề án chăm sóc và hỗ trợ nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Theo nội dung ký kết, quỹ sẽ vận động và tài trợ cho tỉnh nhiều hoạt động như trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi, khám bệnh, phát thuốc cho người nghèo trị giá 20 tỷ đồng. Trong năm 2020, đã kết nối, vận động 1.000 suất học bổng cho học sinh và sinh viên nghèo học giỏi, có quê quán tỉnh Bến Tre (15 triệu đồng/suất). Phối hợp với Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh tư vấn khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo tại các huyện và TP. Bến Tre, với tổng số 4 ngàn lượt khám bệnh và phát thuốc miễn phí, trung bình mỗi lượt khám có tổng kinh phí 220 triệu đồng.
Ngoài ra, Chủ tịch Quỹ Tấm lòng vàng cũng là Phó trưởng ban Điều hành Đề án trồng cây tỉnh Bến Tre. Ông đã điều hành quỹ hỗ trợ kinh phí cây trồng và một phần kinh phí tổ chức lễ phát động trồng cây với số tiền gần 700 triệu đồng, hỗ trợ trực tiếp cho huyện Châu Thành 120 cây liêm xẹt.
Ông Đặng Đức Thành đã nhận Cúp Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu (Cúp Thánh Gióng) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao tặng.
Danh sách 2 Công dân Đồng Khởi, 5 Công dân Đồng Khởi danh dự
* Danh hiệu Công dân Đồng Khởi
1. Ông Huỳnh Văn Cam (Lê Huỳnh) - Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bến Tre.
2. Ông Trịnh Văn Y (Mai Sơn) - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Bến Tre.
* Công dân Đồng Khởi danh dự
1. Bà Akemi Bando - Tổng Thư ký Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam - Nhật Bản; Chuyên gia hoạt động của JICA tại Việt Nam; Cố vấn trưởng thứ nhất cho Dự án JICA mở rộng Sổ tay theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn quốc tại Việt Nam năm 2011.
2. Giáo sư - Tiến sĩ Nagato Natsume - Trưởng Khoa Răng Hàm mặt, Bệnh viện của Viện Đại học Aichi 2-11, Suemori, Chikusa-ku, Nagoya 464-8651, Japan; Lãnh sự danh dự nước CHXHCN Việt Nam tại tỉnh Aichi Nhật Bản; Giám đốc điều hành Hội Hở môi hàm ếch Nhật Bản; Giáo sư chính Đại học Aichi Gakuin Nhật Bản; Giáo sư thỉnh giảng Đại học Y Hà Nội.
3. Ông Cho Myung Choel - Giám đốc Tổ chức Global Vision (Hàn Quốc) tại Việt Nam (từ năm 1995 đến nay là Tổ chức Hosanna International).
4. Ông Võ Tấn Thông - Trưởng phòng Công tác chính trị - sinh viên, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh).
5. Ông Đặng Đức Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư thảo dược xanh; Chủ tịch Quỹ đầu tư khởi nghiệp tỉnh Bến Tre; Chủ tịch Quỹ Tấm lòng vàng.
|
H. Hiệp - V. Tới