Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bến Tre.
Theo Bộ GD&ĐT, cách tiếp cận trong việc xây dựng Chương trình GDPT 2018 khác biệt căn bản so với chương trình hiện hành; chuyển từ chương trình định hướng nội dung sang chương trình định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Kết quả sau 1 năm triển khai thực hiện chương trình, SGK GDPT mới, các trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình. Tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1 đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành.
63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai xây dựng kế hoạch và tổ chức biên soạn, thẩm định, triển khai dạy thí điểm, triển khai dạy học nội dung giáo dục địa phương (GDĐP); ban hành Khung chương trình tài liệu GDĐP; đã biên soạn, thẩm định tài liệu GDĐP theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và thực hiện từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.
Tại hội nghị, các địa phương tham gia trao đổi về tình hình triển khai thực hiện chương trình SGK GDPT mới đối với lớp 1; những thuận lợi, khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ, nguồn lực trong triển khai thực hiện chương trình. Đồng thời, đề xuất một số vấn đề và đề nghị Bộ GD&ĐT hỗ trợ các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện chương trình trong những năm học tiếp theo.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ghi nhận sự vào cuộc và quyết tâm của UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý của các Sở GD&ĐT thời gian qua. Bộ trưởng đánh giá việc đổi mới dạy và học theo chương trình, SGK GDPT mới bước đầu mang lại kết quả đáng khích lệ.
Thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị: Ngành GD&ĐT tiếp tục kiên trì tư tưởng, quan điểm đổi mới, bám sát, chắc mục tiêu kiên định đổi mới; chuyển từ truyền đạt kiến thức thụ động sang năng động, sáng tạo; giảng dạy thực chất, dạy kỹ năng, dạy thái độ sống, kỹ năng sống cho người học, dạy con người có chất lượng... nhằm mục tiêu tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc phát triển đất nước.
Tiếp tục rà soát, đổi mới phương pháp quản lý nhà nước sao cho tương xứng với đổi mới chương trình GDPT. Tăng cường thu hút các nhà giáo, các chuyên gia có chuyên môn tốt tham gia quá trình soạn thảo để đảm bảo SGK có chất lượng tốt. Đảm bảo tiến độ, thời gian, chất lượng, số lượng SGK.
Bộ trưởng mong muốn các địa phương tiếp tục phối hợp, thường xuyên trao đổi thông tin để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện chương trình, SGK GDPT mới.
Tin, ảnh: Trương Hùng