Trải nghiệm sáng tạo phát huy tính tích cực học sinh

22/10/2018 - 07:02

Trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục (GD) giữ vai trò quan trọng trong chương trình GD phổ thông đang được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chú trọng triển khai. Đây được coi là phương pháp ưu việt cho sự phát triển năng lực sáng tạo, giúp học sinh (HS) tự chiếm lĩnh kiến thức, hình thành các kỹ năng, giá trị và phẩm chất của bản thân.

Hoạt động trải nghiệm của HS Trường THPT Phan Ngọc Tòng.

Hoạt động trải nghiệm của HS Trường THPT Phan Ngọc Tòng.

Phát huy tính tích cực

Một trong số các giáo viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, cô Lê Thị Bé Nhung - giáo viên Trường THPT Phan Ngọc Tòng (Ba Tri) luôn hướng các học trò phát triển năng lực bản thân trong các hoạt động thực tế. Theo cô Nhung, khi được học tập dưới dạng hoạt động trải nghiệm, các em rất tích cực tham gia. Nhiều em thể hiện được năng lực và kỹ năng của bản thân. Đơn cử, trong chương trình trải nghiệm “Một ngày ở nông trại” tại nông trại du lịch sân chim Vàm Hồ (Tân Mỹ, Ba Tri) được tổ chức cuối tháng 9-2018, trải nghiệm làm hướng dẫn viên, nhiều em phát huy được kỹ năng thuyết trình trước đám đông.

Trước khi bắt đầu hoạt động trải nghiệm, cô Nhung định hướng nội dung liên quan đến một số môn học. Từ thực tế, HS sẽ vận dụng kiến thức đã có tìm hiểu và mở rộng hơn. Cụ thể, hoạt động thuyết minh về món ăn của địa phương trong chương trình trải nghiệm “Một ngày ở nông trại”, cô Nhung giao nhiệm vụ cho HS viết các đoạn văn thuyết minh ngắn về một món ăn đã được chọn trước đó theo từng nhóm. Sau khi chuẩn bị, các em trình bày sản phẩm trong chuyến hoạt động thực tế.

“Hầu hết các em rất hứng thú khi được giao việc. Phần thuyết trình giúp các em thể hiện khả năng tư duy, phản xạ ngôn ngữ, xem xét vấn đề dưới góc độ đa chiều, kỹ năng xử lý tình huống linh hoạt và sáng tạo. Việc học tập theo nhóm cũng là cơ hội để các em hợp tác cùng nhau xây dựng và phát triển những ý tưởng, sáng tạo góp phần phát triển toàn diện về năng lực và phẩm chất”, cô Nhung cho hay.

Lần đầu tham gia hoạt động trải nghiệm tại nông trại du lịch sân chim Vàm Hồ và được đánh giá cao về khả năng diễn đạt, Lê Thị Kim Anh,  HS lớp 10C1, Trường THPT Phan Ngọc Tòng rất thích thú. Kim Anh chia sẻ: “Trải nghiệm làm người nông dân giúp em hiểu hơn về đời sống và cách thức mà người dân địa phương sản xuất nông nghiệp. Hơn hết, em cập nhật thêm kiến thức môn sinh học về cách nhân giống cây ăn trái, bón phân hữu cơ. Em hy vọng nhà trường có thể tổ chức đi thực tế, tham quan, trải nghiệm một số nơi vì nó giúp em phát huy tối đa năng lực của mình mà trước nay em chưa hề biết”.

Trần Thị Trà Mi, HS lớp 10C1, Trường THPT Phan Ngọc Tòng chia sẻ, trải nghiệm thực tế em thấy hiểu hơn về cuộc sống và rất thiết thực, giúp em có vốn kiến thức vượt ra ngoài trang sách. Điều này sẽ rất ý nghĩa cho chúng em trong tương lai. Theo Trà Mi, nhà trường nên tổ chức nhiều buổi dã ngoại vì không chỉ tạo thoải mái về tinh thần cho HS, mà còn giúp các em quan sát, khám phá thực tế hiệu quả hơn rất nhiều so với việc học trên lớp khô khan.

Theo cô Nhung, thông qua các hoạt động trải nghiệm, các em đã phát huy tính chủ động, tự giác và sáng tạo. Nhiều em còn bày tỏ quan điểm, ý tưởng và lựa chọn ý tưởng của chính mình. Các em mạnh dạn, tự tin hơn và tích cực tham gia vào hoạt động của nhà trường. Bên cạnh đó, tính đoàn kết trong tập thể cũng được phát huy.

Các hoạt động trải nghiệm

Với những định hướng khung của mục tiêu GD hoạt động trải nghiệm, năm học 2017-2018, Sở GD&ĐT đã xây dựng chuyên đề bồi dưỡng giáo viên về một số vấn đề nâng cao năng lực trải nghiệm cho các em HS. Sở GD&ĐT cũng khuyến khích các trường tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Trải nghiệm sáng tạo là các hoạt động GD thực tiễn được tiến hành song song với hoạt động dạy học trong nhà trường. Đây không phải là một môn học mà là một bộ phận của quá trình GD được tổ chức ngoài giờ học các môn văn hóa ở trên lớp và có mối quan hệ bổ sung, hỗ trợ cho hoạt động dạy học. Mục đích của hoạt động là tạo cơ hội cho HS huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học khác nhau để trải nghiệm thực tiễn. Qua đó, giúp các em phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực thích ứng, năng lực thiết kế hoạt động hay nhiều năng lực hướng nghiệp khác.

Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, HS được tham gia trực tiếp vào các hoạt động khác nhau ở nhà trường cũng như ngoài xã hội. Trưởng phòng GD trung học - GD thường xuyên Sở  GD&ĐT Cao Minh Sơn cho biết, ngoài kế hoạch GD bộ môn, giáo viên cần xây dựng thêm các hoạt động tích hợp liên môn hay gắn với sản xuất, di sản của địa phương. Từ đó, kết hợp nhiều môn trong một hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Có rất nhiều hình thức trải nghiệm, có thể là chuyến hoạt động năng lực đặc thù như tổ chức xã hội, nhân đạo, trò chơi giúp các em có kỹ năng vận động, hợp tác hoặc tổ chức các cuộc thi, hội thi để các em phát triển khả năng ứng phó.

Theo Phó giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thúy, hoạt động trải nghiệm là một trong những hoạt động mà Bộ GD&ĐT và sở quan tâm chỉ đạo thực hiện để góp phần triển khai có hiệu quả chương trình GD phổ thông mới. Sở mong muốn lãnh đạo các trường đặc biệt quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện thực hiện mảng hoạt động trải nghiệm cho HS. Quy mô và thời gian trường có thể chủ động, hình thức có thể là nhóm, khối lớp hoặc toàn trường. Nội dung trải nghiệm phải phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi để các em thật sự phát triển được năng lực, hứng thú khi học tập.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN