Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu

Triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạch can thiệp

12/06/2020 - 07:32

BDK - “Đề án Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạch can thiệp” đã hoàn thành trên 98%. Bệnh viện (BV) đang hoàn thành các thủ tục liên quan để tiến hành nghiệm thu, dự kiến trong tháng 7-2020 sẽ triển khai”, Phó giám đốc BV Nguyễn Đình Chiểu Lê Văn Nghĩa cho biết.

Y, bác sĩ làm việc tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.

Y, bác sĩ làm việc tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.

Đáp ứng nhu cầu bệnh lý

Đề án BV vệ tinh chuyên ngành tim mạch can thiệp là một trong những điểm nổi bật, lớn nhất trong phát triển chuyên môn tại BV trong 5 năm qua. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng ủy và Ban giám đốc BV đã chỉ đạo xuyên suốt việc chuẩn bị đề án. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy và Ban giám đốc BV đã xác định phát triển kỹ thuật tim mạch can thiệp là việc làm cần thiết và quan trọng, góp phần nâng cao khả năng phục vụ người bệnh trong tỉnh.

Khi đó, nhận thức về nhu cầu bệnh tật, cụ thể tình hình bệnh nhồi máu cơ tim càng lúc càng nhiều. Đối với bệnh lý này, thời gian vàng can thiệp là từ lúc bệnh nhân có triệu chứng đến lúc bệnh nhân được can thiệp chỉ tích tắc trong vòng 6 tiếng đồng hồ. Nếu BV không thực hiện hoạt động can thiệp thì phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên là mất đi thời gian vàng để cứu sống bệnh nhân. Trường hợp BV tuyến trên có can thiệp kịp thì hiệu quả không tốt.

Phó giám đốc BV Nguyễn Đình Chiểu Lê Văn Nghĩa cho biết, tim mạch can thiệp là kỹ thuật cao, phức tạp nên có thời gian chuẩn bị, quan trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực phải chỉn chu. Trong điều kiện đội ngũ y, bác sĩ cơ bản đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn tại các khoa, BV đã đưa 2 e-kíp, gồm: 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng/e-kíp lên BV Chợ Rẫy học liên tục 2 năm. Với hình thức đào tạo cuốn chiếu, BV mất hết 4 năm mới hoàn tất về nhân sự. Đến thời điểm hiện tại, về con người đã hoàn chỉnh, 2 e-kíp có đủ năng lực để triển khai kỹ thuật cao.

Hiện nay, BV lắp đặt thiết bị hệ thống DSA chụp mạch vành xóa nền. Đây là hệ thống sẽ giúp bác sĩ xác định mạch máu nào bị tắc, qua những hình ảnh máy chụp lại được sẽ giúp bác sĩ đưa những dụng cụ vào đúng ngay vị trí bị tắc để giải quyết vấn đề tắc nghẽn, để lấy máu bầm ra và có biện pháp can thiệp, điều trị kịp thời.

Chuyên môn là vấn đề then chốt

Phó giám đốc BV Nguyễn Đình Chiểu Lê Văn Nghĩa cho biết, sắp tới, sau khi vận hành triển khai kỹ thuật về tim mạch thì sẽ tiếp tục các kỹ thuật khác. Trên nền hệ thống DSA, BV sẽ triển khai cho một số lĩnh vực điều trị khác như: ung thư gan; trong điều trị các bệnh lý mạch máu não, mạch máu ngoại vi (tay, chân, mạch máu nhỏ khác). Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, BV sẽ hoàn thiện kỹ thuật về can thiệp mạch vành cho nhuần nhuyễn và tiếp tục triển khai một số kỹ thuật trong 3 kỹ thuật: mạch máu não, gan, mạch máu ngoại vi.

Để đáp ứng nhân lực cho các kỹ thuật chuyên môn cao, bên cạnh việc đào tạo theo kế hoạch dài hạn, hàng năm, BV sẽ quy hoạch đội ngũ để đi đào tạo ngắn hạn, đào tạo “theo món”. Các y, bác sĩ có thể học trong vòng 3, 6 và 9 tháng hay 12 tháng. Hiện tại, BV đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực trên các lĩnh vực chuyên môn, bác sĩ, điều dưỡng, công nghệ thông tin và tài chính để củng cố toàn diện. Trong đó, vấn đề then chốt vẫn là vấn đề chuyên môn.

“Nếu theo đào tạo kế hoạch sẽ mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện đội ngũ nên Đảng ủy đưa ra chủ trương, nếu bác sĩ có khả năng kinh tế, BV sẽ tạo điều kiện cho các y, bác sĩ tự lực đi học để phát triển khả năng”, bác sĩ Lê Văn Nghĩa cho biết thêm.

Trong năm 2020, gần 30 người đã đăng ký được tham gia đào tạo theo hình thức tự lực. Để đảm bảo đội ngũ giữ vững mặt trận ở tại BV, khoa sẽ cân nhắc trước về số lượng người đăng ký, đa số người đăng ký đi học là bác sĩ trẻ, mới ra trường.

“Sau khi nghiệm thu và triển khai kỹ thuật tim mạch can thiệp tại BV, BV Chợ Rẫy sẽ cử một e-kíp xuống hỗ trợ triển khai ca đầu tiên và kéo dài từ 5 - 10 ca tiếp theo. Sau đó, dần chuyển giao để các y bác sĩ của BV sẽ thực hành dưới sự giám sát của bác sĩ BV Chợ Rẫy”.

(Phó giám đốc BV Nguyễn Đình Chiểu Lê Văn Nghĩa)

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN