Triển khai Nghị định số 55 về chính sách tín dụng nông thôn

23/11/2015 - 07:12

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh huyện Chợ Lách vừa tổ chức hội nghị triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng nông thôn và tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (NN-NT).

Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 25-7-2015, thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NN-NT. Nghị định số 55/2015/NĐ-CP có nhiều điểm mới nhằm tạo cơ hội mới cho phát triển NN-NT như: bổ sung đối tượng được vay vốn; nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo tăng gấp 1,5 - 2 lần. Ngoài ra, đối với các hộ trồng cây công nghiệp lâu năm, hộ sản xuất, hợp tác xã, chủ trang trại, liên hợp tác xã... được áp dụng các mức vay không có tài sản đảm bảo từ 200 triệu đến 3 tỷ đồng. Nghị định số 55/2015/NĐ-CP còn có quy định riêng về chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, quy định về bảo hiểm nông nghiệp trong lĩnh vực cho vay NN-NT… Những quy định mới của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP góp phần khơi nguồn vốn tín dụng phục vụ cho NN-NT.

Hội nghị cũng đã tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ NN-NT trên địa bàn huyện. Theo đó, tính đến tháng 7-2015, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh huyện Chợ Lách có tổng doanh số cho vay đạt 2.185 tỷ đồng. Lũy kế đến tháng 7-2015 có 14.451 khách hàng vay vốn trên lĩnh vực NN-NT. Dư nợ cho vay đạt 565 tỷ đồng. Tỷ trọng cho vay theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP trên tổng dư nợ của nền kinh tế là 82,24%.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp, kinh nghiệm nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể như: mở rộng khu vực tín dụng NN-NTgắn với nâng cao chất lượng tín dụng, cung ứng nhiều dịch vụ tiện ích đáp ứng nhu cầu của người dân; gắn đầu tư tín dụng dịch vụ ngân hàng vào quy hoạch vùng cây, con và các chương trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông thôn trên địa bàn.

Cao Khiết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN