Trọn đời tâm huyết với nghề báo

10/11/2021 - 12:30

BDK - Thông qua quyển Lịch sử Báo chí cách mạng Bến Tre, tôi có cơ hội được làm việc cùng với nhà báo Huỳnh Năm Thông - nguyên Tổng biên tập Báo Chiến Thắng, Báo Đồng Khởi. Mặc dù tuổi cao nhưng ông vẫn miệt mài làm việc, với phong cách giản dị, gần gũi, đầy trách nhiệm và tâm huyết với nghề.

Nhà báo Huỳnh Năm Thông tại một buổi họp mặt vào năm 2005. Ảnh: PV

Nhà báo Huỳnh Năm Thông tại một buổi họp mặt vào năm 2005. Ảnh: PV

Năm 2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương xuất bản quyển Lịch sử Báo chí cách mạng Bến Tre giai đoạn 1930 - 2010, Báo Đồng Khởi là một trong những cơ quan được giao nhiệm vụ phối hợp thực hiện. Tôi được Ban biên tập cơ quan phân công đánh máy, sửa lỗi những bài báo cũ được chọn từ Báo Chiến Thắng và một số bài viết của các cô, chú trong Ban biên soạn.  

Sau khi đánh máy xong các bài báo cũ, một hôm có một người đàn ông lớn tuổi đến Phòng Thư ký tòa soạn gặp tôi. Tôi được anh Điền - người cùng phòng cho biết, đó là ông Huỳnh Năm Thông - nguyên Tổng biên tập Báo Đồng Khởi. Với nụ cười hiền hậu, ông nói đem bài viết của mình đến nhờ tôi đánh máy giúp. Lúc tôi vào làm thì ông nghỉ hưu cũng hơn chục năm và đây là lần đầu tiên tôi được gặp ông. Trước đó, tôi chỉ được nghe các anh, các chị kể về ông Năm Thông, người từng giữ chức vụ Tổng biên tập 20 năm của tờ Báo Đồng Khởi (1976 - 1996), với niềm tự hào và kính trọng.

Ông là một trong những thành viên quan trọng của Ban biên soạn quyển Lịch sử Báo chí cách mạng Bến Tre. Ông viết về Báo chí cách mạng Bến Tre, từ năm 1930 đến năm 1975, giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Ngoài ra, ông còn viết về những kỷ niệm lúc ông và đồng đội hoạt động dưới sự che chở của những người dân tốt bụng ở xã Thành An, xã Long Mỹ, đặc biệt là người dân ấp Giồng Chủ, xã Tân Hào (nay là xã Tân Lợi Thạnh), những lúc sống trong rừng, đối mặt với nhiều hiểm nguy. Để có được những tác phẩm báo chí ra mắt bạn đọc, những tin tức chiến thắng từ chiến trường, ông và đồng đội có khi phải đối mặt ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Chiến tranh ác liệt, thiếu thốn mọi thứ mà ông và đồng đội vẫn sáng tạo được những tác phẩm báo chí hoàn hảo, từ tin tức, xã luận, ghi nhanh, hình ảnh, tranh minh họa, đến việc in ấn. Những tác phẩm xuất bản đã kịp thời góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên trong phong trào đấu tranh cách mạng, tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân về lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc. 

Ông viết rất nhanh, cứ vài ngày, ông chạy chiếc xe Honda Cup 78 từ xã Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc) sang cơ quan đưa cho tôi một xấp bản thảo để tôi đánh máy. Còn tôi thì in những nội dung đã đánh máy trước đó gửi lại cho ông đem về đọc, sửa lỗi. Ông đọc rất kỹ, sửa lỗi tỉ mỉ, làm việc rất khoa học và đầy trách nhiệm. Ông thường hay hỏi thăm các anh chị trong cơ quan đăng ký viết bài cho quyển Lịch sử Báo chí xem đã viết xong chưa, nếu chưa viết thì ông động viên: “Ráng viết đi mà”. Ông chỉ nói vậy, nhưng tôi biết ông rất mong quyển Lịch sử Báo chí sớm được hoàn thành.

Ông là người có tấm lòng nhân hậu và quan tâm đối với tất cả mọi người. Đôi khi qua, ông còn mang theo trái cây do ông tự trồng cho tôi và các anh chị cơ quan, khi thì vài quả bưởi, lúc thì túi mận. Ở tuổi 78, ông tự chạy xe từ nhà đến cơ quan, còn phải đi qua phà Hàm Luông, cũng gần 15 cây số. Mỗi khi tiễn ông ra về, nhìn cái dáng lom khom trên chiếc xe máy mà lòng tôi nao nao.

Tuy tuổi cao, nhưng ông vẫn không ngừng nghiên cứu, luôn tìm tòi học hỏi. Thời đó, máy tính không được sử dụng phổ biến như bây giờ, việc sử dụng Internet cũng rất khó khăn, phải thông qua mạng điện thoại chứ không có đường truyền riêng như bây giờ, nhưng ông vẫn sắm cho mình 1 chiếc máy tính để bàn, có kết nối Internet. Hàng ngày, ông đều lên mạng để xem tin tức thời sự trong nước và quốc tế. Những khi máy tính gặp sự cố, ông lại nhờ tôi sang nhà xem sửa dùm ông.

Tranh thủ cuối tuần, tôi chạy qua nhà ông ở xã Tân Thành Bình để giúp ông sửa máy tính. Trong căn phòng riêng, ông để nhiều tư liệu, sách báo, bên cạnh là cái bàn để chiếc máy tính cũ, mọi thứ được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn không để mình lạc hậu, ông vẫn say mê đọc và viết. Dường như nghề báo là một phần máu thịt trong ông.

Ông bà không sống cùng con cháu, nên mỗi lần tôi sang hai ông bà rất vui, giữ tôi ở lại chơi đến chiều mới cho về. Tôi được nghe bà kể về những năm tháng chiến tranh, ông làm nhiệm vụ cách mạng, xa gia đình. Năm 1956, ông bị địch bắt ở Rạch Giá (Kiên Giang), rồi bị đày ra Côn Đảo. Lúc đó, người con đầu lòng của ông bà mới vừa mất hơn 2 tháng. Một mình bà cố gắng vượt qua nỗi đau để nuôi người con còn lại, mà không có sự hiện diện của ông. 7 năm ông bị tù đày, không khổ cực nào mà bà chưa từng trải qua. Năm 1962, ông được địch tha về, gia đình mới đoàn tụ. Ông về với nhiều thương tích hành hạ, bà lại chăm sóc, lo lắng cho ông. Để rồi khi sức khỏe vừa bình phục thì ông lại tiếp tục lên đường, tham gia hoạt động cách mạng. Qua lời kể của bà, tôi cảm nhận được lòng chung thủy, sự hy sinh và tình yêu thương bà dành trọn cho ông. Bà chính là chỗ dựa tinh thần, hậu phương vững chắc để ông an tâm làm tròn nhiệm vụ.

Cứ thế, hơn 1 năm trời, ông viết xong được phần nào thì mang sang cho tôi đánh máy và lấy những cái cũ về đọc lại, sửa lỗi. Đến ngày 25-5-2008, ông đột ngột qua đời. Hay tin, tôi không khỏi bàng hoàng, xúc động vì cách đó 3 hôm, ông còn qua gửi tôi xấp bản thảo mới sửa. Xấp giấy còn nằm trên bàn, nét mực còn đó mà ông đã vĩnh viễn ra đi. Từ đây, làng báo tỉnh nhà mất đi một cây bút lão luyện và sắc sảo. Sự ra đi của ông để lại bao tiếc thương cho gia đình, đồng nghiệp, bạn bè. Lúc đó, những nội dung ông viết cho quyển Lịch sử Báo chí cách mạng Bến Tre cũng đã cơ bản hoàn thành.

Bìa quyển Lịch sử báo chí.

Bìa quyển Lịch sử báo chí.

Sau khi ông qua đời, đồng nghiệp của ông là nhà báo lão thành Lê Chí Nhân, nhà báo Hà Thanh Niên, nhà báo Nguyễn Phước, nhà báo Minh Trấn, nhà báo Huỳnh Văn Thanh… đã thay ông viết tiếp và hoàn thành phần còn lại của quyển Lịch sử Báo chí cách mạng Bến Tre. Đến tháng 6-2014, quyển sách đã được xuất bản. Trong đó, có bài viết của nhà báo Lê Chí Nhân đã viết riêng cho ông, về những hy sinh, đóng góp của ông từ lúc Báo Chiến Thắng mới ra đời, đến khi đổi tên thành Báo Đồng Khởi. 34 năm trong sự nghiệp cầm bút của mình, ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm báo chí có giá trị. Đây chính là món quà, là sự tri ân mà Ban biên soạn Lịch sử Báo chí cách mạng Bến Tre đã dành tặng cho ông và cũng để ghi nhận công lao, sự cống hiến mà ông đã dành cho báo chí tỉnh nhà. 

Tôi may mắn được làm việc cùng ông trong những năm tháng cuối đời. Đó chính là niềm vinh dự to lớn đối với tôi. Từ ông, tôi học hỏi được rất nhiều điều, về sự khiêm tốn, giản dị, luôn tìm tòi học hỏi, tận tụy và tâm huyết với nghề. Những năm tháng ấy sẽ không bao giờ quên, ông mãi là tấm gương sáng theo tôi suốt đời.

Thế hệ chúng tôi, những người làm báo hôm nay được sống và làm việc trong điều kiện đất nước thanh bình, được tiếp cận với khoa học công nghệ hiện đại, xin nguyện cống hiến hết sức mình, nhằm góp một phần công sức nhỏ bé đưa báo chí tỉnh nhà ngày càng phát triển hơn nữa, tiếp tục giữ gìn những thành quả mà ông và đồng đội đã đánh đổi cả xương máu mới giành lấy được.

Phương Nghi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN