Truyền thông công tác dân số và phát triển đến năm 2030

12/05/2021 - 06:44

BDK - Thời gian qua, công tác truyền thông, vận động về dân số (DS) của các cấp, các ngành và toàn dân có bước đột phá; là giải pháp cơ bản để đạt được các mục tiêu của công tác DS, góp phần to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động truyền thông đã tác động tích cực và dần dần thay đổi nhận thức, hành vi của người dân. Do đó, chất lượng DS từng bước được nâng lên rõ rệt.

Hội thi tìm hiểu kiến thức về giáo dục tình dục toàn diện trong học sinh, sinh viên.

Hội thi tìm hiểu kiến thức về giáo dục tình dục toàn diện trong học sinh, sinh viên.

Hiệu quả công tác truyền thông

Công tác truyền thông đã thiết thực đưa các chủ trương, chính sách về DS và phát triển lan tỏa sâu rộng đến tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng, gia đình và từng cặp vợ chồng. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp của đội ngũ cộng tác viên DS, tuyên truyền viên các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục được phát huy hiệu quả, góp phần cung cấp thông tin chính thống, đa chiều, kịp thời về các chủ trương, chính sách DS cho lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp, những người có uy tín trong cộng đồng từng bước tạo được sự ủng hộ và đồng thuận cao trong triển khai thực hiện chương trình DS - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).

Nhiều mô hình truyền thông, giáo dục về DS, sức khỏe sinh sản, KHHGĐ đã được triển khai. Trong đó, có một số mô hình truyền thông mang tính tương tác cao như: hội thi, liên hoan, văn nghệ, kịch tương tác được triển khai và phát huy hiệu quả tích cực. Nội dung truyền thông có sự đổi mới theo hướng chuyển trọng tâm từ KHHGĐ sang DS và phát triển, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng trọng điểm. Đội ngũ cán bộ truyền thông DS được chuẩn hóa về kiến thức và kỹ năng truyền thông, được bố trí phủ khắp các địa bàn dân cư. Với phương châm hoạt động “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, đội ngũ này đã kiên trì, thường xuyên, liên tục truyền thông, vận động đến từng cặp vợ chồng, từng gia đình.

Hoạt động trang cấp và nâng cao hiệu quả sử dụng các trang thiết bị truyền thông được chú trọng. Việc phát triển và nhân bản nhiều loại tài liệu truyền thông đảm bảo cập nhật thông tin đầ̀y đủ, kịp thờ̀i cho hoạt động truyền thông tại cộng đồ̀ng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng truyền thông DS, sức khỏe sinh sản cho cán bộ truyền thông các cấp, cán bộ y tế tham gia trực tiếp trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ DS, sức khỏe sinh sản, góp phần nâng cao chất lượng truyền thông và cung cấp dịch vụ cho mọi nhóm đối tượng.

Trong bối cảnh mức sinh giảm nhanh, mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tăng, già hóa DS đang diễn ra với tốc độ nhanh, lợi thế của cơ cấu DS vàng chưa được phát huy hữu hiệu, các vấn đề về sức khỏe sinh sản còn nhiều hạn chế. Nhưng nội dung truyền thông vẫn còn tập trung vào KHHGĐ chưa chú ý nhiều đến các vấn đề cơ cấu DS, phân bố dân cư, đặc biệt là nâng cao chất lượng DS.

Bên cạnh đó, cơ cấu và tổ chức bộ máy của ngành DS liên tục có nhiều biến động đã ảnh hưởng đến tư tưởng đội ngũ làm công tác DS, đội ngũ cộng tác viên DS tuyến cơ sở thường xuyên thay đổi; kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông, giáo dục chưa đồng đều; tài liệu truyền thông theo nội dung thông điệp mới chậm được đầu tư xây dựng. Kinh phí dành cho Chương trình mục tiêu y tế - DS đã giảm đáng kể, kinh phí địa phương còn hạn chế. Chính sách xã hội hóa công tác DS, đặc biệt là trong công tác truyền thông còn nhiều hạn chế bởi tâm lý bao cấp còn rất nặng nề trong khi phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ chưa phát triển, thiếu cơ chế và giải pháp.

Truyền thông mục tiêu đến năm 2030

Trong thời gian tới, để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình truyền thông DS và phát triển đến năm 2030 theo Quyết định số 537/QĐ-TTg ngày 17-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác DS trong tình hình mới (Nghị quyết Trung ương số 21) và Chiến lược DS Việt Nam đến năm 2030, đòi hỏi công tác truyền thông phải tập trung truyền thông về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng DS trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội; duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu DS vàng, thích ứng với già hóa DS, phân bố DS hợp lý và nâng cao chất lượng DS, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, chú trọng truyền thông nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu:

Thứ nhất, truyền thông nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp để huy động sự tham gia và cam kết với công tác DS thông qua việc chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, lồng ghép các vấn đề DS trong chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phát huy lợi thế của cơ cấu DS vàng, thích ứng với già hóa DS, nâng cao chất lượng DS, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, phân bố dân cư hợp lý, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh. Hàng năm, 100% tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về chương trình DS và phát triển. Đồng thời, ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo và bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện, giám sát các nội dung liên quan đến chương trình DS và phát triển.

Thứ hai, truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết, sự ủng hộ và tích cực thực hiện của mọi người dân, đặc biệt là các cặp vợ chồng, nam, nữ ở độ tuổi sinh đẻ trong cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, góp phần duy trì vững chắc mức sinh thay thế. Đến năm 2030, có 90% người dân nhận thức rõ và chấp nhận thực hiện mục tiêu sinh đủ 2 con.

Thứ ba, truyền thông nâng cao nhận thức của toàn xã hội về lợi ích của việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giá trị và quyền bình đẳng của trẻ em gái và không thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi. Đến năm 2030, 90% các cặp vợ chồng cam kết không lựa chọn giới tính thai nhi vào năm 2030.

Thứ tư, truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết, kỹ năng thực hành của mọi người dân về các vấn đề liên quan đến tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh; truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tiến tới đẩy lùi tình trạng này, góp phần nâng cao chất lượng DS.

Thứ năm, truyền thông nâng cao nhận thức, thái độ, kỹ năng thực hành của vị thành niên, thanh niên và đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc giáo dục về DS, sức khỏe sinh sản/KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên, nhằm giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở nhóm đối tượng này.

Thứ sáu, truyền thông nâng cao nhận thức, tạo môi trường đồng thuận và tích cực tham gia của toàn xã hội vào phong trào hỗ trợ, chăm sóc nâng cao sức khỏe người cao tuổi. Đến năm 2030, có 85% người cao tuổi được chăm sóc và khám sức khỏe định kỳ.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, đòi hỏi sự quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng là yếu tố quyết định thành công của công tác dân số, đặc biệt là công tác truyền thông. Từng cán bộ, đảng viên cần phải đề cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận cao của toàn xã hội trong thực hiện các giải pháp cơ bản sau:

1. Tăng cường cung cấp thông tin về dân số và phát triển đến cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp.

2. Huy động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tham gia truyền thông về dân số và phát triển; tiếp tục xây dựng, triển khai các chương trình phối hợp, tập trung xây dựng các mô hình, hoạt động truyền thông toàn diện các nội dung về dân số và phát triển.

3. Đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm truyền thông về dân số và phát triển; bảo đảm về chất lượng, đổi mới về hình thức, nội dung. Cung cấp trang thiết bị, phương tiện truyền thông phù hợp cho cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công tác truyền thông về dân số và phát triển, ưu tiên tuyến cơ sở, nhất là các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai.

4. Đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi về dân số và phát triển trên các chuyên trang, chuyên mục, chương trình, phóng sự, tin bài, sách, ảnh, sự kiện truyền thông; lồng ghép nội dung truyền thông dân số và phát triển vào các chương trình giải trí, thể thao, nghệ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng; tập trung khai thác, phát triển và tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông khác.

5. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp trong hệ thống dân số các cấp; phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác dân số, y tế cơ sở, nhằm hình thành và duy trì bền vững hành vi tích cực về dân số và phát triển của các tầng lớp nhân dân.

6. Mở rộng các hình thức truyền thông, giáo dục thân thiện với trẻ em vị thành niên, thanh niên; đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc phổ biến kiến thức, kỹ năng về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới tính, bình đẳng giới, không kết hôn sớm, không kết hôn cận huyết thống cho trẻ em vị thành niên, thanh niên.

7. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông; huy động sự tham gia, đóng góp phương tiện, nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cho công tác truyền thông về dân số và phát triển.

8. Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ truyền thông trong hệ thống dân số và cán bộ truyền thông, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên các ngành, các cấp.

9. Đẩy mạnh hợp tác, huy động sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm triển khai các chương trình truyền thông về dân số và phát triển của các tổ chức trong và ngoài nước.

10. Tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật định kỳ và đột xuất; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời tuyên dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch.

         Bài, ảnh: Hoàng Oanh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN