Tự hào ngôi trường mang tên anh hùng Trần Văn Ơn

29/04/2019 - 07:36

BDK - Trường THPT Trần Văn Ơn, ngôi trường mang tên người anh hùng liệt sĩ, người con quê hương Châu Thành. Trải qua 50 năm hình thành và phát triển, với nhiều tên gọi khác nhau nhưng với tên gọi nào, thầy và trò nhà trường cũng luôn giữ vững thành tích đạt được trong sự nghiệp trồng người.

Học sinh Trường THPT Trần Văn Ơn giờ tan học. Học sinh Trường THPT Trần Văn Ơn giờ tan học. 

Dấu ấn một ngôi trường

Thành lập năm 1969, Trường THPT Trần Văn Ơn tiền thân là Trường Trung học tỉnh hạt Tân Thạch. Những năm đầu thành lập, trường chỉ có 6 phòng học và 2 phòng làm việc. Đến năm 1975, trường đổi tên Trường cấp II, III Tam Dương. Năm 1990, trường tách cấp II ra và đổi tên Trường cấp III Châu Thành A. Năm 2007, trường vinh dự mang tên Trần Văn Ơn.

Về lại trường vào những ngày trung tuần tháng 4-2019 khi mà thầy, trò nhà trường tất bật chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Nhìn những tấm ảnh cũ hiếm hoi được trưng bày tại phòng truyền thống, chúng tôi nhận ra rằng đó không chỉ là sự thay đổi theo thời gian mà còn là quá trình phát triển của một ngôi trường.

Có dịp trò chuyện với thầy Nguyễn Văn Thanh (nguyên Hiệu trưởng nhà trường), chúng tôi phần nào hình dung môi trường giáo dục thời ấy. Khó khăn, thiếu thốn nhưng đầy ấp tình nghĩa thầy trò. Thầy Thanh nhớ lại: Về trường vào ngày đầu những năm 1980, trường khi đó thiếu thốn mọi điều, học trò thì chưa đầy mươi lớp. Ấy vậy mà thầy cùng một số thầy cô khác kiên trì bám trường, bám lớp chỉ mong mang tri thức đến với các em. “Vật chất thiếu thốn mọi bề. Học sinh thời đó học đến cấp ba mà đến trường bằng chân đất. Những tháng mùa nước nổi, thầy trò bì bõm đến trường ngồi học trong khi nước ngập trắng sân trường, ngập cả nền phòng học. Khó khăn là vậy, nhưng nhiều em đã chững chạc lên giảng đường đại học, đi bốn phương trời với những kỳ vọng đẹp tươi. Tất cả dù đã thành danh hay chỉ mới thành nhân nhưng với thầy đó đều là những đứa học trò thân thương và đáng nhớ. Cho đến bây giờ, thầy vẫn tự hào và thật sự kiêu hãnh nói rằng, thế hệ học trò thời đó là những thế hệ vàng.

Anh Nguyễn Thanh Phong, cựu học sinh niên khóa 1989-1992 chia sẻ: “Nhớ về Trường THPT Châu Thành A nay là Trường THPT Trần Văn Ơn như nhớ về miền ký ức. Ngày ấy, cuối những năm 1989-1990, không cần qua kỳ thi chuyển cấp tôi bước vào ngôi trường cấp ba với chút kiêu hãnh, tự hào vì thành tích học tập tốt những năm cấp hai. Vì lẽ đó mà tôi nhớ như in cái cảm giác bị điểm dưới trung bình trong bài kiểm tra chất lượng đầu năm. Đó như câu chuyện buồn nhưng là kinh nghiệm sống theo tôi suốt năm tháng học trò cho đến tận bây giờ”.

Bạn Trương Thị Quế Trân, học sinh lớp 11A1 bày tỏ: Là một trong những học sinh của thế hệ 50 năm thành lập trường, em cảm thấy bản thân thật may mắn khi có thể hòa mình vào không khí của sự tri ân và kỷ niệm. Những cảm xúc ấy thật khó diễn tả. Có lẽ, cho dù là những giáo viên đã nghỉ hưu hay những thầy cô trẻ đều cảm thấy tự hào về trường. Bởi họ đã dành cả tâm huyết của mình để tạo nên những thước phim đầy cảm xúc trong hành trình 50 năm.

Hoạt cảnh của học sinh nhà trường về nhân vật Trần Văn Ơn.

Hoạt cảnh của học sinh nhà trường về nhân vật Trần Văn Ơn.

Xứng đáng mang tên anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn

Thầy Đỗ Văn Công - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: 50 năm kế thừa và phát triển, Trường THPT Trần Văn Ơn luôn tự hào với thành tích đạt được. Trải qua ngần ấy thời gian trường từng bước khẳng định vị trí của mình và tự hào đã chắp cánh cho bao ước mơ bay cao, bay xa trên con đường tri thức. Đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường có tay nghề, nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, giáo dục học sinh. Năm 2003, trường đạt danh hiệu đơn vị văn hóa. Năm 2005, trường là một trong hai trường THPT đầu tiên trong tỉnh được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trường được vinh dự mang tên anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Ơn, được tọa lạc trên chính quê hương của anh, điều đó đã làm tăng thêm ý nghĩa và truyền thống của trường.

Cô Hồ Thị Mỹ Duyên - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường luôn phát huy truyền thống của những người đi trước bằng cả tâm huyết và lòng yêu nghề. Tập thể sư phạm nhà trường đã cùng nhau phấn đấu, tích cực thi đua dạy tốt, lập thành tích năm sau cao hơn năm trước, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà. Số học sinh đỗ tốt nghiệp THPT trung bình hằng năm đạt 89,2%, đỗ nguyện vọng 1 vào các trường cao đẳng, đại học 47%. Hằng năm, trường đều có giáo viên tham gia Hội thi giáo viên giỏi cấp cơ sở. Đã có 5 cán bộ, giáo viên được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và nhiều đồng chí được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, nhà trường đều có học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh.

“Nhà trường tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị các thiết bị, đồ dùng dạy học nhằm nâng cao hiệu quả giờ dạy. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá đối với học sinh. Thực hiện nghiêm túc chương trình, kế hoạch giảng dạy, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề, các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững danh hiệu trường chuẩn Quốc gia mức độ 2; tiếp tục xây dựng nhà trường từng bước đi lên vững chắc, xứng đáng là địa chỉ tin cậy của sự nghiệp “trồng người”, thầy Đỗ Văn Công cho biết.

Trường đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc nhiều năm, được tặng nhiều bằng khen của UBND tỉnh, cờ luân lưu của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, 10 bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 3 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hiện có 75 giáo viên, với gần 1.200 học sinh. Chi bộ trường  gồm 30 đảng viên, luôn giữ vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn bộ hoạt động của nhà trường, nhiều năm liên tục đạt cơ sở đảng trong sạch vững mạnh.

Bài, ảnh: P.Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN