Tự hào quê hương kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (kỳ 2)

06/09/2019 - 14:05

Học sinh Trường Tiểu học Châu Hưng trong giờ thể dục tại sân đình Tân Hưng. Ảnh: T. Đồng

Học sinh Trường Tiểu học Châu Hưng trong giờ thể dục tại sân đình Tân Hưng. Ảnh: T. Đồng

3. Đau đáu nỗi niềm quê hương

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã chọn cho mình con đường cách mạng, là noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh dành trọn một đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ở cương vị quan trọng của đất nước, ông luôn giữ gìn phẩm chất liêm khiết, công tâm. Cũng chính vì vậy, trong thẳm sâu tâm khảm ông lúc sinh thời luôn đau đáu một nỗi niềm chưa trọn đối với quê hương.

Sau khi đất nước giải phóng, đến năm 1983, ông Huỳnh Tấn Phát mới có dịp trở về Châu Hưng để thăm quê hương và thân tộc. Hình ảnh kỷ niệm chụp ông với bà con Châu Hưng ngày về thăm quê ấy hiện được trưng bày tại đền thờ. Những bức ảnh đen trắng nhuốm màu thời gian ấy sẽ mãi lưu giữ hình ảnh Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước Huỳnh Tấn Phát với trang phục giản dị và nụ cười rạng rỡ bên người thân.

“Ba luôn nghĩ về quê nhà Bến Tre, mong mỏi đóng góp xây dựng quê hương nhưng hoàn cảnh của ông khi đó chưa thể làm được. Tâm tư đó của ba gửi gắm lại cho mẹ. Sau khi ba mất, đến lúc gia đình có điều kiện hơn, mẹ mới gửi vật chất về Châu Hưng để đóng góp cho quê nhà”, cô Xuân Thảo kể lại.

Với sự hỗ trợ về kinh phí từ phía gia đình Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, nhiều cơ sở hạ tầng địa phương ở Châu Hưng đã được củng cố, xây dựng; trong đó, tập trung nhiều cho giáo dục. Có 3 phòng học tại điểm Trường Tân Hưng, thuộc Trường Tiểu học Châu Hưng (nay là Trường Tiểu học Huỳnh Tấn Phát) được nâng cấp, trường cũng xây dựng được sân bóng đá mi ni và thư viện trường đạt chuẩn, đồng thời lập nên quỹ khuyến học của trường, nay là Quỹ khuyến học xã Châu Hưng, duy trì hoạt động cho đến ngày nay.

Từ đó đến nay, gia đình các con của ông Huỳnh Tấn Phát hàng năm vẫn đều đặn gửi kinh phí về để chăm lo cho công tác khuyến học ở địa phương. Mười mấy năm qua, Qũy khuyến học xã Châu Hưng đã không ngừng phát triển, từ sự chung tay góp sức của nhiều mạnh thường quân, nhiều em học sinh của Châu Hưng đã được tiếp sức đến trường. “Có những gì cần, chúng tôi liên hệ nhờ giúp đỡ thì phía gia đình các con của cụ Huỳnh, đại diện là cô Xuân Thảo luôn sẵn lòng giúp đỡ”, ông Trần Phong Linh - Phó chủ tịch UBND xã Châu Hưng cho biết.

Đầu tư cho giáo dục và đào tạo và vận dụng chất xám của trí thức để xây dựng quê hương, chăm lo đời sống của nhân dân là di nguyện của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát lúc sinh thời. “Ba là một học sinh nghèo, vì học giỏi nên được học bổng để đi học đến nơi đến chốn. Chúng tôi từ điều đó và thể theo tâm nguyện của ba và mẹ lúc sinh thời mà duy trì quỹ học bổng để chăm lo cho giáo dục”, cô Xuân Thảo nói. Ngoài việc hàng năm đóng góp cho quỹ khuyến học ở Châu Hưng, bản thân cô Huỳnh Xuân Thảo hiện đang điều hành Quỹ học bổng Huỳnh Tấn Phát dành cho sinh viên nghèo ở TP. Hồ Chí Minh.

Đền thờ kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát giản dị nằm kề bên đình Tân Hưng như tấm lòng ông luôn hướng về quê hương xứ sở. Nơi đây trang trọng đặt bàn thờ ông và lưu lại những hình ảnh tư liệu và một số di vật gắn với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của người kiến trúc sư tài ba. Đây cũng là một địa chỉ đỏ, được nhiều đơn vị, đoàn thể, tổ chức xa gần, nhất là các trường học đến viếng, góp phần tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

4. Nối dài “sợi chỉ đỏ” truyền thống

Cách mà người Châu Hưng dạy cho các thế hệ con cháu về truyền thống của quê hương, về các bậc tiền nhân rất cụ thể. Châu Hưng có 3 ngôi trường cùng vinh dự mang tên kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, từ tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông. Ngay từ tiểu học, các em đã được nghe kể về tấm gương hiếu học của ông, thường xuyên được đưa đến tham quan đền thờ. Mỗi trường có một cách tổ chức cho học sinh tìm hiểu về tấm gương Huỳnh Tấn Phát. Đó là những buổi kể chuyện tại lớp, là những cuộc thi kiến thức, hoặc những buổi tham quan đền thờ. Ở trường trung học phổ thông, đoàn trường được giao nhiệm vụ chăm sóc đền thờ Huỳnh Tấn Phát, mỗi năm đến ngày giỗ của ông thì đại diện các trường đều đến viếng, dâng hương.

Đón tôi tại phòng truyền thống, cô học trò Lê Bùi Phương An, lớp 12 Cơ bản 1, Trường THPT Huỳnh Tấn Phát giới thiệu cặn kẽ về từng món đồ, từng hình ảnh, tư liệu truyền thống của trường. Giữa phòng, chân dung kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được treo trang trọng, bên dưới là bảng tóm tắt tiểu sử của ông. Trường THPT Huỳnh Tấn Phát là một trong các trường cấp 3 có truyền thống lâu năm và uy tín của tỉnh. Vinh dự mang tên Huỳnh Tấn Phát từ năm 2008, tập thể giáo viên và học sinh nhà trường đã luôn phấn đấu nỗ lực, nhiều năm liền trường đạt thành tích cao, được tuyên dương cấp tỉnh và cấp bộ. Cũng trong năm 2009, trường đã vận động xây dựng tượng đài kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát ngay tại khuôn viên trường, là biểu tượng nhắc nhở tập thể thầy và trò Trường THPT Huỳnh Tấn Phát trong dạy và học.

Với người dân Châu Hưng, từ bao lâu nay, tên gọi cụ Huỳnh luôn được nhắc đến với niềm tôn kính và tự hào. Biết bao lớp người Châu Hưng đã sinh ra và trưởng thành tại đây. Từ mảnh đất này, họ đã sớm được ươm mầm hạt giống yêu thương, hạt giống nghĩa tình để nuôi dưỡng nên thành những con người luôn sẵn sàng dấn thân, phụng sự Tổ quốc.

“Càng tìm hiểu về kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, em càng thêm ngưỡng mộ, kính phục và tự hào vì quê hương mình có được một người tài ba, đức độ như ông”, Phương An nói trong niềm tự hào. Phương An có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn khi mà cả ba và mẹ của em đều đã mất do bạo bệnh. Ấy vậy mà, nếu như không được các thầy cô của trường giới thiệu trước, ắt hẳn tôi đã không nhận ra những mất mát nơi em. Ánh mắt em vẫn sáng trong, vẫn còn phảng phất nét ngây thơ của lứa tuổi 17 nhưng tác phong thì tự tin, chững chạc. Là một học sinh tiêu biểu của Trường THPT Huỳnh Tấn Phát, với sự tương trợ của thầy cô, Phương An đã vượt lên số phận mình để vươn tới ước mơ. “Câu chuyện về cụ Huỳnh Tấn Phát là nguồn cảm hứng để em noi theo và nỗ lực trong học tập”, Phương An chia sẻ.

Cô bé Phương An rồi sẽ rời khỏi ghế nhà trường. Các thầy cô giáo đã thay cha mẹ chắp cánh cho em tung bay vào tương lai xán lạn. Phương An nhìn thấy rõ ước mơ của mình: “Em muốn làm nghề giáo! Em muốn được chăm lo cho các em nhỏ có hoàn cảnh giống như em được học hành, giống như điều mà những năm qua em đã nhận được”. Từ mái trường, “sợi chỉ đỏ” truyền thống cứ thế sẽ được lưu giữ, nối dài mãi

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích