Tướng Tám Vị - người anh hùng qua từng trận đánh

16/02/2011 - 08:21

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị sinh năm 1930. Ông tham gia cách mạng từ năm 1946, vào Đảng năm 1949. Năm 1954, ông ở lại làm cán bộ giao-bảo (giao liên - bảo vệ) cho huyện Ba Tri. Ông bị bắt giam từ năm 1956-1959 ở các nhà tù: Bến Tre, Pleiku, Quy Nhơn, Phú Lợi. Năm 1960, trở lại đơn vị vũ trang với chức tiểu đội trưởng Bạch binh tuyên truyền; tham gia phong trào Đồng Khởi. Ông từng là quyền Sư đoàn trưởng, Phó tham mưu trưởng Quân khu 8 và Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bến Tre.
Ông được phong quân hàm Thiếu tướng ngày 21-12-1985. Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Hồ nhận xét: “Nguyễn Hữu Vị là vị tướng uy tín, nổi tiếng trên nhiều chiến công, trong đó có việc chỉ huy đánh bại chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” của Mỹ”.

KỲ I: “NẾU CÓ CHẾT, CHẾT MÌNH TÔI!”

Một trong những nhân vật mà trung tá Mỹ James G. Zumwalt (tác giả cuốn “Chân trần, chí thép”) đã gặp rất lâu là tướng Nguyễn Hữu Vị. Vị tướng là người đã cùng Tỉnh đội trưởng Lê Minh Đào chỉ huy lực lượng vũ trang đánh bại chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” tại Bến Tre. Nhận được nhiều lời mời sang Mỹ nhưng ông Vị từ chối và có một ước muốn khác: ra miền Bắc để lạy tạ các bà mẹ, bởi “hàng trăm con các mẹ đã ngã xuống”.

 Lý lịch ghi ông sinh ngày 1-1-1930, tức là như bao nhiêu con người trong quân ngũ thời ấy, phải lấy ngày đầu năm làm ngày sinh tháng đẻ của mình.

 

KÝ ỨC NGHÈO

 

Một ngày cuối thu năm hai ngàn không trăm lẻ tám, bên dòng Hàm Luông, tướng Vị ngồi uống rượu với Vũ Sơn (nguyên Đội trưởng Săn tàu), Ba Sơn Sừng (nguyên Đại đội trưởng Đặc công thủy), Tiến Hùng (PV báo Tuổi trẻ), Khoa Chiến (PV báo Thanh Niên), Minh Chiếm và Hoàng An. Tướng Vị tự sự về cuộc đời và những câu chuyện chiến tranh. Có giây phút ông lặng im, đượm buồn, suy tư về ký ức ấu thơ: “Má tôi nói bà sinh tôi ra khi mưa dầm lụt lội và nuôi tôi lớn lên trong một cái chòi rách nát, ăn đói, mặc rách quanh năm. Cái xã tôi ở là xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, Bến Tre (xưa thuộc huyện Ba Tri). Châu Bình nghèo tới mức được mệnh danh như một xã “ăn trộm trâu”, hoặc không ăn trộm thì cũng chứa chấp trâu ăn trộm về. Trâu ấy là trâu của địa chủ”.

Toàn xã có hai lớp học, ông học hết hai lớp đó với sáu ông thầy. Học lớp trên, ông giúp thầy dạy lại lớp dưới, thỉnh thoảng “cai quản” lớp thay cho thầy giáo. Thông minh, tháo vát cỡ nào cũng đâu thoát khỏi kiếp đời ở đợ chăn trâu. Nhà ông đông anh em lắm, bởi má ông cứ sinh năm một. Ông thứ tám rồi tới phiên người con trai út, má ông kiệt sức phải cho đi ở nhà thương. Đó là người em lưu lạc mà suốt gần 80 năm qua tướng Vị chưa hề gặp. Ông ngẫm chắc em ông cũng đã 74 hay 75 tuổi gì đó. Ông khóc khi kể về cái chết năm 49 tuổi của má mình: “Ngày má tôi chết, chỉ kiếm được mấy tấm ván dài một thước năm. Má tôi cao tới một thước bảy nên khi liệm phải đặt chân bà cong lên. Nhà không có miếng vải the, chỉ đắp mặt má bằng một tờ giấy quyến...”.

Rồi đứa con quê nghèo đi kháng chiến. Hai mươi chín năm nơi chiến trường, để thành vị tướng, Tám Vị tham gia không biết bao nhiêu chiến trận. Cuộc đời đẩy đưa ông trở thành người cầm binh lúc nào không hay nữa.

Đại đội trưởng Nguyễn Hữu Vị (phải) với đồng đội trong chiến tranh.

(Ảnh do nhân vật cung cấp)

GIỮA “HANG HÙM”

 

Một trong những trận nổi tiếng “rợn người” của ông Tám Vị là trận một mình xông vào đồn Long Mỹ (Giồng Trôm) thuyết phục cảnh sát trưởng và xã trưởng đầu hàng. Đó là trận đánh ngày 23-9-1960. Ông nắm một trung đội với vũ khí ít ỏi bao vây đồn. Phía trong có 36 lính và một thiếu úy cảnh sát dữ dằn tên Thanh.

 

Vận động gia đình binh sĩ vào kêu gọi đầu hàng, cảnh sát Thanh đòi “bắn bỏ” bất cứ ai nghe lời “kích động” của Việt cộng. Tình thế căng thẳng, ông Lê Minh Đào, chỉ huy mặt trận, gọi Tám Vị lên và bảo: “Anh vào vận động cảnh sát Thanh đầu hàng!”. Phía ta bắc loa phóng thanh báo tin sẽ cử người vào thương lượng. Tám Vị nhớ lại thời khắc đó: “Tôi mặc áo ngắn tay, quần đùi, đi tay không. Anh Ba Đào cử một người lính tên Hùng Chín mang súng tiểu liên theo bảo vệ. Gần tới cửa đồn, tôi quay lại nói với Hùng Chín: “Em quay về đi, cây súng này làm sao bảo vệ được anh trong đồn. Em phải sống, bởi còn ba má em nữa, nếu có hy sinh chỉ mình anh thôi!”.

 

Tới cửa đồn, mũi súng của đối phương chĩa vô đầu gối tôi lạnh toát. Lính quát: “Đi đâu!”. Tôi đáp: “Bộ anh không nghe loa phía bên ngoài cử người vô gặp cảnh sát Thanh thương lượng à?”. Người lính dẹp súng, tôi đi thẳng vô phía trong phòng. Cảnh sát Thanh bước tới đưa tay bắt. Tôi không bắt tay, Thanh rụt tay lại e ngại hỏi: “Ông vô đây với mục đích gì?”. Tôi đáp: “Tôi được lệnh của chỉ huy vô đây mời ông đưa anh em ra hàng để tránh đổ máu vô ích cho 36 gia đình. Vì tình nghĩa đồng bào, tôi mong ông xử lý đúng đắn nhất”.

 

Thanh làm thinh một hồi rồi hứa tới sáng sẽ đưa người ra. Tôi không đồng ý, bảo phải ra liền. Thanh phân bua: “Bây giờ trời tối, lộn xộn, tôi không kiểm soát được. Ông cứ chờ tới sáng!”. Đang giằng co một hồi thì có tiếng loa của anh Ba Đào vọng vô cho hay sẽ cử tiếp một người mang thư cho tôi. Bức thư nhỏ như lòng bàn tay ghi mấy chữ: “Nếu nó đã hứa ra thì đồng ý đi, ép nó cùng đường sẽ giết mình”.

 

Tôi làm bộ suy nghĩ tí rồi gật đầu: “Thôi, sáng ông ra cũng được, nhưng đã hứa thì giữ lấy lời để cứu nhiều sinh mạng đồng bào”. Cảnh sát Thanh cho người mang ra một thùng đạn bảo: “Gửi anh Tám làm tin”. Tôi thấy thùng đạn phát thèm nhưng phải làm bộ lịch sự cảm ơn mà rằng: “Ở bên ngoài tôi có nhiều lắm, đủ sức đánh ông tới bại trận”. Hai người đại diện tiễn tôi ra cửa, tôi bắt tay chào họ: “Mong các anh giải quyết trong hòa bình để chồng vợ đừng phải xa nhau!”. Tôi bước đi mà biết hàng chục họng súng chĩa vô gáy mình.

Tối đó cho người canh các ngả và bắt được người lính đưa thư cầu viện lên quận Giồng Trôm, chúng tôi phát loa đọc bức thư cho cảnh sát Thanh nghe. Ba giờ sáng, ta dùng trung liên, súng phóng lựu đánh liên tục vào đồn. Hừng đông, một lá cờ trắng bung lên. Cảnh sát Thanh chịu hàng. Tôi yêu cầu họ cởi bỏ quân phục, chỉ mặc quần đùi, ở trần, đưa hai tay lên đầu ra khỏi đồn. Vừa tới nơi, cảnh sát Thanh đề nghị cho gặp “anh Tám hồi hôm”.

 

Tôi bước ra nói: “Tôi kêu anh ra mà anh không chịu ra, quận trưởng còn chết, làm sao cứu anh được”. Tôi bàn với anh Ba Đào tìm cách sử dụng con người này cho mục đích cách mạng. Tôi gọi riêng anh ta nói thẳng: “Anh Thanh à, tôi biết anh dữ chứ không hiền, nhưng tôi muốn anh quay về hợp tác với sự nghiệp của nhân dân, cầm tù anh dưới những cánh rừng kia thì có lợi gì cho sự nghiệp cách mạng đâu”. Ông ta xúc động ghi vào tờ cam kết rồi trở ra ngoài. Trận đó 36 gia đình được bình an. Cảnh sát Thanh cộng tác với ta về tin tức rồi chết trận một thời gian sau đó...

 

Tám Vị dừng lời kể, có lẽ ông nhớ giây phút mà phía sau lưng những họng súng đang ghim vào, lạnh băng. Năm đó ông tròn 30 tuổi, vừa được bổ nhiệm làm trung đội trưởng!

 

Những “cựu thù” thừa nhận “ông thắng là phải”, còn tướng Vị lại có những day dứt riêng của lòng mình.

 

KỲ II : NHỮNG HỘI NGỘ BẤT NGỜ

 

Gặp ông những ngày này, ngồi uống một ly rượu bên bờ Hàm Luông, rồi đưa ông trở về nhà, chạy ngang qua dinh Tỉnh trưởng, mục tiêu mà đơn vị của ông chưa kịp chòm tới trong Tết Mậu Thân; qua Bến Lở nơi ông chỉ huy vượt sông, tiếp bờ hành tiến; tiếp tục qua nam cầu Cá Lóc, trận địa năm xưa Tiểu đoàn 516 diệt gọn Tiểu đoàn Mỹ... bao nhiêu nỗi niềm trong ông sống dậy, những ưu tư cũng tuôn trào. Ông nói câu chuyện của sau hơn 30 năm cuộc chiến, với những người lính Mỹ...

 

“CỐ NHÂN” CUỘC CHIẾN

 

Một lần, ông tiếp vợ và con một phi công Mỹ bị ta bắn hạ trên bầu trời thuộc khu vực Trung đoàn I Đồng Tháp do ông quản lý. Mấy chục năm sau ngày giải phóng, họ qua Hồng Ngự (Đồng Tháp), nơi máy bay rơi để tìm hiểu. Lần mò mãi rồi người ta chỉ đến ông, người đã chỉ huy đơn vị ngày xưa bắn rơi máy bay. Họ hỏi vì sao phải bắn, ông đáp: “Chiến tranh và viên phi công đã bay vào khu vực đơn vị tôi quản lý. Chúng tôi buộc lòng phải bắn!”.

 

Có lẽ trên chiến trường khốc liệt ngày xưa, ông Tám Vị không nghĩ một ngày nào đó sẽ tiếp xúc với những con người phía sau lưng kẻ thù của mình. Ông căm giận chồng, cha của họ ngày xưa tự dưng mang bom pháo và chiến tranh trút lên đầu người Việt. Rồi giờ đây trong một phút mủi lòng, ông nhìn trân trân một người con gái phương Tây diện chiếc áo dài trắng, một người mẹ ngơ ngác vì lý do chết của chồng mình nơi đất lạ quê người.

 

Câu chuyện đủ lâu để người ta thấy, té ra cuộc sống chỉ là những vòng quay của sự thấu hiểu giữa những con người.

 

Năm 1996, tức 21 năm sau chiến cuộc, trung tá hải quân Mỹ James G. Zumwalt ghé về lại vùng sông nước Bến Tre, nơi chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” đã bị thất bại. Ông ta lần tìm ra người chỉ huy với chiến thuật đối kháng mang tên Tám Vị. Rồi gặp lại “cựu thù” ấy là một vị tướng già, hóm hỉnh vui tính. Ngồi ăn với nhau ở nhà hàng Đồng Khởi từ 7g đến 10g tối mà nói chưa hết chuyện. Ông trải bản đồ ra giải thích, rồi ông đưa James xuống ca-nô chạy ngược ra những khúc sông dậy sóng những khói lửa đạn mù ngày xưa.

James rưng rưng nước mắt kể cho ông nghe về câu chuyện gia đình, về người cha Đô đốc Hải quân và người anh chết vì chất độc da cam mà cha ông ra lệnh rải xuống nơi này. James bảo: “Ông thắng là phải rồi. Địa hình sông nước nhỏ, lợi thế của súng B40, B41... làm sao hạm đội xoay trở lại với ông?”. Tám Vị nhìn vào mắt người từng là “cựu thù” trước mặt mình, nói giản dị: “Chiến tranh mà, thắng, thua là phải có. Giờ tôi chỉ buồn, lẽ ra ông đừng mang đau khổ tới cho đất nước tôi!”.

 

Có một trung úy Mỹ khác mà ông gọi tên theo phiên âm tiếng Việt là Coor-nây, còn sống sót trong trận quân của Tám Vị tập kích vào trung đội Mỹ ở Châu Bình, đã trở thành “mai mối” cho Hội Cựu chiến binh Hải quân Mỹ gửi thư mời ông qua Mỹ tham quan. Họ mời hoài, ông cứ từ chối: Đi cả tháng trời, rồi không biết tiếng Mỹ, bực bội lắm. Vị tướng phân trần: “Tôi luôn tiếp họ chu đáo vì chiến tranh còn phải để rút kinh nghiệm cho đời sau nữa mà!”.

 

Giữa những cuộc vui hội ngộ, chúng tôi cố tìm hiểu về câu chuyện đối thoại giữa tướng Tám Vị với ký giả Roeert Kaiser (phóng viên của Washington Post), nhà sử học Mỹ tiến sĩ John Darrell Sherwood và cố vấn hải quân John J.Donovan. Ông Tám Vị cho rằng: Một khi vững vàng về lập trường chính trị, thế chân kiềng của chính nghĩa, nền tảng vô địch của chiến tranh nhân dân, tầng tri thức trải nghiệm trong chiến tranh và văn hóa “quân tử” của người chiến thắng sẽ có đủ tâm thế sẵn sàng đối thoại sau cuộc chiến để minh chứng “văn hóa Việt”, không sợ “diễn biến hòa bình”, không sợ “rào cản” đố kỵ. Thật vậy, tướng Tám Vị là người duy nhất ở Bến Tre có hàng chục cuộc đối thoại sau cuộc chiến về đề tài chiến tranh, quân đội hệ lụy của cuộc chiến với nhiều nhân vật có tầm cỡ đến từ nước Mỹ, nước Nhật, kể cả trung tướng phụ trách chiến tranh tâm lý của quân đội viễn chinh Mỹ ở Nam Việt Nam. Ông còn có nhiều cuộc đối thoại, trao đổi kinh nghiệm về chiến tranh nhân dân với anh em ở các nước châu Mỹ la tinh.

 

TÔI MUỐN GẶP NHỮNG NGƯỜI MẸ MIỀN BẮC

 

Mời đi Mỹ không chịu đi, nhưng rồi ông buột miệng tuôn ra một ước mơ: “Tôi muốn được ra gặp những bà mẹ miền Bắc một lần. Tôi muốn lạy tạ họ để xin lỗi và cảm ơn vì nghĩa cả trong cuộc đời này!”. Ông rưng nước mắt đọc câu: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”, rồi chân thành: “Mỗi một chiến công, một cấp quân hàm của tôi là sinh mệnh bao nhiêu người lính trẻ. Tôi muốn lạy tạ những người mẹ bởi họ đã cho tôi những đứa em, những đồng đội tuyệt vời. Theo lệnh tôi, họ chiến đấu và hy sinh. Dù vì bất kỳ lý do chung nào, đối với tôi, đó cũng là một day dứt không nguôi”.

 

Phút chốc tướng Nguyễn Hữu Vị bỗng trở thành một người mềm yếu.

Lính tráng ông kể mỗi khi đồng đội hy sinh, dù chiến trường đang ác liệt ông cũng sẽ quát lên: “Tìm mọi cách đưa thi thể nó về, nếu không đưa được, đừng nhìn mặt tôi nữa!”.

 

Chiến tranh có sự nhẫn tâm, sự ác độc, mưu đồ, nhưng cũng có cả những tình thương lớn hơn chính con người mình. Tướng Tám Vị nhớ nhung đồng đội. Không ở trong cuộc, khó mà hiểu câu nói có vẻ dửng dưng của ông nhớ lại lần chấp hành mệnh lệnh chỉ huy trận đánh cận Tết: “Ngày 30 Tết người ta rước ông bà, còn tôi đi rước đồng đội mình!”. Trong ấy chứa những niềm đau thương dữ dội mấy chục năm sau ông còn thấy nhói lòng.

 

Cách đây vài năm, ông nhận lương hưu, nhờ một anh bạn tôi đặt giùm bộ máy vi tính mới. Vị tướng già về tẩn mẩn học cách gõ từng con chữ, cách vào internet. Giờ đây ông đã xử lý thành thạo mọi trang chủ các tờ báo, biết e-mail gởi bài viết cho các tạp chí, biết “chìa khóa” của Google mỗi khi kiếm tìm một ẩn số nào đó trong quá khứ hay tương lai.

 

Ông trầm ngâm nhấp một ngụm rượu, khi chúng tôi cố gợi nhớ về những lần ông ra lệnh cho Đặc công thủy khuấy động các dòng sông, ra lệnh đội quân “người nhái” dưới quyền chỉ huy của Ba Sơn Sừng nhận chìm tàu chiến đối phương ở vàm Kỳ Hôn, vàm Bến Tre, mệnh lệnh cho các phân đội hỏa lực của Tiểu đoàn 516 diệt đoàn tàu cứu viện của Mỹ trên sông Ba Lai và Đội Săn tàu của Trương Vũ Sơn đánh chìm hàng mấy chục tàu chiến trên sông Giồng Trôm mà Đài Tiếng nói Việt Nam gọi là “Bạch Đằng giang thời đại”, ông đủng đỉnh buông lời: “Công trạng lớn nhất thuộc về những bà mẹ miền Bắc lẫn miền Nam mà tôi chưa gặp họ để tạ lỗi và cảm ơn!”.

 

TƯỚNG LÀ NGƯỜI THOÁT HIỂM SAU CÙNG

 

Một lần, Chiến đoàn của Nguyễn Hữu Vị và Tỉnh đội trưởng Lê Minh Đào (Ba Đào) bị bao vây ngặt nghèo tại Sơn Phú (Giồng Trôm). Sát nách đơn vị bảo vệ ông là hai tiểu đoàn đối phương đang tìm cách siết chặt vòng vây. Bên ngoài là đơn vị thiết vận làm chủ lộ số 5, cứ 300m có một xe tăng M113. Dưới sông Hàm Luông là Lữ đoàn tàu chiến lớn nhỏ bịt kín. Trên trời trực thăng quần đảo, pháo sáng bắn tới cái hộp quẹt trên mặt đất cũng bị phát hiện. Tình thế hiểm nghèo, ông Ba Đào nói với ông Tám Vị: “Có lẽ vòng vây tử thần này sẽ kết thúc sự nghiệp chính trị - quân sự của anh em mình!”. Tỉnh đội phó kiêm Chiến đoàn trưởng Nguyễn Hữu Vị nhìn chăm chăm vào bản đồ tác chiến, rít thuốc liên tục, rồi bất ngờ hạ đạt mệnh lệnh, giao nhiệm vụ các đơn vị thuộc quyền, ra lệnh Ba Thanh Phòng dẫn toán quân chủ động tạo ra tình huống “ngộ chiến” giữa hai đơn vị chủ lực của đối phương chưa kịp “bắt tay”. Vòng vây được tháo nút. Ông mệnh lệnh cho Ba Sơn Sừng (Tham mưu phó Chiến đoàn) chỉ huy phân đội bảo vệ và trinh sát Chiến đoàn kiên cường 17 lần đánh bật các mũi tiến quân của địch định xóa sổ sở chỉ huy của Ba Đào và Tám Vị. Ông Tám Vị tin cậy giao thêm cho Ba Sơn Sừng chỉ huy trinh sát dò tìm đường thoát hiểm, tổ chức hỏa lực mạnh bảo vệ cửa mở, dẫn quân thoát ra bằng một lối duy nhất là con mương dẫn nước của nông dân giữa hai xe tăng chực chờ nhả đạn. Đi ở giữa có thể thấy đối phương ngồi hút thuốc trên xe. Ông Ba Đào im lặng thật lâu rồi hỏi: “Tỷ lệ tổn thất sẽ là bao nhiêu?”. Cắn răng, ông Tám Vị đáp: “Năm mươi phần trăm!”, rồi nói thêm: “Tôi và anh sẽ là người ra sau cùng, chúng ta sẽ cùng chết với anh em”. Ông Tám Vị yêu cầu điều thương binh, tử sĩ ra trước, các đơn vị bộ binh, hỏa lực lần lượt ra sau. Đúng lời hứa, khi mọi người thoát hết thì ông Tám Vị và ông Ba Đào bước ra sau cùng. Đồng đội nói rằng nhờ cái “tỉnh” và cái “tài” hợp nhất thành bản lĩnh chỉ huy của ông Tám Vị đã cứu sống cả ngàn quân nhân và làm thất bại quyết tâm của Tư lệnh Vùng IV chiến thuật cố sức huy động hải-lục-không quân vây, diệt Chiến đoàn Bến Tre. Chuyện thoát khỏi vòng vây tử thần ở Sơn Phú trở thành một chiến công và là “chiến lệ thoát hiểm” của cấp Khu và Miền.

 

Ông Tám Vị cho hay, chưa bao giờ ông đóng sở chỉ huy của mình cách trận địa trên 500m, dù qui định ông có thể lùi xa 2km. “Đánh sao được khi mình không nằm chung sự sống chết với đồng đội? Tôi từng cách chức rất nhiều chỉ huy không dám sống chết cùng với lính của mình!”.

 

KỲ III: “HỮU TRÁCH QUỐC - VỊ NHÂN SINH”

Thế hệ hậu sinh mến mộ tài năng, đức độ của tướng Tám Vị, mừng thượng thọ, trân trọng tặng ông câu đối bằng nét thư pháp nhũ vàng trên nền đỏ thẫm “Từ Nhân Dân Trưởng Thành Lửa Đạn Lao Tù Trui Rèn Gan Dũng Tướng – Vì Nhân Dân Chiến Đấu Lược Thao Gian Khổ Hun Đúc Chí Anh Hùng” nói lên cuộc đời và sự nghiệp của vị tướng dạn dày trận mạc, anh hùng qua từng trận đánh. Còn nữa, đối với tướng Tám Vị, nhiều người cho rằng chỉ cần mấy mỹ từ “Hữu Trách Quốc - Vị Nhân Sinh” là đủ.

Khi còn là xã đội trưởng Châu Bình, ông Tám Vị có triển vọng trở thành cán bộ chính trị, binh vận giỏi. Ông là tác giả kịch bản điều khiển trung úy Mã Kim Sơn (đại đội trưởng Hòa Hảo) làm binh biến giải phóng xã Châu Bình đầu năm 1950. Ông còn lập chiến công đặc biệt khi một mình tay không hiên ngang vào đồn chiêu dụ xã trưởng Long Mỹ và cảnh sát Thanh cùng toàn bộ binh sĩ trong đồn ra hàng trong Đồng Khởi đợt 2.

Nhiều lần thủ trưởng Lê Minh Đào gợi ý Nguyễn Hữu Vị chuyển sang làm chính trị và binh vận, nhưng ông từ chối. Ông thích hoạt động quân sự và cái “nghiệp binh” gắn bó suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Ông chiến đấu và chỉ huy chiến đấu liên tục từ người chiến sĩ trưởng thành nên vị tướng có đức độ và tài thao lược.

Đồng đội cho rằng dù ở chiến trường Bến Tre hoặc Định Tường, Kiến Tường, Kiến Phong, Long An, Đồng Tháp, tướng Tám Vị luôn nắm chắc địa lý quân sự, thời tiết, quy luật thủy triều và phán đoán có cơ sở khoa học về những hành động của đối phương để chủ động có phương án tác chiến tối ưu. Ông chỉ huy quyết đoán, táo bạo, đối đầu thắng lợi với chủ lực của Mỹ và quân đội Sài Gòn, giành thắng lợi trong từng trận đánh, từng chiến dịch qua các giai đoạn của chiến tranh trên chiến trường Bến Tre và chiến trường Trung Nam bộ. Những trận đánh hay, thắng lớn do Nguyễn Hữu Vị chỉ huy đã đi vào sử sách gắn liền với địa danh: Lộ Thơ, nam cầu Cá Lóc, Hữu Định, Gò Tranh, đánh tàu trên sông Tiền, sông Giồng Trôm, sông Ba Lai…, chỉ huy Chiến đoàn Bến Tre thoát vòng vây tử thần ở Sơn Phú, chỉ huy Trung đoàn Đồng Tháp lập công trong chiến dịch phản công năm 1972, chỉ huy Sư đoàn 8 tiến công trên hướng Tây Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

 Trong chiến tranh, nhiều lần tướng Tám Vị từ chối viết báo công anh hùng khi được Quân khu gợi ý, bởi ông quan niệm chiến công là của chung, không của riêng ai. Trái lại, ông quan tâm xây dựng nhiều tập thể và cá nhân anh hùng dưới quyền chỉ huy của mình. Từ lâu, đồng đội và người đời xem ông là người anh hùng qua từng trận đánh khi còn ở cương vị Xã đội trưởng Châu Bình, Tiểu đoàn trưởng 516, Chiến đoàn trưởng Bến Tre, Trung đoàn trưởng Đồng Tháp, Quyền Sư đoàn trưởng chủ lực Khu 8. Ông sống trọn nghĩa vẹn tình với đồng đội cùng chiến tuyến, thủy chung với đồng bào trên các chiến trường. Ông thường trở lại chiến trường xưa thăm đồng đội một thời sống chết có nhau, thăm bà con đã từng cưu mang, nuôi dưỡng ông trong chiến tranh. Ông thường giúp đỡ người nghèo, bênh vực người thế cô, khẳng khái có tiếng nói bảo vệ sự thật lịch sử Đồng khởi. Ông không sợ “búa rìu” và áp lực trù dập, phản đối những ai “tiền hậu bất nhất”, phủ nhận Đồng Khởi của Bến Tre, dù người đó có quyền cao chức trọng. Điều đó nói lên dũng khí của một vị tướng. Tướng Tám Vị cùng với ông Lê Minh Đào, nhà báo lão thành Lê Chí Nhân, nhà văn Hàn Vĩnh Nguyên… bền bỉ đấu tranh giành lại “Huyền thoại Bến Tre Đồng khởi”.

 Đối với tướng Tám Vị, hồi ức chiến tranh thường hiện về trong giấc ngủ. Ông luôn đau xót về sự hy sinh của đồng đội, thương những người chưa có mộ phần. Ông liên hệ các nhà ngoại cảm, tìm được hàng trăm hài cốt của đồng đội, trong đó có liệt sĩ anh hùng Hoàng Lam. Những cái nghèo khó của đồng đội bước ra từ cuộc chiến, những mộ phần liệt sĩ vô danh, những xương cốt đồng đội chưa tìm được, những buồn phiền của người dân và những tiêu cực xã hội là những điều làm ông thường trầm ngâm, ray rứt. Ông tôn trọng thuần phong mỹ tục và nghĩa cử tâm linh, cư xử đúng mực giữa đạo và đời, không quan cách với mọi người, luôn mực thước và điềm tĩnh trong các mối quan hệ. Ông ủng hộ cái đúng, phản đối cái sai, cương quyết với kẻ thù, nhưng cũng khoan dung khi đối phương rớt kiếm dưới ngựa. Ông tiếp xúc chu đáo, đối thoại niềm nở, nghiêm túc với các cựu chiến binh Mỹ trở lại chiến trường xưa tìm hiểu cách đánh của ông trong Tết Mậu Thân 1968, nghe ông nói về trận “Bạch Đằng giang thời đại”, sự phá sản của chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” và những trận đánh của quân giải phóng đối đầu với chủ lực Mỹ trên chiến trường Trung Nam bộ. Thân nhân của sĩ quan phi công Mỹ tử trận ở Đồng Tháp tìm đến ông để được chia sẻ nỗi niềm. Quân nhân Mỹ thoát chết trên chiến trường tìm đến ông để “hội ngộ cựu thù” và minh bạch vòng quay cuộc sống với tư cách là đối thoại giữa những con người sau cuộc chiến. Riêng những người anh em ở châu Mỹ La-tinh đến Bến Tre để được nghe ông trình bày kinh nghiệm về chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Khi nhắc đến hồi ức chiến tranh, tướng Tám Vị kể chân thật từng chi tiết và luôn tôn trọng công lao của mọi người. Ông chẳng những diễn đạt thu hút người nghe bằng lời nói mà ông còn có khả năng chấp bút chặt chẽ, thuyết phục bằng những bài báo, bài viết tham luận trong các cuộc hội thảo khoa học về lịch sử và quân sự. Ông tôn trọng đội ngũ văn nghệ sĩ, hiểu được giá trị lao động đặc thù của họ. Ông sẵn sàng đồng hành hợp tác với họ trên cương vị là trưởng ban tổ chức điều hành nhiều công trình sách cho những đơn vị anh hùng. Ông chịu trách nhiệm thông qua cuối cùng phần chính sử và thẩm định quan trọng các tác phẩm văn học của tập sách. Ông cùng với đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà tạo ra nhiều công trình có giá trị lịch sử và văn học ghi lại chiến công của những đơn vị anh hùng.

Tướng Tám Vị được nhiều người biết đến và kính trọng từ một vị tướng liêm chính. Khi còn đương chức, ông không lợi dụng chức quyền để trục lợi cá nhân. Ông không mang tai tiếng và cũng không vướng bận sự đời về tiền tài, danh vọng. Người đời kính trọng ông không chỉ vì tài năng quân sự, mà có cả nhân cách làm tướng. Cuộc đời và sự nghiệp của ông đẹp như câu đối: “Từ Nhân Dân Trưởng Thành Lửa Đạn Lao Tù Trui Rèn Gan Dũng Tướng - Vì Nhân Dân Chiến Đấu Lược Thao Gian Khổ Hun Đúc Chí Anh Hùng” và những mỹ từ “Hữu Trách Quốc - Vị Nhân Sinh”.

Hoàng An -Tiến Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN