Thư cho em

05/07/2024 - 05:15

BDK - Những câu chuyện thời chiến luôn có sức hút mạnh mẽ với người đọc. Bởi đấy không chỉ đơn thuần là câu chuyện về những con người đã sống trong một giai đoạn hào hùng của đất nước mà còn là những lát cắt rất thực tế để hiểu hơn về lịch sử dân tộc. Sách “Thư cho em” - Chuyện tình Tướng Hoàng Đan và vợ qua lời kể của con trai Hoàng Nam Tiến ra mắt độc giả vào đầu năm 2024, chỉ gói gọn trong 310 trang nhưng đã tạo sức hút đặc biệt như vậy.

Sách “Thư cho em”.

Chất liệu chính của câu chuyện mà ông Hoàng Nam Tiến dùng để kể lại chuyện tình của ba mẹ mình chính là hơn 400 bức thư mà Thiếu tướng Hoàng Đan và vợ là bà Nguyễn Thị An Vinh gửi cho nhau qua 2 cuộc kháng chiến. Những lá thư mà ông Hoàng Nam Tiến đã cãi lời mẹ, lén giữ lại sau tang lễ của ba mình.

Ông Hoàng Nam Tiến đã dành thời gian để đọc từng lá thư của ba mẹ. Với ông, “những lá thư thành cuộc du hành thời gian của riêng tôi về thế giới tình cảm của ba mẹ mình”. Qua những lá thư, chính ông Hoàng Nam Tiến cũng đã thấy được  thời kỳ hào hùng của đất nước. “Tôi như thấy nhịp hành quân hối hả của ba khi bước vào những trận đánh dữ dội - từ Thượng Lào sang Thượng Đức rồi giải phóng Sài Gòn. Tôi thấy những khó khăn vất vả của mẹ khi một mình chăm sóc gia đình và phấn đấu cho sự nghiệp. Thấy nỗi nhớ khi tha thiết lúc dịu êm của hai người. Thấy cả những hờn giận và trách móc. Những nỗ lực thấu hiểu… Tôi như đi lại hành trình năm mươi năm bên nhau của ba mẹ… Tình yêu của họ lớn dần trong tình yêu đất nước, trong dòng chảy của lịch sử, trong khát vọng hòa bình”, ông Hoàng Nam Tiến viết.

Tập sách  4 phần, gồm: Đi Điện Biên Phủ về, ta cưới!; Hương gây mùi nhớ; Thư cho em giữa hai bên súng địch ta vẫn nổ; Về đây bên nhau. 4 phần này tương ứng với các mốc thời gian bắt đầu khi ông Hoàng Đan gửi những lá thư đầu tiên cho người thương là bà An Vinh, rồi nên duyên vợ chồng, những tháng ngày phải xa cách vì chiến tranh và cuối cùng là cuộc sống bên nhau sau giải phóng. Không chỉ dẫn lại những lá thư đầy tình cảm của ba mẹ, ông Hoàng Nam Tiến cũng kể lại những ký ức của mình với ba mẹ và gia đình trong những năm tháng ấy. Xen kẽ cùng những lá thư, tác giả cũng chia sẻ những hình ảnh quý giá của gia đình.

Lời giới thiệu trên sách viết: Những dòng thư của Thiếu tướng Hoàng Đan và vợ của ông - bà An Vinh viết cho nhau suốt hơn 40 năm là minh chứng đậm sâu cho mối tình vượt hai thế kỷ của họ. Biết nhau khi còn nhỏ, nên duyên vợ chồng từ thuở đôi mươi, vì chiến tranh, thời gian họ bên nhau rất ít ỏi. Khi vị tướng trận đi khắp các chiến trường đạn bom ác liệt nhất của Việt Nam thì vợ ông ở nhà vừa nuôi con, vừa lo cho gia đình hai bên và phấn đấu sự nghiệp. Những nhớ thương, giận hờn và chờ đợi họ chỉ biết gửi gắm qua hơn 400 lá thư cho nhau.

Hoàng Nam Tiến là con út của hai người, bằng ký ức của mình và những lá thư ấy, đã kể lại câu chuyện tình tràn đầy trìu mến của ba mẹ giữa những tháng năm gian khó. “Thư cho em” được viết ra không chỉ để lưu giữ ký ức của tác giả và gia đình mà còn chia sẻ với các bạn trẻ hôm nay về tình yêu của một thời đại anh hùng và lãng mạn. Tác giả chia sẻ: “Tôi biết, ba mẹ đều nỗ lực chung sống với nhau cả đời. Họ nhìn những điểm tốt của nhau, thương nhau cả đời bằng tình thương của những người đi qua chiến tranh, qua gian khó. Ba mẹ tôi là thế hệ nếu thấy cái gì hỏng cũng cố gắng sửa chứ không vứt đi”.

Từ câu chuyện gia đình Thiếu tướng Hoàng Đan, người đọc sẽ thấy được cuộc sống thời chiến. Sáng ngời trong câu chuyện ấy không chỉ có tình yêu lứa đôi mà còn là lòng yêu nước và lý tưởng sống cao đẹp của một thế hệ anh hùng. Ông Hoàng Nam Tiến viết: “Tôi muốn kể lại câu chuyện của ba mẹ - một chuyện tình vượt qua hai thế kỷ, tràn đầy trìu mến thương yêu và gắn liền với các mốc lịch sử lớn lao của dân tộc. Tôi muốn lưu lại tất cả những gì thuộc về họ, trước hết cho chính tôi, con cháu và đại gia đình của mình - những ai đã sống trong tình yêu thương và che chở của ba mẹ.

Với bạn đọc, tôi hy vọng các bạn tìm thấy một điều gì thú vị trong cuốn sách - có thể là một chuyện tình thời chiến “Khi Tổ quốc cần, họ cần biết sống xa nhau”; có thể là những dòng thư lãng mạn và rất mực “soái ca” của một vị tướng; hoặc những bài học trong việc giao tiếp với bạn đời, nỗ lực hiểu nhau, yêu thương và bao dung với nhau trong gần năm mươi năm của một cặp vợ chồng”.

Trong nhịp sống hối hả hiện đại, tình yêu vợ chồng, tình cảm gia đình được vun đắp, xây dựng trong tình yêu đất nước vẫn sẽ luôn là hệ giá trị cao quý nhất mà mỗi người luôn luôn trân trọng.

Bài, ảnh: Triều Dương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN