Tỷ lệ hưởng lương hưu thấp khi nghỉ hưu sớm

16/06/2017 - 07:07

Từ ngày 1-1-2018 trở đi, cách tính tỷ lệ phần trăm lương hưu có thay đổi so với nghỉ hưu trước năm 2018. Việc điều chỉnh này chỉ tác động trực tiếp đến một số nhóm đối tượng chứ không phải tất cả các đối tượng hưởng lương hưu từ năm 2018 trở đi đều bị giảm lương hưu.

Cụ thể, đối với trường hợp đủ điều kiện về tuổi đời mà chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để đạt tỷ lệ 75%, thì khi nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi đa số lao động nữ bị giảm tỷ lệ lương hưu so với hiện hành. Do từ ngày 1-1-2018, đối với nữ, từ năm thứ 16 trở đi thêm 1 năm cộng thêm 2%, thay vì 3% như trước đây để đạt tỷ lệ 75%. Tuy nhiên, luật cũng quy định, trường hợp người lao động nghỉ hưu nhưng chưa đủ tuổi đời theo quy định sẽ phải giảm trừ tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi trừ 2%. Trong khi đó, nếu tiếp tục đóng BHXH thêm 1 năm thì tỷ lệ lương hưu cũng tăng tương ứng 2%. Do đó, người lao động sẽ nhận tỷ lệ hưởng lương hưu thấp khi nghỉ hưu sớm và càng thấp hơn nếu thời gian đóng BHXH không nhiều.

Luật BHXH 2014 còn quy định, từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động nhằm đảm bảo lương hưu được cải thiện hơn, bù cho việc giảm sút tỷ lệ hưởng lương hưu khi cả nam và nữ đều phải tham gia thêm 5 năm để đạt tỷ lệ hưởng tối đa 75%. Như vậy, khi mức đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở tổng thu nhập của người lao động càng cao thì lương hưu sẽ cao hơn so với trước năm 2018.

 Do lương hưu là chế độ người lao động được hưởng lâu dài, nên nếu mức lương hưu khi bắt đầu nghỉ hưu thấp sẽ ảnh hưởng suốt cả thời gian về sau. Khi người lao động còn sức khỏe, có công việc tốt thì nên tiếp tục đóng BHXH cho đến khi đủ tuổi hưu để được nhận mức lương hưu cao nhằm đảm bảo được nguồn thu nhập sau khi về hưu.

T. Vi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN