 |
Trang bị tàu CSB-9001 cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam |
Chiều 26/1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp thứ 5, sau khi thông qua 2 Pháp lệnh: Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam (sửa đổi) và Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng.
Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam (sửa đổi) gồm 6 chương, 30 điều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế hoạt động của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam - lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam.
Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng với 7 chương, 27 điều nhằm mục đích tạo ra cơ sở pháp lý phục vụ bước phát triển mới về công nghiệp quốc phòng. Pháp lệnh quy định những nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động công nghiệp quốc phòng, các vấn đề chính sách, quy hoạch, kế hoạch và nguồn lực xây dựng và phát triển lĩnh vực công nghiệp này. Pháp lệnh cũng quy định quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ về công nghiệp quốc phòng.
Cả 2 Pháp lệnh nói trên sẽ có hiệu lực từ 1/7/2008.
Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật hoạt động chữ thập đỏ, xem xét chủ trương tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về các dự án Luật.
Các đại biểu thảo luận một số vấn đề tiếp thu, chỉnh lý một bước các nội dung chính dự Luật hoạt động chữ thập đỏ. Đa số tán thành phạm vi điều chỉnh của luật là các hoạt động nhân đạo dựa vào cộng đồng do Hội Chữ thập đỏ thực hiện hoặc phối hợp với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện; tán thành việc giao Bộ Nội vụ là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Vấn đề Quỹ hoạt động chữ thập đỏ cũng được tiếp thu theo hướng chỉ quy định ngắn gọn, phù hợp với Nghị định 148/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
Ủy ban Thường vụ cũng xem xét chủ trương tổ chức các Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về các dự án luật. Sau khi cân nhắc những ưu điểm cũng như hạn chế của hoạt động này trong thời gian vừa qua, nhiều đại biểu tán thành sẽ không tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, thay vào đó là Hội nghị của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, chỉ tổ chức Hội nghị đại biểu chuyên trách trong trường hợp xét thấy cần thiết.