Ban Thanh tra nhân dân giám sát việc thực hiện pháp luật về phòụng, chống tham nhũng (PCTN) thông qua:
1- Tiếp nhận các ý kiến phản ánh của nhân dân, cán bộ, người lao động về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; trực tiếp thu thập các thông tin, tài liệu trong việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước.
2- Phát hiện hành vi tham nhũng, vụ việc tham nhũng của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước.
3- Trực tiếp hoặc thông qua ban thường trực, UBMTTQ xã, phường, thị trấn, ban chấp hành công đoàn cơ sở kiến nghị với chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, người đứng đầu cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, hành vi tham nhũng và giám sát việc giải quyết đó.
Quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân trong quá trình giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTN:
1-Trong quá trình giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTN, Ban Thanh tra nhân dân có quyền đề nghị chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, người đứng đầu cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc giám sát.
2-Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, người có hành vi tham nhũng thì Ban Thanh tra nhân dân kiến nghị Chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
3-Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho Ban Thanh tra nhân dân. Trường hợp kiến nghị không được xem xét, giải quyết hoặc thực hiện không đầy đủ thì Ban Thanh tra nhân dân có quyền kiến nghị chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã thuộc tỉnh hoặc kiến nghị với cấp trên trực tiếp của người đứng đầu cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khác xem xét, giải quyết.
(Theo Điều 22, Điều 23- Nghị định số 47/2007/NĐ-CP ngày 27-3-2007 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng”).