Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm khẳng định nhờ có những quyết sách và biện pháp tiến hành hội nhập kinh tế quốc tế phù hợp, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, tạo ra thế và lực mới cho đất nước, vị thế quốc tế thuận lợi chưa từng có.
Trong bài viết đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho rằng thành tựu quan trọng nhất của Việt Nam là đã tự đổi mới theo yêu cầu của hội nhập, từng bước chủ động, tích cực chuẩn bị và tham gia ngày càng sâu rộng và hiệu quả vào tiến trình toàn cầu hóa thông qua việc thiết lập quan hệ và tham gia hoạt động trong các thể chế kinh tế quốc tế ở nhiều tầng nấc, gồm song phương, tiểu khu vực, khu vực, liên khu vực và toàn cầu.
Việt Nam đã từng bước tham gia vào các cơ chế hợp tác quốc tế, mà khởi đầu là việc khôi phục quan hệ với nhiều nước, các trung tâm tài chính-tiền tệ, cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế và ký kết các hiệp định kinh tế, thương mại và đầu tư song phương; tham gia các cơ chế hợp tác khu vực như ASEAN, liên khu vực như hợp tác Á-Âu, ASEM, APEC, và toàn cầu là WTO.
Với những nỗ lực trên, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh tế, thương mại với trên 170 quốc gia, nền kinh tế; ký kết gần 60 hiệp định kinh tế-thương mại song phương, trong đó có toàn bộ các nước, nền kinh tế phát triển, thị trường lớn và đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ tháng 1/2007.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc tăng cường hội nhập kinh tế không chỉ giúp Việt Nam nâng cao tiềm lực của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, mà còn góp phần mở rộng thị trường và đối tác kinh tế-thương mại. Từ chỗ kim ngạch ngoại thương chỉ đạt chưa tới 5 tỉ USD và bạn hàng chủ yếu là một số nước Đông Âu vào cuối những năm 80, đến nay, Việt Nam đã có trên 170 đối tác thương mại, kim ngạch ngoại thương năm 2006 đạt xấp xỉ 85 tỉ USD và dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng cao trong năm nay và các năm sắp tới.
Thông qua hội nhập, Việt Nam đã tranh thủ được nguồn vốn đầu tư và viện trợ phát triển chính thức (ODA) của nước ngoài. Hiện Việt Nam có quan hệ đầu tư với hơn 70 nước và lãnh thổ, với nhiều tập đoàn và công ty đa, xuyên quốc gia có tiềm lực về công nghệ và tài chính. Với khoảng 7.000 dự án, tổng số vốn đăng ký trên 60 tỉ USD, Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những nước có sức hấp dẫn cao về đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khu vực.
Từ năm 1993 đến nay, số tiền các nhà tài trợ cam kết dành cho Việt Nam đã đạt khoảng 35 tỉ USD, góp phần quan trọng vào việc phát triển hạ tầng cơ sở, phục vụ các chương trình thu hẹp khoảng cách phát triển, xóa đói, giảm nghèo.
Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, theo Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, việc tích cực hội nhập kinh tế quốc tế còn giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình cải cách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cần thiết cho việc quản lý-điều hành vĩ mô, tạo môi trường thông thoáng cho sản xuất-kinh doanh và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Bên cạnh những thuận lợi trên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, thách thức đối với Việt Nam cả về chủ quan và khách quan, như năng lực hội nhập còn hạn chế, công tác chỉ đạo, điều hành chưa nhất quán, trong khi lại phải gặp nhiều rào cản thương mại và biện ph