Việt Nam đứng thứ 48/132 nền kinh tế được xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022

08/03/2023 - 07:02

BDK - Tổ chức Sở Hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu năm 2022 (GII 2022). Theo GII 2022, Việt Nam đứng thứ 48/132 nền kinh tế, giảm 4 bậc so với năm 2021, nằm trong Top 50 và đứng thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp.

Biểu đồ xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu trong 10 năm gần đây. Ảnh đồ họa: Cục Sở hữu trí tuệ

Biểu đồ xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu trong 10 năm gần đây. Ảnh đồ họa: Cục Sở hữu trí tuệ

Nền tảng của hoạch định chính sách kinh tế

Kể từ khi được thiết lập vào năm 2007, GII đã định hình chương trình đo lường ĐMST và trở thành nền tảng của hoạch định chính sách kinh tế, với việc ngày càng nhiều chính phủ phân tích một cách có hệ thống các kết quả GII hàng năm và thiết kế các phản ứng chính sách để cải thiện hiệu quả hoạt động của họ. GII cũng đã được Hội đồng Kinh tế và xã hội Liên hợp quốc công nhận trong nghị quyết năm 2019 về khoa học, công nghệ và ĐMST để phát triển như một tiêu chuẩn được công nhận nhằm đo lường ĐMST liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững.

GII 2022 được tính bằng giá trị trung bình của hai chỉ số phụ. Chỉ số phụ đầu vào ĐMST đánh giá các yếu tố của nền kinh tế cho phép và tạo điều kiện cho các hoạt động ĐMST và được nhóm thành 5 trụ cột: (1) Thể chế, (2) Vốn con người và nghiên cứu, (3) Cơ sở hạ tầng, (4) Trình độ phát triển của thị trường, (5) Trình độ phát triển của kinh doanh. Chỉ số phụ đầu ra ĐMST ghi nhận kết quả thực tế của các hoạt động ĐMST trong nền kinh tế và được chia thành hai trụ cột: (1) Sản phẩm tri thức và công nghệ, (2) Sản phẩm sáng tạo. Chỉ số GII dùng để đo lường, đánh giá, xếp hạng kết quả ĐMST quốc gia. GII chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu, những vấn đề còn tồn tại, cơ hội và thách thức cho mỗi quốc gia.

GII năm nay cho thấy rằng, ĐMST đang ở ngã ba đường khi chúng ta thoát ra khỏi đại dịch. Trong khi đầu tư vào ĐMST tăng mạnh vào năm 2020 và 2021, nhưng triển vọng cho năm 2022 không chỉ bị đe dọa bởi những bất ổn toàn cầu mà còn tiếp tục kém hiệu quả trong năng suất đổi mới. Đây là lý do tại sao chúng ta cần chú ý hơn đến việc không chỉ đầu tư vào ĐMST, mà còn chuyển hóa nó thành tác động kinh tế và xã hội như thế nào. Cũng giống như số lượng và quy mô, chất lượng và giá trị sẽ trở nên quan trọng đối với sự thành công

Chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2022 của Việt Nam

Theo GII 2022, Việt Nam đứng thứ 48/132 nền kinh tế, giảm 4 bậc so với năm 2021, nhưng vẫn nằm trong Top 50 và đứng thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế cùng mức thu nhập (năm 2021, Việt Nam đứng thứ nhất trong 34 nền kinh tế), đứng thứ 10 trong số 17 nền kinh tế ở Đông Nam Á và châu Đại Dương. Trong khu vực, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 như năm 2021 (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan). Mặc dù Việt Nam tăng 1 bậc vị trí xếp hạng về đầu vào ĐMST (từ 60/132 lên 59/132), nhưng lại giảm 3 bậc thứ hạng đầu ra ĐMST (từ 38/132 lên 41/132) so với năm 2021.

Liên quan đến thứ hạng của Việt Nam trong 3 năm qua, WIPO lưu ý rằng, tính sẵn có của dữ liệu và những thay đổi đối với khung mô hình GII ảnh hưởng đến so sánh hàng năm của bảng xếp hạng GII. Khoảng tin cậy thống kê đối với xếp hạng của Việt Nam trong GII 2022 là từ hạng 44 đến 49, so với năm 2011 là từ 42 đến 47. WIPO đánh giá Việt Nam có kết quả đầu ra đổi mới tốt hơn đầu vào đổi mới trong GII năm nay của Việt Nam. Năm nay, Việt Nam đứng thứ 59 về đầu vào ĐMST, cao hơn cả năm 2021 và 2020. Về đầu ra/kết quả ĐMST, Việt Nam đứng thứ 41, vị trí này thấp hơn cả năm 2021 và 2020. Dù vậy, Việt Nam vẫn đứng thứ 2 trong số 36 nền kinh tế thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp, sau Ấn Độ; đứng thứ 10 trong số 17 nền kinh tế ở Đông Nam Á, Đông Á và châu Đại Dương.

Về hiệu quả ĐMST, theo GII 2022, mối quan hệ giữa mức thu nhập (GDP bình quân đầu người) và hiệu suất ĐMST (điểm GII) cho thấy: So với GDP, hiệu quả hoạt động ĐMST của Việt Nam trên cả mong đợi về mức độ phát triển của Việt Nam. Về quan hệ giữa đầu vào ĐMST và đầu ra/kết quả ĐMST cho thấy, các nền kinh tế vượt trội đang phát huy hiệu quả các khoản đầu tư đổi mới tốn kém thành các kết quả ngày càng chất lượng cao hơn. Việt Nam tạo ra nhiều kết quả ĐMST hơn so với mức đầu tư vào ĐMST. Việt Nam đạt trên mức trung bình của nhóm thu nhập trung bình thấp trong tất cả các trụ cột GII. Việt Nam cũng đạt trên mức trung bình của khu vực Đông Nam Á, Đông Á và châu Đại Dương về sản phẩm sáng tạo.

Theo WIPO, Việt Nam đạt kết quả tốt nhất về trụ cột sản phẩm sáng tạo (vị trí thứ 35/132) và yếu kém nhất là về trụ cột nguồn nhân lực và nghiên cứu (vị trí 80/132). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn đứng vị trí thứ 4 (như năm 2021), sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Trong số các nước ASEAN được xếp hạng, có 3 nước tăng bậc là Singapore, Indonesia và Campuchia. Thái Lan và Malaysia vẫn giữ nguyên thứ hạng.

Việt Nam có sự nổi trội trong số các quốc gia mà WIPO có hợp tác. Việt Nam đang tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. WIPO đánh giá Việt Nam có thể hướng tới nhóm 40 quốc gia/nền kinh tế hàng đầu về GII.

Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về ĐMST trong 12 năm liền, cũng là một trong số ít các nước trên thế giới đang trong quá trình tự tạo ra những sản phẩm ĐMST riêng của mình, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy ĐMST và tăng trưởng kinh tế - xã hội. WIPO sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam để giúp ĐMST là một yếu tố thúc đẩy tạo việc làm và tăng trưởng.

Nguyễn Thanh Tùng - Trung Tâm Khoa học và Công nghệ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN