Quê hương Đồng Khởi thực hiện di chúc của Bác, Bài 2:

Xác định tầm nhìn để đi xa hơn

28/08/2019 - 06:47

BDK - Nhìn lại hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, tỉnh đã phát huy tốt tinh thần Đồng khởi, tiên phong trong việc luôn tự vận động, mạnh dạn nhìn nhận những hạn chế để chuyển đổi tư duy, dám bứt phá trong hành động, với khát vọng vươn lên sánh vai cùng các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Dừa là sản phẩm nông sản chủ lực, hình thành nên nét đặc trưng của tỉnh. Ảnh: Thanh Đồng

Dừa là sản phẩm nông sản chủ lực, hình thành nên nét đặc trưng của tỉnh. Ảnh: Thanh Đồng

Đôi điều trăn trở

Từ một vài số liệu “định vị” Bến Tre trong khu vực ĐBSCL cho thấy, tại thời điểm năm 2015, Bến Tre hầu như thuộc những vị trí cuối trong khu vực. Tỉnh ngày càng tụt hậu so với các địa phương trong vùng, quy mô của nền kinh tế (KT) còn quá nhỏ, chất lượng và hiệu quả tăng trưởng KT chưa cao, chủ yếu theo chiều rộng, năng suất lao động thấp, năng lực hội nhập thấp, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ xã hội (XH) còn khiêm tốn, các ngành nghề còn ít, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa còn chậm, thu nhập của người dân còn thấp.

Bước vào giai đoạn 2015 - 2020, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới” nhằm khơi dậy tinh thần Đồng khởi năm 1960 của người dân. Theo đó, xác định xây dựng Đảng đóng vai trò then chốt, văn hóa làm nền tảng tinh thần và KT làm đột phá. Năm 2016, Tỉnh ủy cũng đã ban hành Chương trình 10 số về Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Đây được xem là một nội dung hành động cụ thể của “Đồng khởi mới” và thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo Tỉnh ủy. Đồng thời, tỉnh cũng triển khai Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững. Đó là những chương trình lớn, đánh dấu sự đổi mới trong tư duy, bứt phá trong hành động, dám nghĩ dám làm của lãnh đạo Tỉnh ủy với kỳ vọng đưa tỉnh phát triển nhanh hơn, theo kịp các tỉnh trong khu vực và so với cả nước, tránh khỏi nguy cơ bị tụt hậu về phía sau.

Đến nay, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá, bình quân giai đoạn 2016 - 2019 tăng 7,09%/năm, so với nghị quyết (NQ) là 7 - 7,5%. GDP bình quân đầu người 39,38 triệu đồng, bằng 80,95% so với chỉ tiêu NQ. Tổng thu ngân sách nhà nước bằng 86% chỉ tiêu NQ; tổng vốn huy động toàn xã hội bằng 79,68% so với NQ…

Bên cạnh kết quả phấn khởi, vấn đề đặt ra là so với các tỉnh, thành trong khu vực ĐBCSL, vị trí xếp hạng của hầu hết các chỉ số đạt được hiện nay của tỉnh vẫn chưa được cải thiện đáng kể, thậm chí có những chỉ số càng lùi xa về phía sau. Bởi hiện tại, GDP bình quân đầu người ở tỉnh đã thấp nhất trong khu vực ĐBSCL, mặc dù mức tăng trưởng cao hơn 10%/năm.

Theo đánh giá của ngành chức năng, nguyên nhân do nền KT vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực I (nông, lâm, ngư nghiệp) với giá trị KT không cao, trong khi các tỉnh khác đã phát triển công nghiệp khá mạnh, có thành công trong các hoạt động sản xuất và chế biến. KT nông nghiệp chiếm vai trò chủ đạo thể hiện qua tỷ trọng đóng góp vào GRDP của tỉnh, cụ thể năm 2010, tỷ trọng đóng góp chiếm 41%, đến năm 2018, chiếm 33%. Cơ cấu ngành có sự chuyển dịch đúng hướng và nông nghiệp vẫn chiếm chủ yếu.

Giải pháp chiến lược

Xuất phát từ những nỗi trăn trở trước tình hình thực tế của tỉnh, làm sao để đạt được mục đích cuối cùng là “nâng cao đời sống nhân dân”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định cần phải xây dựng một tầm nhìn chiến lược (TNCL) phát triển KT-XH tỉnh xa hơn và vững vàng hơn.

Chiến lược phát triển KT-XH tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được xây dựng với sự tương tác rộng để tất cả các bên liên quan có thể góp ý và cam kết thực hiện. Trong đó, đặc biệt là sự phối hợp từ các ban, ngành tỉnh để xây dựng chiến lược phát triển một cách tổng thể và chi tiết. Mục tiêu chính của tầm nhìn là xác định những thách thức chính cần phải giải quyết và những thế mạnh cơ bản có thể tạo ra đột phá; hiểu rõ xu hướng trong nước và quốc tế ảnh hưởng đến tình hình KT-XH của tỉnh; xác định tầm nhìn phát triển của tỉnh và mô hình phát triển của tỉnh đến 2030 và 2045, lấy sự cân bằng phát triển KT bền vững và đời sống người dân làm trọng tâm; đề xuất giải pháp, phương án để phát triển các kịch bản trên.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo từng nói: “Tôi nhận ra một điều, muốn thay đổi thì không thể đặt mục tiêu theo kiểu như trước nay, không thể cộng dồn quá khứ với hiện tại thành tương lai được. Mình hơn mình hôm qua là điều đáng mừng, nhưng mình không biết rằng hàng xóm, láng giềng đã đi đến đâu, bỏ mình bao xa và thế là mình tiếp tục tụt hậu, bởi ở đời đâu có ai chịu khó đứng chờ mình…”.

Nhắc lại những điều trăn trở đó để chúng ta dũng cảm, thẳng thắn nhìn vào sự thật, bản thân mình đang ở đâu và như thế nào so với bạn bè trong nước và quốc tế, từ đó biết mình cần phải làm gì. Quan trọng hơn hết, việc xây dựng TNCL cần phải được thực hiện bởi chính người Bến Tre. Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi luôn nhấn mạnh các sở, ngành, địa phương phải giữ vai trò chủ động trong xây dựng TNCL.

Có thể nói, cùng với việc thí điểm xây dựng quy hoạch tỉnh Bến Tre ở vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030, việc tập trung đầu tư xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 sẽ tạo nên cột mốc mới, đánh dấu giai đoạn tỉnh có sự chuyển mình mới, mạnh mẽ vượt trội sau hơn 30 năm cùng với cả nước thực hiện công cuộc đổi mới quê hương. Đó là ước vọng tỉnh trong 10 năm, 20 năm nữa sẽ nâng cao tầm vóc để sánh vai và hội nhập quốc tế.

Để thực hiện được điều đó, hơn bao giờ hết, ngay thời điểm này, chính những người con của quê hương xứ Dừa đang sống và làm việc trong tỉnh hay bất kỳ đâu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc và tập trung đầu tư suy nghĩ chiến lược để cùng đóng góp xây dựng TNCL của tỉnh. Không ai khác, chính người nông dân, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ trí thức, cán bộ, công nhân, viên chức phải ý thức tự đặt mình trong vai trò chủ thể, chủ động nêu lên đề xuất, ý kiến đóng góp.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi theo từng chặng đường lịch sử của đất nước, 50 năm vẫn còn nguyên giá trị. Đó là làm tất cả để chung quy lại, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Toàn Đảng và nhân dân tỉnh nhà đã và đang nghiêm túc thực hiện Di chúc của Người với ước vọng phát triển quê hương Bến Tre ngày càng phồn vinh và giàu đẹp hơn.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi từng chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà rằng, câu chuyện đặt ra cho tỉnh ta là chúng ta không có giải pháp đột phá, không chạy và chạy nhanh để theo kịp hoặc nhanh hơn thì chúng ta sẽ bị tụt hậu ngày càng xa so với các tỉnh bạn…

Thanh Đồng - Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN