Xây dựng con người phát triển toàn diện, gia đình hạnh phúc, tiến bộ

23/01/2024 - 11:22

BDK - Qua 3 năm triển khai Nghị quyết (NQ) số 05-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về “Xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện; gia đình hạnh phúc, tiến bộ”, các ngành, các cấp đã tiếp thu, quán triệt và cụ thể hóa thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư trong việc phát triển sự nghiệp văn hóa (VH), xây dựng con người phát triển toàn diện, đồng thời chăm lo xây dựng gia đình VH gắn với tiêu chí hạnh phúc, tiến bộ, hướng đến các giá trị “Chân - Thiện - Mỹ”; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy những giá trị VH truyền thống tốt đẹp của dân tộc và địa phương.

Tham quan nhà cổ Huỳnh Phủ, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú. Ảnh: Nguyễn Hải

Tham quan nhà cổ Huỳnh Phủ, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú. Ảnh: Nguyễn Hải

Chuyển biến từ cơ sở

NQ số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy đặt trọng tâm phát triển con người và gia đình, xác định tập trung phát triển con người - vừa là chủ thể của sự phát triển, vừa là đối tượng cần được quan tâm toàn diện. Đồng thời, tiếp tục khẳng định vai trò của gia đình là môi trường đầu tiên có tính chất quyết định, vừa là nơi thụ hưởng thành quả của xây dựng con người. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của NQ số 05-NQ/TU và vai trò của VH, tư tưởng, các cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo quyết liệt, từng địa phương đã cụ thể hóa thực hiện bằng kế hoạch, chương trình và xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cốt lõi để làm nền tảng phát triển ngành, địa phương một cách toàn diện, bền vững.

Để NQ số 05-NQ/TU đi vào cuộc sống, huyện Giồng Trôm đã tập trung tuyên truyền lan tỏa các giá trị gia đình “Đoàn kết - Yêu thương - Hiếu học - Trách nhiệm -  Thuận hòa - Kính trên - Nhường dưới - Chấp hành pháp luật - Chống bạo lực gia đình - Tập trung phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, có trách nhiệm với xã hội, đoàn kết xóm làng”... Đặc biệt, huyện đã nghiên cứu và sáng tạo thực hiện mô hình xây dựng danh hiệu “Ấp VH kiểu mẫu”. Đến nay, huyện đã công nhận 4 Ấp VH kiểu mẫu. Đây chính là điểm sáng được các ngành, các cấp đánh giá cao, đồng thời là khâu đột phá nhằm xây dựng danh hiệu VH tại cơ sở mang tính bền vững. Bên cạnh đó, huyện cũng đã duy trì, nhân rộng 137 mô hình Câu lạc bộ (CLB) gia đình phát triển bền vững.

“CLB gia đình phát triển bền vững hoạt động có hiệu quả. Hàng năm, công tác giảm nghèo của huyện đạt hiệu quả, còn khoảng 800 - 900 hộ nghèo. Đạt kết quả này có vai trò của các CLB, trong sinh hoạt, các thành viên CLB định hướng, tư vấn, giúp đỡ để nhiều gia đình thoát nghèo; giảm rõ rệt vấn đề bạo lực gia đình. Mọi thành viên trong gia đình có trách nhiệm chăm sóc nhau được phát huy. Chúng tôi không dừng lại ở một xã, một CLB mà sẽ chỉ đạo phát triển mỗi xã có 50% số ấp có CLB và hướng tới mỗi ấp có 1 CLB để góp phần làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, Phó chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Nguyễn Minh Trung cho biết.

Xác định việc phát huy giá trị truyền thống VH để xây dựng một hệ thống các giá trị chuẩn mực về VH và cốt cách con người, tiến đến xây dựng xã hội văn minh, phồn vinh, hạnh phúc là mục tiêu quan trọng hàng đầu, huyện Ba Tri chú trọng công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp, phong phú, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa tuyên truyền miệng và sử dụng nghệ thuật... Từ đó giúp người dân được tiếp cận, hiểu sâu sắc hơn về hệ giá trị đạo đức trong NQ số 05-NQ/TU.

Phó bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Ba Tri Lữ Văn Dư chia sẻ: Hàng năm, địa phương đề ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng bảo đảm an ninh trật tự, cảnh quan môi trường, nếp sống VH. Trong đó, điểm nổi bật là xây dựng tổ nhân dân tự quản “5 không” gồm: không hộ nghèo, không rác thải gây ô nhiễm môi trường, không tệ nạn xã hội, không buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, không vi phạm trật tự xây dựng. Để thực hiện được hệ giá trị cốt lõi theo định hướng chỉ đạo của NQ số 05-NQ/TU, chúng ta phải nhận thức đúng và có cách làm phù hợp đối với từng đối tượng, gia đình, môi trường cụ thể để xây dựng con người tốt, xã hội văn minh. Chú trọng xây dựng VH trong đảng; bảo tồn phát huy giá trị các di tích lịch sử VH.

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương còn chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống VH, qua đó nâng cao các tiêu chí đơn vị VH, gia đình VH. Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Đại Phạm Thị Thanh Vân cho biết: Thực hiện NQ số 05-NQ/TU, huyện đã duy trì thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống VH; Ban Chỉ đạo thường xuyên tổ chức kiểm tra, nâng chất phong trào đối với cơ sở, các cơ quan, đơn vị nhằm xây dựng môi trường VH, con người phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là VH chính trị, VH công sở.

“Xây cái đẹp, dẹp cái xấu”

Trên cơ sở 10 hệ giá trị cốt lõi về đạo đức: “Yêu nước - Nhân ái - Nghĩa tình - Trung thực - Bản lĩnh - Tự cường - Tự trọng - Trách nhiệm - Hợp tác - Sáng tạo”, theo định hướng chỉ đạo của NQ số 05-NQ/TU, các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động, góp phần tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, hệ thống chính trị và nhân dân. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, đôn đốc, nhắc nhở thực hiện các quy định về chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức xã hội. Xây dựng môi trường làm việc thân thiện, kỷ cương, trách nhiệm, năng động, sáng tạo; tham gia tốt các phong trào do cơ quan, địa phương phát động.

Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Thị Kiều Tôn trao thưởng cho các gia đình tiêu biểu năm 2023. Ảnh: Ngọc Diệp

Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Thị Kiều Tôn trao thưởng cho các gia đình tiêu biểu năm 2023. Ảnh: Ngọc Diệp

Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Thị Kiều Tôn cho biết: Con người là chủ thể của mọi sự phát triển, còn VH tạo ra các giá trị chuẩn mực, từ đó hình thành nên phẩm chất con người. Xây dựng nhân cách con người và đạo đức xã hội mang tính định tính, thấm dần, là quá trình, cộng đồng chuyển động từ nhận thức, ý thức cho đến hành động để tạo nên các giá trị tốt đẹp. Do vậy, rất cần sự chung tay vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, để các hệ giá trị đạo đức của NQ số 05-NQ/TU được nhanh chóng lan tỏa sâu rộng trong đời sống, giúp cho mọi người cảm nhận được hệ giá trị của NQ luôn hiện hữu ngay trong cuộc sống đời thường, trong lao động, sinh hoạt, trong cách ăn, nếp nghĩ, giao tiếp, ứng xử hàng ngày.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa, hội tập trung xây dựng hình ảnh người Phụ nữ Bến Tre “đẹp người, đẹp nết, đẹp gia đình, đẹp sự nghiệp, đẹp xã hội”. Các cấp hội đã tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ thực hiện các chính sách về hôn nhân - gia đình, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bà mẹ - trẻ em, bảo vệ môi trường... bảo vệ thuần phong, mỹ tục, truyền thống, giá trị tốt đẹp của đất nước, con người và phụ nữ Việt Nam.

Trong môi trường giáo dục, công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, giáo viên và học sinh về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách, được quan tâm thực hiện. Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Võ Văn Bé Hai cho biết: Ngành luôn chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo ở các cấp học, nhất là cấp mẫu giáo và tiểu học, trong đó quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách; truyền thống tôn sư, trọng đạo, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; khơi dậy ý thức khát vọng lập thân lập nghiệp, vươn lên làm giàu cho bản thân và gia đình, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Coi trọng việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giao tiếp ứng xử VH cho học sinh, sinh viên. Nhà trường phối hợp với các cơ quan, các tổ chức xã hội phát động các phong trào bài trừ, phòng chống các tệ nạn xã hội và hiện tượng tiêu cực như: bạo lực học đường, gian lận trong thi cử, lối sống lai căng, thực dụng...

Có thể nói, việc xây dựng nhân cách con người và đạo đức xã hội là định tính, thẩm thấu dần, là cộng đồng xã hội chuyển động từ nhận thức, ý thức cho đến hành động để tạo nên các giá trị tốt đẹp. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười - Trưởng ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống VH tỉnh nhấn mạnh: Trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai nhiệm vụ xây dựng đời sống VH, môi trường VH phù hợp với điều kiện đặc thù về kinh tế - xã hội của địa phương. Tập trung thực hiện tốt phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống VH. Cần xem trọng thực hiện các yếu tố tinh thần, định tính đã được quy định trong các tiêu chuẩn của từng danh hiệu để tập trung vận động và thực hiện. Có như vậy, nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh của VH - con người mới thực sự được quan tâm thúc đẩy một cách căn cơ, gốc rễ, nhằm lan tỏa giá trị tốt đẹp, theo hướng “Xây cái đẹp, dẹp cái xấu”, tập trung “xây” để hạn chế “chống”.

Nhìn lại 3 năm thực hiện NQ số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy, các địa phương, đơn vị đã cụ thể hóa trách nhiệm bằng chương trình, kế hoạch cụ thể, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp nhằm góp phần gắn kết trách nhiệm toàn xã hội, tạo ra xung lực chính trị mới, đồng thuận, quyết tâm thực hiện “xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện; gia đình hạnh phúc, tiến bộ”. Qua đó khơi dậy truyền thống, ý chí, bản lĩnh, phát huy tinh thần Đồng khởi của người dân Bến Tre trong thi đua “Đồng khởi mới”, sớm hiện thực hóa “Khát vọng Bến Tre” trong tương lai.

“Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Đồng khởi mới” thực hiện NQ, kế hoạch, đề án của địa phương, ngành, trong đó có NQ số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy. Tăng cường đầu tư cho hoạt động xây dựng VH, con người, gia đình tương ứng với đầu tư phát triển kinh tế cả về ngân sách và nhân lực. Đẩy mạnh các phong trào, cuộc vận động xây dựng gia đình, đời sống VH, đưa NQ số 05-NQ/TU đi vào cuộc sống bằng việc làm, hành động thiết thực”.

(Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng)

Ngọc Diệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN