
Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó chủ tịch UBND tỉnh tham quan mô hình sản xuất cây giống tại Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ứng dụng công nghệ trên nhiều lĩnh vực
Thời gian qua, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến được đưa vào ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Điển hình, các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng - sản phẩm của CNC đã được thử nghiệm và ứng dụng vào sản xuất đại trà cho hiệu quả như các giống lúa chất lượng cao (OM 4900, OM 6162). Giống lúa chịu mặn, thích ứng biến đổi khí hậu cho vùng lúa tôm như: OM 9921, OM 1348, OM 1352... Hiện diện tích lúa sử dụng giống mới chiếm khoảng trên 70% diện tích gieo trồng.
Một số sản phẩm về giống cây trồng nuôi cấy mô như: hoa phong lan, chuối... cũng đã được đưa vào thử nghiệm, bước đầu cho hiệu quả cao. Các quy trình công nghệ tiên tiến về thâm canh như sản xuất cây ăn trái VietGAP; sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính; sử dụng màng phủ NN trong canh tác rau; kỹ thuật tưới tự động cũng đã bắt đầu được áp dụng trong sản xuất lúa, rau và hoa cao cấp. Nhiều cơ sở sản xuất được chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng thực hành NN tốt. Kết quả, toàn tỉnh có 23ha chôm chôm và 18ha bưởi da xanh chứng nhận GlobalGAP, gần 200ha cây ăn trái các loại chứng nhận VietGAP, 800ha ca cao chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng UTZ Certified.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh xây dựng được 5 mô hình trồng trọt ứng dụng CNC với gần 10.000m2 nhà lưới để sản xuất các loại rau quả cao cấp, an toàn. Các mô hình trên cho hiệu quả kinh tế hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
Ông Võ Hoài Chân - Phó giám đốc Trung tâm NN ứng dụng CNC, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật mới về giống, biện pháp thâm canh trong sản xuất trồng trọt đã nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác. Giá trị sản xuất trồng trọt ứng dụng CNC góp phần giúp tăng trưởng ngành trồng trọt bình quân khoảng 3,8% mỗi năm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, tăng thu nhập cho người nông dân trong điều kiện diện tích đất NN của tỉnh ngày càng bị thu hẹp.

Cấy mô chuối trong phòng thí nghiệm.
Về việc nghiên cứu, ứng dụng tại Khu Ứng dụng công nghệ sinh học Cái Mơn, Chợ Lách cũng đạt nhiều kết quả bước đầu đáng trân trọng, đóng góp quan trọng vào phát triển NN địa phương. Bà Võ Thị Thanh Hà - Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho hay, hiện trung tâm đang triển khai dự án liên quan đến 2 sản phẩm NN chủ lực của tỉnh, như: “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nhân giống bưởi da xanh, cây cam trên địa bàn tỉnh Bến Tre” và đề tài “Thử nghiệm một số biện pháp khắc phục hiện tượng dừa treo tỉnh Bến Tre”.
“Một số kết quả mới nhất trong thực hiện công tác nghiên cứu, ứng dụng tại trung tâm này như sản xuất, trồng và cung cấp cây giống, cây ăn quả, cúc đồng tiền, hoa lan Dendrobium, nha đam Mỹ, cây chuối Nam Mỹ, chuối xiêm, chuối đỏ... Triển khai trồng rau an toàn bằng phương pháp thủy canh trụ đứng; trồng ổi, hoa kiểng trong nhà màng (lan ý cấy mô, hoa hồng, dạ yên thảo). Về công nghệ tưới tiêu, nổi bật là đã hoàn chỉnh lắp đặt 2 hệ thống tưới năng lượng mặt trời tại xã An Khánh (Châu Thành) và xã Phú Nhuận (TP. Bến Tre)…” - bà Võ Thị Thanh Hà cho hay.
Trong chăn nuôi cũng đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới như việc cải tạo đàn heo đực giống, xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ bể biogas, chế phẩm vi sinh; cải thiện chất lượng đàn bò thịt của huyện Ba Tri, tạo tiền đề xây dựng thương hiệu bò Ba Tri; nuôi heo, nuôi gà trên đệm lót sinh học.
Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, thời gian gần đây cũng có nhiều bước tiến vượt trội nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất. Theo ông Võ Hoài Chân, tỉnh đã áp dụng công nghệ sử dụng hóc-mon để sản xuất giống cá rô phi đơn tính, hay việc áp dụng kỹ thuật sản xuất giống tôm sú không cắt mắt, sản xuất tôm càng xanh toàn đực. Việc nuôi tôm trong nhà kín hay nuôi tôm theo công nghệ hai giai đoạn cũng mang lại hiệu quả đột phá về nâng cao năng suất lên gấp 5 - 7 lần so với cách nuôi truyền thống.
Hướng đến nền NN hiện đại
Giai đoạn 2015 - 2018, việc phát triển NN ứng dụng CNC đã đạt những thành quả quan trọng bước đầu. Hướng tới, tỉnh cần phải nỗ lực cao hơn nữa để vượt qua các khó khăn, thách thức, từng bước hình thành nền NN hiện đại, phát triển bền vững. Trước hết, sản xuất NN theo hướng CNC đòi hỏi vốn đầu tư lớn, lực lượng lao động phải có trình độ quản lý và tay nghề cao. Người dân cần mạnh mẽ thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất NN, đó là gắn với thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo sản lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, giá trị gia tăng.
Định hướng phát triển của tỉnh là từng bước xây dựng và hình thành nền NN ứng dụng CNC của tỉnh, trọng tâm là doanh nghiệp (DN) ứng dụng CNC và vùng sản xuất ứng dụng CNC. Theo đó, khâu sản xuất của các DN ứng dụng CNC trong Khu NN CNC chỉ mang tính trình diễn sáng tạo nên diện tích quy mô nhỏ. Sản xuất quy mô lớn sẽ được triển khai thực hiện ở mạng lưới nông hộ trong vùng ứng dụng CNC. Các nông hộ trong vùng ứng dụng CNC sẽ là vệ tinh sản xuất cho DN ứng dụng CNC.
Ông Võ Hoài Chân cho rằng, cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết là tập trung công tác tuyên truyền, tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực, kế đến là quy hoạch các khu sản xuất NN CNC, xây dựng và ban hành các quy định hỗ trợ đầu tư sản xuất NN ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh, áp dụng cho tất cả các đối tượng tham gia. Đồng thời, khuyến khích nông dân, tổ chức, cá nhân dồn điền, đổi thửa, cho thuê đất và tích tụ ruộng đất để phát triển NN ứng dụng CNC. Mặt khác, cần hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là DN trên địa bàn tỉnh đầu tư sản xuất NN ứng dụng CNC trong lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi ứng dụng vào thực tiễn sản xuất theo định hướng của tỉnh.
Bài, ảnh: Cẩm Trúc