Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh - nhân tố quyết định thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở cơ sở

26/05/2011 - 15:46
Đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành tại Đại hội đảng viên lần thứ XI của Đảng bộ xã Thành Triệu (Châu Thành). Ảnh: PY

Đảng bộ tỉnh Bến Tre hiện có 14 đảng bộ trực thuộc (9 đảng bộ huyện, thành phố, 5 đảng bộ tương đương), 640 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) (164 TCCSĐ xã, phường, thị trấn và 474 TCCSĐ các loại hình khác), 41.026 đảng viên (thời điểm cuối năm 2010).

Trong thời gian qua, Tỉnh ủy luôn xác định: việc tập trung xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh (TSVM), nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, là nhân tố quyết định thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.

TCCSĐ là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị ở cơ sở; là cầu nối giữa Đảng với  nhân dân; là nơi trực tiếp tổ chức thực hiện và đưa đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống; nơi tiếp nhận các ý kiến đóng góp, những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để giúp cho Đảng ngày càng hoàn thiện đường lối, chủ trương; là nơi phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực tiễn và cung cấp nguồn cán bộ cho cấp huyện, cấp tỉnh... Muốn xây dựng Đảng vững mạnh, trước hết phải củng cố, xây dựng TCCSĐ TSVM. Đó cũng là cơ sở quan trọng để lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương trong từng giai đoạn cách mạng. Đời sống các mặt của nhân dân có được nâng lên hay không, hệ thống chính trị cơ sở có thực sự TSVM hay không đều tùy thuộc vào chất lượng TCCSĐ. Bác Hồ chỉ rõ: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”.

Với nhận thức trên, trong nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác củng cố, xây dựng TCCSĐ TSVM và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 17 (Hội nghị Trung ương 5, khóa IX), Nghị quyết số 22 (Hội nghị Trung ương 6, khóa X); từ đó, chất lượng của hệ thống chính trị nói chung, TCCSĐ nói riêng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.

Nhìn trên bình diện chung, hoạt động của tổ chức cơ sở đảng có những chuyển biến khá rõ nét; số cơ sở trong sạch, vững mạnh từ 83,4% năm 2006 tăng lên 87,32% năm 2010, số cơ sở yếu kém năm 2006 chiếm 1,37%, đến năm 2010 không còn cơ sở yếu kém; số đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ từ 65,2% năm 2006 tăng lên 72,04% năm 2010; đảng viên vi phạm tư cách từ 1,6% năm 2006 giảm còn 0,6% năm 2010. Nhiều tổ chức cơ sở đảng TSVM tiếp tục phát huy kết quả đạt được, giữ vững chất lượng hoạt động, thể hiện được vai trò hạt nhân lãnh đạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; cấp ủy có sự đổi mới, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, kịp thời cụ thể hóa nghị quyết cấp trên thành các chương trình, kế hoạch phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao và lãnh đạo tổ chức thực hiện đạt hiệu quả, như: Đảng bộ Thạnh Phước (Bình Đại), Châu Bình (Giồng Trôm), Sơn Đông (Thành phố Bến Tre), Quới Điền (Thạnh Phú), Tân Thiềng (Chợ Lách),… Công tác kết nạp đảng viên mới được chú trọng, tăng về số lượng, nâng về chất lượng, trong nhiệm kỳ 2005-2010, toàn tỉnh kết nạp 12.173 đảng viên, vượt 52,16% so chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội VIII. Từ đó, đã góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của tỉnh nhà trong nhiệm kỳ qua.  

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng TCCSĐ thời gian qua cũng còn những mặt hạn chế cần quan tâm: sự chuyển biến và chất lượng hoạt động của các TCCSĐ chưa đồng đều; một số nơi, năng lực cụ thể hóa, tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị của cấp trên còn hạn chế; trong hoạt động chưa bám chắc quy chế làm việc, các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Chất lượng sinh hoạt chi bộ một số nơi chưa cao, nhất là tổ chức đảng ở loại hình doanh nghiệp, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Một số cấp ủy cơ sở do chưa chủ động làm tốt việc tạo nguồn, chưa gắn công tác kết nạp đảng viên với việc nâng cao chất lượng đảng viên; do vậy, có nơi thực hiện công tác phát triển đảng viên không đạt chỉ tiêu cấp trên giao, thiếu giải pháp cụ thể để tạo nguồn phát triển đảng viên là nông dân sản xuất giỏi, lao động trong doanh nghiệp... Một số cán bộ, đảng viên sa sút về phẩm chất đạo đức, lối sống, thậm chí vi phạm pháp luật, gây mất đoàn kết nội bộ... đã ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.  

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do cấp ủy một số nơi chưa thật sự coi trọng đúng mức vị trí then chốt của công tác xây dựng Đảng và vai trò nền tảng của TCCSĐ; chưa dành nhiều thời gian, công sức để tập trung chỉ đạo xây dựng, củng cố chi bộ, đảng bộ cơ sở; quán triệt chưa sâu sắc, nhận thức chưa đúng và thực hiện chưa đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của các loại hình TCCSĐ theo quy định. Một số cơ sở chưa phát huy tính năng động, sáng tạo để tự lực vươn lên mà còn trông chờ cấp trên; trong khi đó, việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ngành chuyên môn cấp trên cho cơ sở có lúc thiếu thường xuyên, không kịp thời. Chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ làm công tác Đảng ở xã, phường còn nhiều bất cập.

Để phát huy ưu điểm và khắc phục những hạn chế trong công tác xây dựng TCCSĐ, các cấp ủy cần quan tâm tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: 

1- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy phải quán triệt đầy đủ về yêu cầu, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xây dựng TCCSĐ TSVM, xác định đúng vị trí, vai trò mang tính nền tảng của công tác này trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và là trách nhiệm của cấp ủy các cấp và của cả hệ thống chính trị; tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của các loại hình TCCSĐ; phát huy vai trò hạt nhân, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ, chi bộ cơ sở. Trong hoạt động phải tuân thủ các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, xây dựng khối đoàn kết thống nhất… Đây là nhân tố đảm bảo cho TCCSĐ TSVM.

2- Quan tâm lãnh đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng gắn với công tác quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên ngay từ chi bộ. Đổi mới phương pháp nghiên cứu, học tập nghị quyết theo hướng sát hợp với từng đối tượng. Thường xuyên giáo dục cho cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần trách nhiệm, vai trò tiên phong, gương mẫu; thường xuyên rèn luyện đạo đức, lối sống gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Có kế hoạch thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ được phân công, việc rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; kịp thời biểu dương khen thưởng những cán bộ, đảng viên gương mẫu tiêu biểu, đồng thời có biện pháp cụ thể để phòng ngừa, giáo dục, giúp đỡ và xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, đảng viên sai phạm.

3- Đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt của cấp ủy, chi bộ theo Chỉ thị 10-CT/TW của Ban Bí thư và Hướng dẫn 05-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương. Sinh hoạt chi bộ phải bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu; nội dung sinh hoạt phải cụ thể, thiết thực. Chỉ đạo việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hàng năm bảo đảm nghiêm túc, đúng thực chất, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm tiêu chuẩn chủ yếu để đánh giá. Việc củng cố, nâng cao chất lượng TCCSĐ không thể tách rời với việc chỉ đạo thực hiện tốt công tác kết nạp đảng viên, quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, gắn liền với nhiệm vụ chính trị mà đảng viên đang đảm nhiệm, tăng cường giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên, không để một đảng viên nào đứng ngoài sự quản lý của tổ chức Đảng.   

4- Nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ chủ chốt có phẩm chất, năng lực, tận tụy phục vụ nhân dân. Việc củng cố, nâng cao vai trò của TCCSĐ phải tiến hành đồng thời với củng cố, kiện toàn các cấp ủy. Năng lực chỉ đạo toàn diện và nhạy bén của cấp ủy là nhân tố hết sức quan trọng giúp TCCSĐ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Thực hiện mạnh mẽ chủ trương trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa, thể chế hóa và từng bước nhất thể hóa một số chức danh cán bộ chủ chốt nhằm tạo bước chuyển có tính đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở; thực hiện việc từng bước chuyển cán bộ ở xã, thị trấn có đủ điều kiện, tiêu chuẩn thành công chức Nhà nước để tạo sự liên thông trong đội ngũ cán bộ, công chức ở các cấp, nhằm đào tạo, bố trí đội ngũ công chức ở cơ sở ổn định lâu dài và chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế thừa cho các nhiệm kỳ sau. Coi trọng bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, công tác vận động quần chúng cho đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở xã, phường, thị trấn theo chức danh cán bộ; chú ý bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ và kinh nghiệm giải quyết những tình huống cụ thể ở cơ sở. 

5- Chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận, gắn chặt với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị cơ sở, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức cơ sở với quan điểm: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát huy trách nhiệm đóng góp xây dựng Đảng, giám sát cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, giữ gìn phẩm chất đạo đức lối sống.

6- Tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và hỗ trợ của cấp ủy cấp trên đối với cơ sở. Cấp ủy cấp trên, nhất là cấp trên trực tiếp của TCCSĐ phải hướng trọng tâm chỉ đạo về cơ sở, đi sâu, đi sát, nắm chắc tình hình cơ sở; tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết ở cơ sở; phân công các cấp ủy viên trực tiếp phụ trách và kịp thời giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm những vấn đề phức tạp nảy sinh. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở phải ngắn gọn, rõ chủ trương, nhiệm vụ và trách nhiệm; nội dung phải cụ thể, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ kiểm tra và dễ thực hiện.

Với những kết quả đạt được và những kinh nghiệm quý báu rút ra từ thực tiễn trong công tác xây dựng TCCSĐ nhiệm kỳ qua, trong nhiệm kỳ 2010-2015, Tỉnh ủy sẽ tiếp tục có những giải pháp chỉ đạo cụ thể, thiết thực, nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và vai trò hạt nhân của TCCSĐ, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra, thúc đẩy kinh tế - xã hội Bến Tre phát triển nhanh, bền vững; từng bước rút ngắn khoảng cách với các tỉnh trong khu vực, đưa tỉnh nhà vững bước đi vào giai đoạn phát triển mới.

Bùi Bia

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN