Xu thế phát triển năng lượng tái tạo

27/09/2019 - 07:44

BDK - “Việc phát triển năng lượng theo kiểu truyền thống: nhiệt điện hay ngay cả thủy điện được đánh giá là làm trầm trọng thêm quá trình biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện nay. Do đó, phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) là xu thế tất yếu của các địa phương góp phần cải thiện môi trường sống xanh và sạch hơn”, PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung - Giám đốc Viện Nghiên cứu BĐKH, Đại học Cần Thơ nhận định.

Lắp đặt thiết bị điện năng lượng mặt trời. Ảnh: C.Trúc

Lắp đặt thiết bị điện năng lượng mặt trời. Ảnh: C.Trúc

Tận dụng tiềm năng

PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó giám đốc Viện Nghiên cứu BĐKH, Đại học Cần Thơ cho rằng: “Đồng bằng sông Cửu Long có trên 700km đường bờ biển và đặc quyền kinh tế biển rộng 36.000km2. Đây là điều kiện thuận lợi phát triển NLTT thuộc loại cao so với cả nước”. Đối với tỉnh, Bộ Công Thương đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, toàn tỉnh quy hoạch 3 khu vực tiềm năng phát triển dự án năng lượng điện gió (NLĐG) ở 3 huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú với diện tích trên 32ha gồm 11 dự án. Những năm gần đây, tỉnh quan tâm tập trung phát triển NLTT, đẩy mạnh thu hút đầu tư, triển khai dự án. Kết quả đã có những bước tiến nhỏ qua việc xây dựng hai dự án NLĐG tại Bình Đại và Thạnh Phú. Đối với NLĐG, trên địa bàn huyện Thạnh Phú có 7 vị trí được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư điện gió. Tổng vốn đầu tư trên 12 ngàn tỷ đồng với 185 trụ tua-bin có công suất 422,7MW.

Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Mai Văn Hùng cho biết, hiện tại, tất cả các vị trí đều có quyết định chủ trương đầu tư. Các nhà đầu tư đang tiến hành khảo sát đo gió lập phương án đầu tư. Có 3 dự án được cấp phép đấu nối dự án Điện gió NEXIF ENERGY Bến Tre, Dự án nhà máy Điện gió số 5 và Dự án nhà máy điện gió Thanh Phong, tại xã Thạnh Hải. Đặc biệt, Dự án nhà máy điện gió số 5 do Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu Bến Tre làm chủ đầu tư tại xã Thạnh Hải với công suất thiết kế 110MW, giai đoạn 1 là 30MW; tổng vốn đầu tư 5.500 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2020, dự án Nhà máy điện gió số 5 sẽ đi vào hoạt động. Hiện, dự án đang được triển khai công tác đường dây 110kV Thạnh Hải - Bình Thạnh, xây dựng nhà điều hành và thi công 7 trụ tua-bin gió ngoài khơi, tương đương 30MW. Huyện đang xin nâng cấp công suất lên 600MW, trong đó nâng giai đoạn 1 lên 110MW.

Tại Bình Đại, dự án điện gió Mê-kông (TTC) tại xã Thừa Đức đang xây dựng. “Địa phương đã hỗ trợ giải phóng mặt bằng đường dây trạm 110kV từ Thừa Đức - Thạnh Phước - Thị trấn - Bình Thới. Những hộ dân có đường dây đi qua đều đã đồng tình giá đền bù và giải phóng mặt bằng; triển khai trạm biến thế. Dự kiến năm 2020, dự án sẽ đi vào khởi động”,  ông Lê Văn Răng - Bí thư Huyện ủy Bình Đại cho biết.

Giải pháp phát triển

Tỉnh đang tập trung vào đầu tư điện mặt trời áp mái đối với các doanh nghiệp và hộ dân. Tỉnh đã có 210 khách hàng lắp đặt và sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời (NLMT) áp mái với tổng công suất 3.394,82kWp, đạt 188,6% so với kế hoạch Tổng công ty Điện lực miền Nam giao. Trong đó, khách hàng sinh hoạt là 163 khách hàng, khách hàng ngoài sinh hoạt là 47 khách hàng. Sản lượng thanh toán đến nay là 166.414kWh. Với giá mua điện mặt trời năm 2019 là 2.134 đồng/kWh. Từ năm 2020 và các năm tiếp theo giá mua điện tính theo sự chênh lệch tỷ giá từng năm cụ thể.

Đầu tư năng lượng mặt trời áp mái tại tỉnh. Ảnh: C. Trúc

Đầu tư năng lượng mặt trời áp mái tại tỉnh. Ảnh: C. Trúc

Theo nhận định của PGS.TS Lê Anh Tuấn, việc thúc đẩy phát triển NLTT còn gặp nhiều khó khăn. Trước hết, giá đầu tư còn cao so với khả năng đầu tư của người dân. Bên cạnh đó, người dân chưa đủ kỹ năng quản lý và vận hành hệ thống NLMT; chưa đủ thông tin về các chính sách điện mặt trời; thiếu các hỗ trợ về chính sách đầu tư điện mặt trời từ Chính phủ; thiếu các dịch vụ bảo trì, tư vấn, thay thế thiết bị điện mặt trời.

PGS.TS Lê Anh Tuấn đề xuất: “Để các địa phương phát triển NLTT một cách bền vững và hiệu quả, cần có chính sách ưu đãi giá đầu tư lắp pin mặt trời cho người dân và các thông tin về chính sách đầu tư phải rõ ràng. Đồng thời, Nhà nước phải miễn giảm thuế, khuyến khích đầu tư; tổ chức huấn luyện kỹ năng quản lý và vận hành hệ thống điện mặt trời; phát triển dịch vụ bảo trì, tư vấn thay thế thiết bị. Cần đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến kiến thức đến mọi người dân về tầm quan trọng, hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của việc phát triển và sử dụng NLTT trong quá trình phát triển bền vững. Từ đó, có những hành động thiết thực đóng góp cho việc phát triển và sử dụng nguồn năng lượng này”.

Công ty Điện lực Bến Tre cũng đã phối hợp với các sở, ngành tỉnh phổ biến chủ trương, quy định của Chính phủ, Bộ Công Thương về khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời, tư vấn lắp đặt sử dụng NLMT trên mái nhà tại địa bàn huyện, thành phố; triển khai chương trình tư vấn viên lắp đặt điện NLMT trên mái nhà cho các hội viên/chi hội, cán bộ, công nhân viên và dịch vụ bán lẻ điện năng trên địa bàn… Để hỗ trợ khách hàng, Công ty Điện lực Bến Tre đã chủ động triển khai kiểm tra thử nghiệm các yêu cầu kỹ thuật, lắp đặt điện kế 2 chiều, ghi chỉ số điện năng tiêu thụ và chỉ số điện mặt trời phát ngược lên lưới cho khách hàng.

Phát triển NLTT có 5 lợi ích lớn, đó là thân thiện với môi trường, góp phần ứng phó với BĐKH, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, ít tốn hại tài nguyên về hệ sinh thái và mang giá trị giáo dục cao. Phát triển NLTT giúp người dân tiết giảm chi phí gia đình qua sử dụng; tận dụng nguồn NLTT giảm ô nhiễm và tăng giá trị năng lượng; giảm thiểu tiêu thụ năng lượng bằng cách thay đổi hành vi làm phung phí điện năng trong gia đình.

(PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó giám đốc Viện Nghiên cứu BĐKH, Đại học Cần Thơ)

Cẩm Trúc - Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích