Là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ
của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý
chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung
ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND
các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được tổ chức cùng một ngày trên phạm vi cả nước, nhằm
ngày Chủ nhật, 22-5-2016. Cuộc bầu cử được tổ chức đảm bảo dân chủ, bình đẳng,
đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân; tạo điều
kiện thuận lợi nhất để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong
việc lựa chọn, giới thiệu, bầu người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho
nhân dân cả nước tại Quốc hội và HĐND các cấp.
Quyền bầu cử là quy định của pháp luật về khả
năng của công dân thực hiện quyền lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan
quyền lực nhà nước. Quyền bầu cử bao gồm việc đề cử, giới thiệu người ứng cử và
bỏ phiếu, tức là quyền chủ động trong lựa chọn của công dân.
Tổng số ĐBQH khóa XIV dự kiến được bầu trên cả
nước là 500 đại biểu; trong đó, ĐBQH ở Trung ương là 198 đại biểu (chiếm
39,6%), ĐBQH địa phương là 302 đại biểu (chiếm 60,4%). Tại Bến Tre, số ĐBQH dự
kiến được bầu là 7 đại biểu, trong đó có 4 đại biểu cư trú và làm việc tại địa
phương.
Tổng số đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 tại
tỉnh dự kiến được bầu như sau: đại biểu HĐND cấp tỉnh 55 đại biểu; đại biểu
HĐND cấp huyện 321 đại biểu.
So với Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 thì
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã có những quy định cụ thể hơn về
tổ chức của HĐND từng cấp. Cụ thể như:
- Thường trực của HĐND cấp tỉnh gồm chủ tịch
HĐND, 2 phó chủ tịch HĐND, các ủy viên là trưởng ban của HĐND và chánh văn
phòng của HĐND. Phó chủ tịch HĐND là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
HĐND cấp tỉnh thành lập ban pháp chế, ban
kinh tế - ngân sách, ban văn hóa - xã hội. Đối với các tỉnh có trên 20 ngàn người
dân tộc thiểu số sống tập trung thành cộng đồng làng, bản; trên 5 ngàn người
dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung hỗ trợ phát triển; có cộng đồng
người dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh - quốc phòng, địa
bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước
láng giềng thường xuyên qua lại thì được thành lập thêm ban dân tộc.
- Thường trực của HĐND cấp huyện gồm chủ tịch
HĐND, 2 phó chủ tịch HĐND và các ủy viên là trưởng ban của HĐND. Chủ tịch HĐND
có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
- Thường trực của HĐND cấp xã gồm chủ tịch
HĐND, 1 phó chủ tịch HĐND. Phó Chủ tịch HĐND là đại biểu HĐND hoạt động chuyên
trách.
HĐND cấp xã thành lập ban pháp chế, ban kinh
tế - xã hội. Ban của HĐND gồm có trưởng ban, 1 phó trưởng ban và các ủy viên. Số
lượng ủy viên các ban của HĐND do HĐND cấp xã quyết định. Trưởng ban, phó trưởng
ban và các ủy viên của HĐND hoạt động kiêm nhiệm.