
Ảnh tư liệu
Rực rỡ trong gian khó
Nguyên Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Châu đã kể lại: Vào khoảng đầu năm 1965, trong một lần tiếp xúc với nhà báo người Australia Wilfred Burchett (người đã 2 lần vào thăm chiến trường miền Nam và là phóng viên của các tờ báo lớn như Washington Post, Thời Báo, Người Bảo Vệ...), ông Châu đã giới thiệu một số tờ báo, bản tin của tỉnh Bến Tre được in trong vùng giải phóng, trong đó có Báo Chiến Thắng, ông Wilfred Burchett đã hỏi ông Châu rằng: “Khó khăn trong thời chiến như vậy làm sao các anh ra được báo, mà được in bằng máy in Typo, số lượng phát hành rất lớn?”.
Nhà biên kịch Nguyễn Hồ - một trong những người đầu tiên làm phóng viên Báo Chiến Thắng - đã kể lại kỷ niệm đối với tờ báo: “Từ giữa năm 1963, ấn phẩm của Báo Chiến Thắng in chữ chì rất sắc nét, kể cả những bức tranh khắc gỗ. Trong kháng chiến, có lúc in lên tới 5 ngàn tờ/kỳ và ở góc cuối trang chót ghi giá “ủng hộ” là 1 đồng. Đó là cách làm chuyên nghiệp dù trong điều kiện chiến trường gian khổ và ác liệt, tờ báo vẫn hướng đến độc giả theo quy luật cung cầu chứ không phải xin cho. Hồi đó báo chí cách mạng miền Nam chưa có tờ nào bán giá ủng hộ cả (ngoài tờ Chiến Thắng). Về việc in, ngay cả những tờ báo in trên rừng miền Đông cũng chưa có ấn phẩm nào in sắc nét như tờ Chiến Thắng”. Và cũng trong điều kiện thiếu thốn mọi thứ, phương tiện làm báo rất thô sơ nhưng phong cách làm báo thật năng động.
Nhà báo Nguyễn Hồ kể tiếp: “Năm 1964, để đưa tin thắng trận Phú Lễ kịp cho Đài Phát thanh Giải Phóng phát sóng buổi 5 giờ chiều, tôi phải chạy bộ đến Đài Minh Ngữ. Bản tin này đã phát sóng trước Đài BBC. Phóng viên Báo Chiến Thắng ngày trước ai cũng phải chạy bộ như thế để đưa tin sớm nhất. Cho nên, những người làm báo Bến Tre, Báo Đồng Khởi hãy biết tự hào về điều đó. Vì tiền thân của Báo Đồng Khởi ngày nay là Báo Chiến Thắng đã đi theo hướng chuyên nghiệp ngay từ đầu”.
Từ điểm khởi đầu rạng rỡ ấy, Báo Đồng Khởi đã đi qua những chặng đường gian khó được thử thách bằng cả sinh mạng của người viết báo. Cũng cần nhắc lại, tiền thân của Báo Chiến Thắng là tờ Hòa Bình Thống Nhất, được Tỉnh ủy Bến Tre cho ra đời nhằm hướng dẫn dư luận quần chúng trong đấu tranh chính trị. Mặt khác, hoạt động của tờ báo cũng phục vụ cho công tác tư tưởng, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị cho đảng viên, cán bộ. Tuy là tờ báo khổ nhỏ, in roneo nhưng tầm hoạt động vượt ngoài phạm vi địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Châu cho biết: Lúc này ông được phân công phụ trách Báo Hòa Bình Thống Nhất, ông đã liên hệ trực tiếp với các ký giả của các tờ báo tiến bộ ở Sài Gòn để cung cấp bài vở tuyên truyền về cuộc đấu tranh của nhân dân Bến Tre. Nhờ vậy mà các cuộc cướp đất, bắt bớ người vô cớ, ức hiếp dân chúng của ngụy quyền đã được tố giác công khai trên Báo Buổi Sáng, Sài Gòn Mới, Tiếng Chuông... Giai đoạn 1957 - 1958 là thời điểm hoạt động sôi nổi của Báo Hòa Bình Thống Nhất, trước khi đổi tên thành Báo Chiến Thắng. Rõ ràng, tầm nhìn của người Tổng biên tập sẽ quyết định rất lớn đến chất lượng cũng như quy mô hoạt động, thanh thế của một tờ báo. Và cứ như thế, mỗi lần Báo Chiến Thắng đổi tên là một lần thay tấm áo chật để trưởng thành, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới, trong tình hình mới.
Đổi mới để vươn lên
Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Báo Chiến Thắng đổi tên thành Báo Đồng Khởi (11-11-1976 - 11-11-2021) là dịp để nhìn lại một chặng đường cống hiến đã qua và cũng để nhắc nhở Báo Đồng Khởi đang đối diện với một thách thức mới: công nghệ hiện đại 4.0 đã tạo ra rất nhiều cơ hội cho nghề báo, như: hỗ trợ cho các nhà báo trong các công đoạn khai thác thông tin để truyền tải nhanh nhất đến công chúng, kỹ thuật in ấn, đăng tải... Tuy nhiên, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhận định: Ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất là chúng ta phải nhận thức được thách thức trong thời đại truyền thông kỹ thuật số đối với báo chí để chuẩn bị một tâm thế cần thiết, để thấy được nhu cầu phải đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng của các ấn phẩm, các sản phẩm báo chí là không thể khác, chỉ có như thế mới có thể tồn tại được. Thứ hai là phải đào tạo và đào tạo lại các nhà báo để tác nghiệp trong môi trường số hiện nay. Thứ ba là các cơ quan báo chí không thể nào hoạt động chỉ với những phương tiện như trước đây, mà cần phải đổi mới về công nghệ, thiết bị, cơ sở vật chất theo hướng ngày càng hiện đại và chuyên nghiệp hơn.
Tuy nhiên, công nghệ hiện đại không thể thay thế tư duy của người viết báo - đó là tài năng và phẩm chất. Cho dù công nghệ hiện đại tới đâu mà thiếu tâm và tài thì không thể có một bài báo hay đúng nghĩa được. Cho nên đạo đức và tài năng phải là yếu tố bất biến để giúp người làm báo tác nghiệp vững tâm thế trong thời đại choáng ngộp thông tin và những cám dỗ về vật chất.
Theo ông Nguyễn Văn Châu, ông Huỳnh Năm Thông - nguyên Tổng biên tập Báo Đồng Khởi, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, sau khi dự Đại hội lần thứ VII Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2000 - 2004 trở về, ông đã tặng tôi bài phát biểu của ông tại đại hội. Ông cho biết: Bài phát biểu được đại hội chú ý và nhiều tờ báo đã trích đăng, bởi do chính nội dung có tính dự báo của nó đã đặt ra những vấn đề bức xúc của nghề báo trong thế kỷ XXI. đó là diện mạo báo chí thời hiện đại, vấn đề kinh doanh cái mới. Tham luận đã nêu lên trách nhiệm của báo chí cách mạng thời hiện đại: “Thời hiện đại cuốn hút vào đổi mới, báo chí là toa tàu tốc hành chuyển tải cái mới đến toàn xã hội, nếu không tự đổi mới sẽ bị đào thải ngay lập tức (...). Khi mà cái mới thường trực bao vây cộng đồng theo một chủ đích nhất định, thì báo chí cách mạng không thể khoanh tay đứng nhìn, mà phải thật sự nhập cuộc trong việc kinh doanh cái mới”. Nhưng “kinh doanh cái mới” như thế nào cho đúng - đó mới là bản lĩnh của người làm báo. Ông nhấn mạnh: “Báo chí cách mạng phải tỏ rõ bản lĩnh sắc sảo và sáng tạo trong chọn lọc và xử lý cái mới có hiệu quả để định hướng dư luận xã hội phát triển lành mạnh và tiến bộ”.
Nhà báo Huỳnh Năm Thông là vị Tổng biên tập gắn bó lâu dài nhất với Báo Đồng Khởi. Hơn thế nữa, ông còn là nhà báo kỳ cựu của Bến Tre. Suốt đời ông hầu như chỉ để làm nghề báo. Những vị Tổng biên tập nối tiếp ông đều dần dần được trẻ hóa, năng động hơn và ấp ủ nhiều hoài bão lớn trong hình thành một tờ báo hiện đại, đa phương tiện, không chỉ đơn thuần là tờ báo in như mấy mươi năm trước. Thực tế, tấm áo cũ của Báo Đồng Khởi đang dần được nới rộng theo sức mạnh của phương tiện truyền thông hiện đại và càng được trẻ hóa về hình thức lẫn nội dung.
Năm nay (2021), Báo Đồng Khởi được 45 tuổi. Có người nói: Mười năm làm báo chỉ là ở ngưỡng cửa của nghề báo. Như vậy, hẳn nhiên Báo Đồng Khởi đã khẳng định bề dày chuyên nghiệp về viết lách của mình. Ngày nay, chỉ cần một cái click là tin tức của Báo Đồng Khởi đi khắp thế giới. Vậy đó, uy thế của công nghệ thông tin mạnh như vũ bão, thanh thế của tờ báo vang xa, lợi thế của tờ báo trong tầm tay! Vấn đề còn lại là tư duy của người làm báo trong thời đại bùng nổ thông tin - “kinh doanh cái mới” như thế nào?.
Kim Liên