
Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giá thể cây trồng, tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thắng Lợi, huyện Chợ Lách.
Ứng dụng công nghệ sinh học
Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với các trường đại học, các viện nghiên cứu và các công ty, doanh nghiệp (DN) triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, với phương châm hướng đến nền nông nghiệp bền vững, an toàn với nhiều sản phẩm chất lượng cao.
Trước tình hình sâu đầu đen hại dừa, Sở KH&CN đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các chuyên gia khoa học thực hiện giải pháp CNSH là nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh, nhằm bảo vệ vùng sản xuất dừa hữu cơ, bảo đảm sản phẩm từ dừa đạt chất lượng về an toàn thực phẩm.
Nghị quyết Ðại hội XI Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ cao đạt 4 ngàn héc-ta đến năm 2025. Sở KH&CN đã phối hợp với các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng CNSH, góp phần đảm bảo an toàn sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái cho vùng nuôi. Sử dụng CNSH phân tử PCR để xác định bệnh tôm trong sản xuất tôm giống và chọn giống tôm sạch bệnh. Ứng dụng công nghệ lên men vi sinh để sản xuất các chế phẩm vi sinh trong xử lý chất thải môi trường ao nuôi tôm.
Trong lĩnh vực công nghiệp, một số sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu địa phương đã đầu tư vào các hoạt động tiếp nhận và chuyển giao CNSH như: ứng dụng công nghệ Enzyme, vi sinh vật để sản xuất thạch dừa, tạo ra mặt nạ dưỡng da từ dừa, ống hút từ dừa, giấy thấm dầu bằng dừa; chiết xuất tinh dầu dừa, bưởi... để sản xuất các mỹ phẩm.
Trong lĩnh vực y dược, ứng dụng công nghệ gen phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh: Kỹ thuật PCR, Real-time trong chẩn đoán sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, theo dõi và điều trị các bệnh viêm gan B và C, phát hiện vi khuẩn lao... Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, càng thấy rõ vai trò quan trọng của CNSH. Nhờ CNSH mà các bộ kit test nhanh, với độ chính xác cao ra đời, giúp kiểm soát tình trạng lây lan của dịch bệnh.
Người dân và DN nhận thức về CNSH cũng ngày càng được nâng cao. Thông tin từ Sở KH&CN, đến nay, toàn tỉnh có 5/9 DN KH&CN đã ứng dụng CNSH trong sản xuất, kinh doanh như: Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long, Công ty TNHH SX TM Sản phẩm sạch Thiên Phúc, Công ty cổ phần Tập đoàn Dược mỹ phẩm Sa Sâm Việt, Công ty cổ phần VINAHERB, Trung tâm KH&CN, Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh.
Phục vụ sự phát triển bền vững

Ứng dụng công nghệ sinh học nghiên cứu sản xuất các sản phẩm từ nước dừa tại Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long, TP. Bến Tre.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị “Về phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới”, tập trung phát triển, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia có nền CNSH phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về CNSH, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Xây dựng ngành CNSH thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước.
Việc phát triển và ứng dụng CNSH phải khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng và địa phương; lợi thế của quốc gia đi sau. Tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực trọng điểm, cơ bản, nhất là tận dụng ưu thế về đa dạng sinh học nước ta. Phát triển CNSH thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng là giải pháp ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội. DN là chủ thể và có cơ chế, chính sách vượt trội tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân đầu tư phát triển CNSH.
Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cũng đã ký ban hành Kế hoạch phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh. Tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển ngành CNSH trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ phát triển các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Phấn đấu đưa Bến Tre trở thành tỉnh có nền CNSH phát triển trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Phấn đấu xây dựng Bến Tre trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất cây giống, hoa kiểng chất lượng cao thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
PGS.TS Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở KH&CN cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ ứng dụng CNSH trong chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản phục vụ tốt nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản của tỉnh. Ứng dụng các kỹ thuật CNSH hiện đại, các bộ kit chẩn đoán nhanh... trong chẩn đoán và phát hiện nhanh các bệnh dịch nguy hiểm trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực của tỉnh. Ứng dụng CNSH tiên tiến trong sản xuất và canh tác các giống cây trồng, nấm, vật nuôi và các giống thủy sản sạch bệnh, có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao. Áp dụng rộng rãi các quy trình sản xuất an toàn sinh học.
Tỉnh sẽ tăng cường ứng dụng CNSH trong bảo tồn đa dạng sinh học tại Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh, Trung tâm Dừa Ðồng Gò. Ðồng thời, nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả CNSH trong công tác sưu tầm, lưu giữ, khai thác và phát triển các nguồn gen cây trồng, vật nuôi quý hiếm trên địa bàn tỉnh. Xác lập các giống cây trồng, vật nuôi đặc sản, các loại dược liệu bản địa có giá trị cao, xây dựng mô hình nuôi trồng thực nghiệm để làm cơ sở cho việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo hộ giống, xây dựng thương hiệu, đánh giá đa dạng di truyền của hệ cây trồng, vật nuôi, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh…
“Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai Dự án đầu tư tăng cường tiềm lực trang thiết bị cho phòng thí nghiệm CNSH thuộc Trung tâm KH&CN, Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh để làm đơn vị đầu mối tiếp nhận và chuyển giao CNSH tại tỉnh. Hoàn thiện Ðề án thành lập Khu ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở Trung tâm Dừa Ðồng Gò. Trong đó, có thực hiện nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNSH, đào tạo nhân lực, ươm tạo DN ứng dụng CNSH...”.
(Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Văn Tân)
|
Bài, ảnh: Cẩm Trúc