Xung quanh việc học trực tuyến, bài 2

Tháo gỡ khó khăn trong ứng dụng công nghệ số

13/10/2021 - 06:04

BDK - Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) La Thị Thúy, trong giai đoạn dịch bệnh còn diễn biến khó lường và có thể kéo dài, ngành GD&ĐT xác định dạy học trực tuyến là phương án tình thế phù hợp nhất. Quan điểm chung của ngành là “dừng đến trường nhưng không dừng việc học”. Toàn ngành đang nỗ lực tạo điều kiện học tập công bằng đối với tất cả học sinh (HS), nhất là các HS thuộc diện gia đình nghèo, cận nghèo, khó khăn. Ngoài thiếu thiết bị, những trục trặc về kỹ thuật trong kết nối đường truyền và ứng dụng công nghệ số cũng dần được tháo gỡ.

Học sinh học trực tuyến trên điện thoại di động. Ảnh: Phan Hân

Học sinh học trực tuyến trên điện thoại di động. Ảnh: Phan Hân

Kết nối chưa đồng bộ

Theo nhận định của Sở GD&ĐT, qua 4 tuần học trực tuyến, các HS cơ bản đã bắt nhịp với điều kiện học tập trong tình hình dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc dạy học trực tuyến chưa đồng bộ giữa các địa bàn, các trường và các em HS.

Ghi nhận tại nhiều địa bàn, vấn đề kết nối mạng, kỹ thuật còn hạn chế. Tại xã Phú Khánh (Thạnh Phú), đa số phụ huynh đăng ký 3G và 4G trên điện thoại nhưng không đủ dung lượng dữ liệu để con em học tập. Phần lớn HS có điều kiện học tập trực truyến tham gia đầy đủ tiết học đầu tiên nhưng sang tiết 2, một số HS bị “out”, không kết nối tiếp tục. Khi giáo viên (GV) giảng bài, phụ huynh và HS phản ánh kết nối chập chờn, lúc nghe được lúc không.

Tại Mỏ Cày Nam, tùy vào địa bàn cư trú của HS và GV có nơi gần, có nơi xa nên đường truyền không ổn định. Chỉ số HS tham gia từng buổi học không đảm bảo 100%. Nhiều trường hợp HS học nửa buổi thì mất kết nối. Nắm thông tin thì biết điện thoại các em không còn dung lượng hoặc hết pin, không kết nối được với đường link của nhóm lớp.

Việc khó kiểm soát HS lên lớp cũng làm nhiều thầy cô giáo băn khoăn. Theo thầy Đinh Trọng Nghĩa - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THCS Thành Thới A (Mỏ Cày Nam), tình hình dịch bệnh xảy ra, GV bắt đầu chuyển qua dạy trực tuyến, chưa được tập huấn hay học tập dạy trực tuyến một cách đầy đủ. Phần lớn GV của trường tự nghiên cứu, tự học hỏi lẫn nhau. Do đó, tùy theo GV và khả năng ứng dụng của mỗi người nên việc dạy học trực tuyến sẽ không đồng đều về chất lượng. “Khi dạy trực tiếp, qua biểu hiện nét mặt có thể đánh giá khả năng tiếp thu của HS để có thể phân tích, giảng sâu thêm nội dung bổ sung cho các em. Còn dạy trực tuyến, bản thân mình không biết HS đang học hay làm một công việc khác, chỉ khi nào GV gọi tên tương tác thì HS mới bật micro và camera lên thì mới biết em có tham gia. Trong quá trình tương tác HS khác, thì HS còn lại làm gì mình không biết được nên không thể kiểm soát bao quát HS”, thầy Đinh Trọng Nghĩa cho hay.

Theo thầy Lê Thanh Tân - Tổ phó Tổ Toán Tin - Mỹ thuật, Nhạc, Trường THCS Thành Thới A, nội dung học trực tuyến được rút ngắn hơn. Ví dụ như 2 tiết 90 phút thì chỉ còn 35 phút. Điều này yêu cầu sự tự học của các em rất lớn. Đặc biệt khó khăn với HS đầu cấp, GV khó đánh giá được năng lực của từng em để có cách truyền đạt thích hợp.

Theo danh sách đầu năm, Trường THCS Thành Thới A có 524 HS nhưng trường mới kết nối được 516 HS. Qua quá trình dạy học trực tuyến, gần 90% HS tham gia kể cả HS không có phương tiện phải học chung với bạn nhưng số HS tham gia các tiết không đảm bảo, có tiết các em không kết nối được, có tiết các em vắng.

Về phần HS chủ yếu học trên điện thoại của phụ huynh qua 3G rất tốn kém. Một số HS không theo dõi bài xuyên suốt. Các em HS học lực khá giỏi có thể tiếp thu nhưng các em trung bình, yếu thì sẽ khó đạt yêu cầu.

Nỗ lực dạy học trực tuyến

Hiệu trưởng Trường THCS Phú Khánh (Thạnh Phú) Trịnh Thị Thùy Trang cho biết: Bước đầu học trực tuyến, trường gặp khó khăn nhất định. Tuy nhiên, trường quyết tâm thực hiện dạy học trực tuyến cho tất cả HS, kể cả HS không có thiết bị. Để tạo điều kiện dạy và học cho GV và HS, trường mở phòng máy vi tính và ti vi của trường để HS lân cận trụ sở trường tham gia học tại trường; trang bị 3 laptop và mỗi phòng học có gắn camera, micro cho GV dạy.

Đối với HS học trực tuyến, mỗi lớp có thành lập các kênh Zalo để trao đổi, chia sẻ thông tin việc học. Trong quá trình dạy học, GV giao nhiệm vụ làm bài tập cho HS. Sau khi các em làm bài tập về nhà sẽ nộp bài cho GV bằng cách chụp ảnh gửi lên Zalo. Những HS không có thiết bị, ở xa không thể học cùng các bạn, nhà trường có thành lập tổ giúp việc gồm GV chủ nhiệm, tổ phụ trách đội. Tổ này sẽ giao bài tập, tài liệu tận nhà cho các em. Cuối tuần, tổ này sẽ đi thu bài của các em rồi chuyển giao bài tập cho GV bộ môn đánh giá.

Tổ chức Đoàn thanh niên địa phương cũng tích cực hỗ trợ về công nghệ học tập cho HS. Cụ thể như đội hình “IT áo xanh” của Đoàn Phường 5, TP. Bến Tre đã chủ động đến nhà, giúp phụ huynh và HS cài đặt các phần mềm học trực tuyến. Qua đó, giúp đỡ cho các em HS và phụ huynh hiểu đúng, hiểu rõ và nắm bắt được những nội dung và cách thức học trực tuyến, đã hỗ trợ cho hơn 150 em HS và phụ huynh trên địa bàn phường cách thức vào các bộ sách giáo khoa trực tuyến miễn phí theo hướng dẫn.

Anh Hoàng Phúc Đạt - Bí thư Đoàn Phường 5 (TP. Bến Tre) cho biết: Qua hỗ trợ, chúng tôi nhận thấy cái khó của phụ huynh và HS phần lớn là sự bị động trong triển khai các nhóm lớp học, các phần mềm chưa thống nhất, các thiết bị công nghệ kết nối mạng chưa đáp ứng đủ điều kiện để tải và triển khai học trực tuyến, tâm lý dè chừng của phụ huynh với kết quả việc học trực tuyến so với học tập trung, tâm lý mới, nhút nhát của các bạn HS, đặc biệt là HS lớp 1 và HS đầu cấp.

“Mặc dù việc dạy học trực tuyến còn nhiều khó khăn nhưng ngành GD&ĐT cố gắng khắc phục, giúp HS tiếp cận được kiến thức để đảm bảo kiến thức và chương trình. Ngành đã kết hợp các ban, ngành tỉnh tiếp tục vận động hỗ trợ HS học tập tại nhà. Về mặt tích cực, học trực tuyến là cơ hội để người GV tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ trong quá trình chuyển đổi số của ngành”.

(Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo La Thị Thúy)

Phan Hân - Thanh Đồng - Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích