
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Khu hồi sức nhiễm F0 Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.
Đắn đo trong chỉ định
BV được giao nhiệm vụ điều trị F0 nặng, nguy kịch và vừa hỗ trợ chuyên môn với các BV dã chiến, vừa tổ chức khám chữa bệnh thông thường. Những ngày đầu điều trị bệnh Covid-19 (giữa tháng 7-2021), là quãng thời gian đội ngũ y sĩ, bác sĩ khu hồi sức nhiễm F0 phải cân não để giữ lấy sự sống của bệnh nhân trên lằn ranh sinh tử.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Liên - Đội điều trị số 5 tại Khu hồi sức nhiễm F0 cho biết: Giai đoạn đầu, khi BV chưa trang bị máy HFNC (máy thở có lưu lượng oxy cao - PV), bệnh nhân chỉ thở qua oxy-mat. Bệnh diễn tiến rất nhanh, suy hô hấp, bản thân mình lúc đó rất áp lực, muốn làm gì nhiều hơn cho bệnh nhân. Nếu chỉ định đặt nội khí quản thì quá tay, cả đội rất đắn đo, mọi quyết định đều để trên bàn cân an toàn của bệnh nhân. Thật sự rất căng thẳng”.
Không riêng bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Liên mà đối với các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm chuyên khoa hồi sức tích cực đều cân não khi bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nặng. Bác sĩ Lê Mộng Toàn có hơn 20 năm kinh nghiệm chuyên khoa hồi sức tích cực chia sẻ: “Phác đồ điều trị Covid-19 xa lạ, hoàn toàn mới. Các anh em luôn nhắc mình cẩn trọng. Bệnh diễn tiến rất nhanh, phải theo dõi rất sát sao, chỉ định đi thuốc và xử lý bệnh đều thông qua hội đồng chuyên môn, với mục tiêu hạn chế thấp nhất ca tử vong”.
Là thành viên Hội đồng chuyên môn của BV, bác sĩ Lê Mộng Toàn liên tục cập nhật, nghiên cứu các phác đồ điều trị. Đồng thời, nắm thông tin thực tế của bệnh nhân đang điều trị để điều chỉnh, gỡ các nút thắt cũng như có phương án xử lý tốt nhất cho từng bệnh nhân. “Điều trị bệnh Covid-19, nếu quản lý tốt bệnh nhân tầng 1, tầng 2 thì hạn chế bệnh nhân nặng ở tầng 3. Bản thân tôi và các anh em trong hội đồng cố gắng hết sức, làm sao để chặn từ xa, giảm bệnh chuyển lên tầng 3. Chăm sóc, điều trị bệnh ở tầng 3 rất áp lực và căng thẳng”, bác sĩ Lê Mộng Toàn cho biết.
“Ánh sáng cuối đường”
Khoảng đầu tháng 8-2021, khi BV tiếp nhận 4 máy HFNC đầu tiên, các y sĩ, bác sĩ vỡ òa niềm vui. Bởi đây là thiết bị hiện đại giúp bệnh nhân Covid-19 cải thiện nhanh tình trạng suy hô hấp. Sau khi nhận máy, BV tiến hành triển khai nhanh trên các bệnh nhân có chỉ định và đã mang lại hiệu quả cao trong điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Liên kể: “Trong lần đó, có bệnh nhân phổi rất xấu, khi được thở HFNC, bệnh nhân bắt đầu dễ chịu hơn, chụp X-quang phổi có cải thiện. Bên cạnh triển khai máy HFNC, BV còn tuân thủ các phác đồ của Bộ Y tế, đi thuốc kháng đông, kháng viêm và hỗ trợ kháng sinh chỉ định. Sau đợt điều trị 2 tuần, có 4 bệnh nhân nặng đáng ra phải đặt nội khí quản nhưng đã khỏe và xuất viện”.
Mặc dù vẫn còn hạn chế về trang thiết bị hỗ trợ điều trị nhưng bằng sự quyết tâm, hết lòng vì người bệnh, các y sĩ, bác sĩ luôn nỗ lực để tìm phương án tốt nhất cho bệnh nhân. Những khó khăn của đội ngũ y sĩ, bác sĩ khu hồi sức nhiễm F0 được đền đáp bằng kết quả âm tính của bệnh nhân.
Ngày 10-9-2021, sau hơn 30 ngày được điều trị tích cực, bệnh nhân Nguyễn Thị Lự (ấp Tân An, xã Tân Thủy, huyện Ba Tri) đã âm tính SARS-CoV-2, hồi phục sức khỏe trở về gia đình trong niềm vui khôn siết. Trải qua cơn “thập tử nhất sinh”, bà Nguyễn Thị Lự nghẹn ngào nói: “Tôi được tái sinh, tất cả nhờ vào sự chăm sóc, cứu chữa tận tình của các y sĩ, bác sĩ”.
Khi hỏi về chuỗi dài trong phòng điều trị đặc biệt, bà Nguyễn Thị Lự nói tiếp: “Biết bệnh Covid-19 nguy hiểm chứ không hình dung đến mức khủng khiếp như vậy. Lần bệnh chuyển nặng, tôi ho dữ dội, ói, khó thở đến kiệt sức, trong đầu nghĩ là đã chết. Lúc này, người nhà không bên cạnh, mọi sinh hoạt cá nhân đều do cán bộ y tế chăm lo. Các cô y tá không nề hà vất vả, chăm sóc tôi như người thân, 22 giờ khuya còn đến hỏi thăm có đói không và đút từng muỗng cháo. Tôi rất xúc động và sẽ không bao giờ quên ơn của các y sĩ, bác sĩ”.
BS.CK II Đặng Như Quang - Phó trưởng khoa Gây mê hồi sức BV Trung ương Huế - thành viên nhóm điều trị thuộc Tổ Công tác của Bộ Y tế cho biết: BV triển khai các thiết bị hiện đại kèm chiến thuật “đánh chặn từ xa”, can thiệp giai đoạn sớm. Nhờ đó, bệnh nặng ngày càng giảm, bệnh ra viện ngày càng tăng (đạt trên 75% số bệnh nhân điều trị).
Vì sức khỏe người bệnh
Do bệnh lây nhiễm, bệnh nhân Covid-19 vào viện đều không có người thân. Tâm trạng của họ rất lo lắng nên các y sĩ, bác sĩ vừa điều trị chăm sóc, vừa chủ động tư vấn, trấn an để bệnh nhân ổn định tâm lý, hợp tác điều trị. Bác sĩ trực phối hợp với Khoa Dinh dưỡng của BV hỗ trợ nhu cầu ăn uống, vật dụng cần thiết thì gửi từ khâu hậu cần để chuyển vào.
Công việc điều dưỡng ở khu hồi sức nhiễm F0 cũng vất vả gấp bội do phải chăm sóc toàn diện. Từ việc thực hiện y lệnh của bác sĩ cho đến hướng dẫn bệnh nhân dùng thuốc, tập thở, cho bệnh nhân ăn uống, vệ sinh, hút dịch… Đối với bệnh nhân Covid-19 nặng, mỗi sáng phải đánh răng cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân vệ sinh, thay băng, thay quần áo, hỗ trợ ăn uống. Chia sẻ công việc của mình, điều dưỡng Lê Thị Trúc Linh cho biết: “Bệnh nhân chống chịu bệnh tật đã rất vất vả, chị chỉ muốn giúp họ mau cải thiệt tình trạng, ổn định sức khỏe. Có khó khăn hay vất vả hơn chị và lực lượng cố gắng chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân”.
Cuối tháng 8-2021, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, BV ngưng hoạt động khoa yêu cầu để tập trung nhân lực điều trị Covid-19. Là điều dưỡng Khoa Điều trị yêu cầu, chị Lê Thị Trúc Linh bỏ qua bộn bề công việc riêng tư, thu xếp tham gia cách ly, điều trị F0 nặng. Chị có 2 con (đứa 7 tuổi, đứa 9 tuổi). Nhắc đến các con, chị Trúc Linh xúc động nói: “Chuẩn bị vào năm học mới, tôi chưa mua sắm gì cho con. Giờ đây chỉ mong mỗi người cố gắng cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh, bệnh nhân mau khỏe để chị và các y sĩ, bác sĩ được đoàn viên bên gia đình”.
Làm việc với cường độ cao, điều kiện nóng bức với trang phục bảo hộ, sau ca trực, cán bộ, nhân viên y tế mệt nhoài. Tuy nhiên, đội ngũ y sĩ, bác sĩ tham gia điều trị F0 không ngại khó, ngại khổ, chăm sóc người bệnh với cái tâm người thầy thuốc. Vất vả, nguy cơ lây nhiễm luôn rình rập, song các “chiến sĩ áo trắng” không chùn bước. Niềm vui để họ vượt qua khó khăn là các chỉ số sinh hiệu của bệnh nhân được về mức an toàn. Chia sẻ sau những ca trực, điều dưỡng Nguyễn Thanh Dư trải lòng: “… Mặc dù vậy, chúng tôi trên chiến trận/ Vẫn một lòng quyết phân định thắng thua/Cùng chiến đấu với kẻ thù Covid/ Dù thế nào chẳng gục ngã được đâu”.
“Để hạn chế tử vong, bệnh viện đã tăng cường thu dung đối với bệnh trở nặng sớm bằng cách thành lập nhóm hội chẩn từ xa. Bệnh viện cử cán bộ y tế trực tiếp đến bệnh viện dã chiến và duy trì hội chuẩn trực tuyến với bệnh viện tuyến huyện. Thông qua nhóm Zalo, các y sĩ, bác sĩ tổ chức hội chẩn các ca bệnh tầng 2 bệnh viện dã chiến. Nhờ đó, các bệnh có dấu hiệu chuyển mức độ được đưa sớm đến bệnh viện, kịp thời xử lý, nâng cao kết quả điều trị. Ban Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu luôn quán triệt và nhắc nhở cán bộ y tế tinh thần phục vụ, bảo vệ chăm sóc bệnh nhân, quan tâm dinh dưỡng, vật lý trị liệu; chăm sóc người bệnh chu đáo, tận tình quan tâm đến bữa ăn, ly nước”.
(Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu Trình Minh Hiệp)
|
Bài, ảnh: Phan Hân