Công tác điều trị bệnh Covid-19, bài 1

2 giờ ở khu hồi sức bệnh nhân F0

15/09/2021 - 06:15

BDK - Thực hiện nhiệm vụ thu dung, điều trị và theo dõi bệnh nhân nhiễm Covid-19 tầng cuối của tỉnh, hơn 60 ngày qua, cán bộ y tế tại khu hồi sức nhiễm F0, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (BV) đã nỗ lực, vượt qua những khó khăn, áp lực với một quyết tâm hạn chế bệnh chuyển nặng và tử vong.

Cán bộ y tế chăm sóc bệnh nhân tại khu hồi sức bệnh nhân F0 Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.

Cán bộ y tế chăm sóc bệnh nhân tại khu hồi sức bệnh nhân F0 Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. 

Thầm lặng cống hiến

Nhiều lần liên hệ BV để thực hiện bài viết về tuyến đầu như sự tri ân các “chiến sĩ áo trắng” nhưng nhận lời từ chối với lý do “người thầy thuốc chưa cần nói về mình”. Trong lúc dịch diễn biến phức tạp, người thầy thuốc ý thức rõ trách nhiệm mà xã hội phân công, hết mình cống hiến với sự âm thầm, lặng lẽ thường nhật. Sau nhiều lần thuyết phục, những ngày đầu tháng 9-2021, nhận được cái “gật đầu” từ Ban lãnh đạo BV, chúng tôi vào đây tác nghiệp.

Theo chân cán bộ dẫn đường, chạm ngõ khu hồi sức nhiễm F0 lúc 12 giờ kém. Thời điểm này, bên ngoài khu cách ly điều trị, mọi người có thể đang trở về nhà sau những giờ lao động hay đang tranh thủ nghỉ ngơi tại nơi làm việc. Nhưng các y sĩ, bác sĩ khu hồi sức nhiễm F0 đang trong vòng xoáy công việc. Phía sau tấm kính trong veo, phân ranh “vùng sạch”, trong trang phục bảo hộ cấp 4 dày cộm, kín mít, 3 cán bộ y tế liên tục kiểm tra các thiết bị, lần lượt thăm hỏi bệnh nhân. Đây là phòng bệnh nhân Covid-19.

Sau vài thủ tục, chúng tôi tiếp cận được với đội điều trị số 5 vừa nhận nhiệm vụ tại đây. Qua trao đổi, được biết mỗi kíp trực phải huy động y sĩ, bác sĩ từ tất cả các khoa trong BV. Trong số các y sĩ, bác sĩ có người đã có kinh nghiệm làm việc trong môi trường cách ly từ những đợt điều trị trước đó và không ít người chỉ là trải nghiệm lần đầu. Mỗi người có khác nhau thời điểm tham gia điều trị F0 nhưng họ đều có chung sự nhiệt thành, xông pha, sẵn sàng làm việc trong môi trường nguy hiểm của dịch bệnh truyền nhiễm.

“Bản thân tôi ý thức khi vào phòng bệnh là trách nhiệm và bổn phận để bảo vệ sức khỏe của người bệnh. Tôi đã chuẩn bị tâm lý làm việc trong môi trường nguy hiểm, cố gắng vận dụng hết kiến thức về bảo hộ, phòng hộ làm sao an toàn nhất để bảo vệ bản thân và có sức khỏe chăm sóc người bệnh”, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Liên cho biết.

Trang phục bảo hộ vừa là áo giáp giúp các y sĩ, bác sĩ ngăn chặn sự tấn công SARS-CoV-2 nhưng vừa gây không ít khó khăn trong việc vệ sinh cá nhân và các thao tác chuyên môn. Bác sĩ Lê Mộng Toàn - Trưởng khoa Tim mạch lão học, Trưởng kíp trực số 5 cho biết: Trong điều kiện hồi sức bình thường, thao tác trên bệnh nhân đã khó khăn thì điều trị Covid-19 càng khó khăn hơn. Với trang phục bảo hộ, mang 2 - 3 lớp găng tay, vướng víu làm cho thao tác của các y sĩ, bác sĩ gặp khó khi xử lý các biện pháp xâm lấn.

Hơn 2 giờ tại khu hồi sức nhiễm F0, chúng tôi cảm nhận sâu sắc sự khó khăn, vất vả của lực lượng tuyến đầu. Đặc thù công việc, tính chất chăm bệnh nặng, việc ăn trưa lúc 13 - 14 giờ là chuyện rất đỗi bình thường đối với các y sĩ, bác sĩ nơi đây. Dù vậy, các y sĩ, bác sĩ vẫn nỗ lực vượt khó, miệt mài lao động, với tinh thần cống hiến rất cao và vững vàng trong tư tưởng.

Vượt qua áp lực

Trước khi vào phòng bệnh F0, ngoài đòi hỏi chuyên môn, yêu cầu đầu tiên trang phục bảo hộ phải chuẩn, đầy đủ, an toàn. Quy trình làm việc của khu hồi sức nhiễm F0 rất nghiêm ngặt, từ “vùng sạch” (phòng hành chính), điều dưỡng và bác sĩ trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ để vào phòng bệnh. Khi ra phòng bệnh, lực lượng bỏ trang phục bảo hộ tại phòng riêng rồi qua phòng vệ sinh cá nhân, tắm sạch mới được di chuyển trở lại “vùng sạch”.

Thông tin liên lạc giữa phòng hành chính và phòng bệnh Khu hồi sức nhiễm F0.

Thông tin liên lạc giữa phòng hành chính và phòng bệnh Khu hồi sức nhiễm F0.

Qua 2 đợt tham gia tại khu hồi sức nhiễm F0, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Liên vẫn nhớ cảm giác lần nhận nhiệm vụ đầu tiên (ngày 27-7-2021), không tránh khỏi áp lực, lo lắng. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Liên cho biết: “Ban đầu nghỉ việc thay trang phục bảo hộ rất bình thường nhưng khi vào thực tế rất lo lắng, luôn thường trực trong đầu câu hỏi: mình thật kín chưa, an toàn chưa. Để cẩn thận cao nhất, các thành viên phải kiểm tra lẫn nhau thêm lần cuối trước khi vào phòng bệnh”.

Chia sẻ những giờ điều trị bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Thanh Liên nói: Chỉ mặc trang phục bảo bộ 2 tiếng trong phòng bệnh mồ hôi chảy ròng rã, rất khát nước. Để cán bộ y tế không rơi vào tình trạng mất sức do thiếu nước, BV bố trí cứ 3 giờ đổi nhóm vào phòng bệnh 1 lần để đảm bảo ai cũng có đủ năng lượng chăm sóc bệnh nhân.

“Không phân biệt ca trực, khi bệnh diễn biến, lực lượng trong kíp mặc ngay đồ bảo hộ để vô phòng bệnh hỗ trợ đồng đội. Anh em gồng gánh công việc để chăm sóc tốt nhất cho người bệnh”, bác sĩ Lê Mộng Toàn cho biết thêm.

Phòng hành chính và phòng bệnh điều trị F0 chỉ cách nhau 1 tấm kính, nhưng mọi thông tin liên lạc hoàn toàn không dễ dàng. Việc ghi bệnh án phải thông qua micro và camera, có khi qua khẩu hình. Để có không gian yên tĩnh cho bệnh nhân nghỉ ngơi, người bên trong phòng bệnh viết giấy đưa lên thông báo cho lực lượng vòng ngoài để đi thuốc cho bệnh nhân. Sự bất tiện trong thông tin làm cho công việc của y sĩ, bác sĩ vốn đã nhiều nay càng nhiều thêm. Khó khăn chung là vậy, nhưng với cán bộ y tế nữ thì càng khó khăn, vất vả hơn.

Trong chu kỳ kinh nguyệt, cán bộ y tế nữ phải làm việc trong phòng điều trị nhiều giờ liên tục với trang phục bảo hộ thật không hề thoải mái nhưng họ vẫn nỗ lực hết mình chăm sóc, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Thông tin từ kíp trực, trung bình mỗi kíp có hơn 50 - 75% cán bộ y tế nữ. Có trường hợp phải mang bỉm khi thực hiện nhiệm vụ.

Ban giám đốc BV và tổ chức công đoàn thấu hiểu và chia sẻ, hỗ trợ, cung cấp băng và đồ lót giấy cho cán bộ y tế nữ. Ngoài ra, BV đã tạo điều kiện cho lực lượng tham gia điều trị Covid-19 tiêm ngừa đầy đủ, tạo điều kiện về dinh dưỡng, chăm sóc tốt cho cán bộ y tế đã và đang tham gia công tác điều trị bệnh Covid-19.

“Với áp lực công việc trong khu nhiễm, mặc đồ bảo hộ nóng bức, sau 2 tuần điều trị F0, BV tạo điều kiện cho y sĩ, bác sĩ cách ly, nghỉ ngơi vừa đảm bảo an toàn cho gia đình vừa thoải mái tinh thần. Bản thân tôi an tâm hơn và vững tin hơn trong công tác”, bác sĩ Võ Quang Vinh chia sẻ sau 2 tuần thực hiện nhiệm vụ tại khu điều trị F0.

“Dù công việc vất vả nhưng nhân viên y tế không ngại khó, tiếp cận người bệnh để giáo dục y tế và chăm sóc toàn diện. Công tác này được các bệnh viện nói riêng và các cơ sở thu dung điều trị nói chung đã thực hiện tốt và ngày một nâng cao. Ngoài việc điều trị, các y sĩ, bác sĩ còn động viên, tạo niềm tin cho người bệnh. Đội ngũ đã quán triệt tốt tinh thần “chăm sóc người bệnh như người thân của mình”, trong đó vai trò của điều dưỡng rất quan trọng”.

(Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu Trình Minh Hiệp)

Bài, ảnh: Ph. Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN