Nhằm tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, Bến Tre đã thực hiện thí điểm mô hình “Ngày pháp luật.
“Ngày pháp luật” - sự tương tác trong phổ biến pháp luật
Ngày 20-8-2011, tại hội trường Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, báo cáo viên đang hăng hái trình bày Luật Bồi thường trách nhiệm Nhà nước, khoảng một chục đại biểu chăm chú lắng nghe , ghi chép cẩn thận những nội dung mà mình tâm đắc. Thỉnh thoảng, một vài người giơ tay đặt câu hỏi nhằm làm rõ vấn đề chưa hiểu. Báo cáo viên tận tình giải đáp, thể hiện phần nào sự tương tác giữa báo cáo viên và người tham dự. Đó là quang cảnh một buổi thực hiện “Ngày pháp luật” của Sở Lao động - Thương binh và xã hội. Bắt đầu từ tháng 11-2010, vào ngày 20 hàng tháng, toàn thể cán bộ, công chức của Văn phòng Sở và đại diện lãnh đạo của 9 đơn vị trực thuộc tập trung về Sở, để được phổ biến những quy định pháp luật mới, liên quan đến công tác ngành… Ông Nguyễn Văn Dũng - Chánh Văn phòng Sở, thành viên của tổ thực hiện chia sẻ, tùy theo nội dung trình bày, mà thời lượng cho mỗi kỳ thực hiện có thể chiếm trọn một buổi làm việc hay ít hơn. Do đặc thù là một ngành lớn, có nhiều đơn vị trực thuộc, số lượng cán bộ, người lao động toàn ngành lên đến hơn 600 người. Nếu đồng loạt triển khai cho toàn bộ nhân viên thì quá nan giải, nhưng nếu chỉ phổ biến trong cán bộ của Văn phòng Sở thì lại không đạt yêu cầu, hiệu quả. Từ đó, tổ thực hiện đã nghĩ ra phương án triển khai trước ở Văn phòng Sở, đại diện các đơn vị trực thuộc tham gia, rồi về phổ biến lại cho đơn vị mình.
Theo Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, đến nay, “Ngày pháp luật” đã được thực hiện trên 175 buổi sinh hoạt, thu hút trên 3.500 lượt cán bộ, công chức và nhân dân tham gia, với ba địa bàn điểm là: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật các huyện Châu Thành và TP.Bến Tre. |
Được biết, sau gần một năm thực hiện mô hình “Ngày pháp luật”, trình độ nhận thức, khả năng thực thi pháp luật của cán bộ, công chức cơ quan này đã được nâng lên rõ rệt. Cụ thể: đã tạo được thói quen học tập và làm theo pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức; từ đó, nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân.
“Cán bộ biết pháp luật để thực thi, nhân dân hiểu pháp luật để chấp hành”
Xã Giao Long (Châu Thành) không chỉ triển khai “Ngày pháp luật” gói gọn trong cán bộ, công chức của UBND xã mà còn lan rộng xuống từng xóm, ấp, trường học và người dân. Ông Trần Long Sơn - cán bộ tư pháp xã cho biết, ban đầu, xã chỉ thực hiện cho cán bộ của UBND nhưng do nhu cầu của người dân, xã đã tiếp tục triển khai ra 3 ấp và 2 trường học đóng trên địa bàn. Mỗi nơi chọn một ngày cố định trong tháng để làm “Ngày pháp luật” lồng ghép với họp cơ quan, họp hội đồng bảo vệ an ninh trật tự. Sau đó, thông qua họp tổ NDTQ, họp chi bộ, những nội dung cần tuyên truyền được phổ biến đến tận người dân. Mục đích của công tác này nhằm đạt được phương châm “Cán bộ biết pháp luật để thực thi, nhân dân hiểu pháp luật để chấp hành”. Theo đó, “Ngày pháp luật”, đã góp phần giúp cán bộ, công chức nâng cao trình độ pháp luật, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Biểu hiện cụ thể nhất là tỷ lệ đơn thư khiếu nại, tố cáo tại địa phương giảm rõ rệt. Ông Long Sơn nhớ lại, vào những năm 2001 - 2002, xã nhận tới hơn 40 đơn thì những năm gần đây, chỉ còn tiếp nhận không tới chục đơn mỗi năm. Bởi nắm được quy định của pháp luật, người dân và ấp, đơn vị có thể tự giải quyết những thắc mắc, tranh chấp nhỏ, không cần gửi đơn đến UBND xã.
Từ những địa phương, đơn vị thực hiện tốt mô hình “Ngày pháp luật” và hiệu quả của nó mang lại, thiết nghĩ cần phải sớm nhân rộng mô hình này ra tất cả các địa phương, đơn vị trên toàn tỉnh.