5 năm ươm tạo, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ

26/05/2021 - 06:45

Một số sản phẩm khoa học và công nghệ của Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới.

Một số sản phẩm khoa học và công nghệ của Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới.

Thuật ngữ doanh nghiệp (DN) khoa học và công nghệ (KH&CN) được đề cập lần đầu tiên trong kết luận của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX: “Từng bước chuyển các tổ chức KH&CN thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ (CN) sang cơ chế tự trang trải kinh phí, hoạt động theo cơ chế DN”. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19-5-2007 về DN KH&CN và Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BKHCN-BTC-BNV ngày 18-6-2008 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 80/2007/NĐ-CP, đưa ra tiêu chí quy định cụ thể về DN KH&CN. Theo đó, để được chứng nhận là DN KH&CN thì DN phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:

Một là, hoàn thành việc ươm tạo và làm chủ CN từ kết quả nghiên cứu được sở hữu, sử dụng hợp pháp hoặc sở hữu hợp pháp CN để trực tiếp sản xuất thuộc các lĩnh vực: CN thông tin - truyền thông; CN sinh học; CN tự động hóa; CN vật liệu mới; CN bảo vệ môi trường; CN năng lượng mới; một số lĩnh vực khác theo quy định của Bộ KH&CN, bảo đảm tính đa dạng và phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.

Hai là, chuyển giao CN hoặc trực tiếp sản xuất trên cơ sở CN đã ươm tạo và làm chủ CN.

Tại tỉnh, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 08/2010/CT-UBND ngày 16-12-2010 về việc đẩy mạnh hoạt động KH&CN cấp cơ sở, trong đó đề ra nhóm giải pháp tập trung phát triển các tổ chức, DN KH&CN như: [i] Hỗ trợ các tổ chức, DN có kế hoạch ươm tạo, đầu tư ứng dụng KH&CN vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có khả năng thương mại hóa để làm cơ sở xác lập hồ sơ thành lập tổ chức, DN KH&CN; [ii] Hàng năm, tìm kiếm, chọn lựa các tiến bộ KH&CN, các kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển CN và các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phù hợp với điều kiện thực tế, có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao để nhân rộng, áp dụng vào quản lý và sản xuất, kinh doanh của DN, tạo điều kiện từng bước hình thành các tổ chức, DN KH&CN; [iii] Hỗ trợ cho tổ chức, DN KH&CN sau khi hình thành được ưu tiên đăng ký thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, các dự án chuyển giao CN.

Tuy nhiên, tính đến đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh chưa có DN nào được chứng nhận là DN KH&CN. Trước thực trạng trên, Sở KH&CN tiến hành khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân và xây dựng chương trình ươm tạo với sự tham gia của trên 20  DN tiềm năng, có hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển CN để hỗ trợ hoàn thiện cơ sở pháp lý và hạ tầng KH&CN phát triển thành DN KH&CN. Định kỳ hàng năm, tiến hành rà soát các DN đủ điều kiện để bổ sung vào danh sách hỗ trợ ươm tạo. Đến nay, đã có trên 30 DN tiềm năng đăng ký tham gia chương trình.

Qua gần 5 năm thực hiện chương trình ươm tạo, có 12 DN hoàn thành việc ươm tạo, làm chủ CN. Sở KH&CN đã thành lập hội đồng thẩm định kết quả KH&CN và cấp giấy chứng nhận 7 DN KH&CN, với 30 sản phẩm, nhóm sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN; 13 tổ chức KH&CN với 522 nhân lực KH&CN có trình độ đại học trở lên. Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa, một số DN đã đạt trình độ CN sản xuất trung bình tiên tiến, cá biệt có 2 DN đạt trình độ CN tiên tiến. Sự hình thành các DN, tổ chức KH&CN đã góp phần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và chuyển giao CN, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm KH&CN, thúc đẩy phát triển dịch vụ KH&CN, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sự hình thành và hoàn thiện theo hướng chuỗi giá trị, đặc biệt là việc chú trọng xây dựng thương hiệu phát triển thị trường, tăng thị phần tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Năm 2020, doanh thu của sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN của DN KH&CN đạt 1.371 tỷ đồng, tăng lên đáng kể so với năm 2016 (0,33 tỷ đồng).

Nguồn nhân lực KH&CN bước đầu đáp ứng yêu cầu phát triển ở một số lĩnh vực, ngành nghề trong điều kiện thực tiễn. Một số chỉ tiêu phát triển KH&CN như tốc độ đổi mới CN giai đoạn 2016 - 2020 đạt 20,1%/năm, tăng 5,8% so với giai đoạn 2011 - 2015 (14,3%); giá trị sản phẩm CN cao và ứng dụng CN cao trên tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh năm 2020 đạt 31%, tăng 8,2% so với năm 2016 (22,8%); giá trị sản phẩm và dịch vụ KH&CN trên thị trường tăng bình quân 20%/năm và chiếm tỷ trọng 6,2% GRDP của tỉnh, tăng 9,5 lần so với năm 2015 (0,65% GRDP của tỉnh).

Định hướng trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong  DN gắn với phát triển thị trường KH&CN, DN và dịch vụ KH&CN; rà soát hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới để tổ chức ươm tạo phát triển thành tổ chức KH&CN, DN KH&CN; xây dựng nhiệm vụ KH&CN gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành; tiếp tục xã hội hóa hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ DN đổi mới CN, nâng cao năng suất, chất lượng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Với việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, DN KH&CN không chỉ mang đến các sản phẩm mới chất lượng cao, có sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, mà còn tạo ra làn sóng khuyến khích việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, kinh doanh. Vấn đề xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được DN KH&CN chú trọng trong việc xây dựng phương án thương mại hóa các sản phẩm KH&CN, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Huỳnh Cao Thọ (Sở Khoa học và Công nghệ)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN