Cụ thể, theo thông báo số 001550/VYTCC ngày 20-1-2025 của Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh, kết quả mẫu kiểm nghiệm rượu làm 7 người nhập viện nói trên có chỉ tiêu hàm lượng Methanol là 539642mg/l Etanol 100 độ, cao trên 260 lần tiêu chuẩn cho phép.
Theo TCVN 7043:2013, hàm lượng Methanol trong rượu quy định là không được lớn hơn 2000mg/1 lít rượu, tính theo độ rượu Etanol 100 độ.
Trước đó, ngày 12-1-2025, tại nhà ông T.V.X (Tổ 4, ấp Bình Công, xã Bình Phú, TP. Bến Tre) có tổ chức tiệc nhậu cho mọi người đi dự đám tang. Tiệc nhậu có nhiều người tham gia là khách viếng, không xác định được số lượng. Tiệc nhậu kéo dài từ ngày 12-1-2025 đến 14-1-2025. Các thành viên trong gia đình tiếp khách trong vòng 3 ngày. Tiệc nhậu kết thúc vào lúc 7 giờ ngày 14-1-2025.
Đến 8 giờ ngày 14-1-2025, ông LT.P (người phụ đáng tang) cảm thấy mờ mắt, mệt, khó thở. Tình trạng ngày càng nặng hơn nên ông L.T.P được gia đình đưa đến Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu vào lúc 11 giờ cùng ngày.
Sau đó, 3 trường hợp gồm: ông L.T.H, ông L.T.H, ông L.V.P (là người phụ đám tang) cũng có các triệu chứng tương tự và được mọi người đưa đến Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu để điều trị.
Tiếp đến, chủ nhà là ông T.V.X và 2 người phụ đám khác (ông N.T.H, ông L.V.S) cũng được gia đình đưa đến Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu theo dõi điều trị với biểu hiện triệu chứng rõ ràng.
Đến 9 giờ ngày 16-1-2025, 5/7 trường hợp trên đã khỏe lại và được cho xuất viện. Hai trường hợp còn lại là ông L.T.H và L.T.H vẫn đang được các bác sĩ theo dõi tích cực. Cả 2 trường hợp nhập viện trong tình trạng mắt nhìn mờ, khó thở, nồng độ methanol trong máu trên 100mg/100ml.
Trong đó, ông L.T.H được chẩn đoán suy hô hấp, toan chuyển hóa nặng, lao phổi cũ, tràn dịch màng phổi khu trú phổi trái, ổn thương thận cấp, dự phòng loét dạ dày tá tràng, viêm gan C.
Được biết, trong tiệc nhậu, đại diện cho gia đình và khách đến dự đều có uống rượu hầu hết là nam. 7 trường hợp nói trên được xác định là uống rượu nhiều nhất do tiếp khách tại đám tang trong nhiều ngày liên tục.
BS.CKI Nguyễn Văn Nêu - Phó chỉ cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Rượu là đồ uống chứa Ethanol hay còn gọi là rượu Ethylic có thể gây nghiện, có tác hại làm giảm hoạt động của não, gây mất ý thức và nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, thở nông... Nếu uống quá nhiều, quá nhanh thì gây ngộ độc cấp tính, còn nếu uống rượu kéo dài thì gây ngộ độc mạn tính.
Ngoài ra, rượu không đảm bảo chất lượng có hàm lượng methanol cao vượt tiêu chuẩn cho phép gây ngộ độc cấp tính dẫn đến tử vong. Uống rượu này quá nhiều, quá nhanh và uống liên tục nhiều ngày liên tiếp thì sẽ gây ngộ độc cấp tính vì methanol tích tụ trong máu không đào thải ra ngoài được. Với hàm lượng methanol cao, vượt tiêu chuẩn cho phép sẽ gây tổn thương tế bào, đặc biệt là mù mắt, tổn thương não, thậm chí tử vong.
Methanol hay thường được gọi là cồn công nghiệp, đây là một hóa chất được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất công nghiệp, tồn tại dưới dạng là một loại chất lỏng giống như rượu về mọi mặt, dễ bay hơi, không màu, dễ cháy, dễ tan trong nước, nhưng đây lại là một chất gây độc mạnh không được uống.
Theo khuyến cáo của BS.CKI Nguyễn Văn Nêu, người tiêu dùng hạn chế uống rượu, vì đây là chất độc hại, ảnh hưởng xấu tới gan, tim mạch, thần kinh, não bộ… Trường hợp bất khả kháng phải sử dụng rượu thì nên thận trọng, chỉ sử dụng rượu có nguồn gốc rõ ràng, không uống rượu ngâm với các loại lá, rễ cây, động vật… Không uống rượu khi đang đói, đang mệt, đang uống thuốc điều trị bệnh, mới tiêm ngừa vắc-xin...
Phan Hân