|
Các địa phương chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo. Ảnh: B.Trâm |
Tình trạng dân trí pháp lý nước ta nói chung và Bến Tre nói riêng còn thấp, kinh tế chưa phát triển đưa đến kết quả là kiến thức và hiểu biết trong một lĩnh vực đặc thù như pháp luật không cao.
Kiến thức pháp luật của công dân phần lớn được góp nhặt qua kinh nghiệm thực tiễn cuộc sống, qua các kênh thông tin đại chúng như đài, báo, vô tuyến truyền hình… Mặt khác, như chúng ta đều biết, do ảnh hưởng đời sống nông nghiệp, nông thôn Bến Tre, quan hệ với nhau chủ yếu dựa trên các chuẩn mực tình nghĩa: chín bỏ làm mười, mà ít khi sử dụng pháp luật, sử dụng pháp luật đối với người dân nhiều khi là trường hợp bất đắc dĩ. Do đó, nhu cầu tự thân tìm hiểu, tích lũy kiến thức pháp luật của họ là rất ít. Điều này đòi hỏi phải tăng cường công tác giáo dục pháp luật cho nhân dân xã, phường, thị trấn tỉnh Bến Tre.
Với người công dân xã, phường, thị trấn tỉnh Bến Tre hiện nay cần đầu tư nhiều hơn cho việc đưa pháp luật vào cuộc sống. Cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên để nhân dân dễ tiếp cận và hình thành thói quen tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật và sử dụng pháp luật trong đời sống hàng ngày. Công tác hỗ trợ tư pháp cho nhân dân là trách nhiệm của Nhà nước, người dân thực sự hưởng lợi từ hoạt động trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý của Nhà nước. Ở cấp tỉnh phải có nhiều trung tâm trợ giúp pháp lý, mở nhiều chi nhánh trong tỉnh (đặt tại Thị xã và các huyện). Các trung tâm này phải phân bố theo địa bàn dân cư, theo nhu cầu thực tiễn của công dân. Ở cấp xã, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công dân ở địa phương mình phải giao cho chính quyền cấp xã (thông qua cán bộ tư pháp – hộ tịch cấp xã làm nòng cốt). Pháp luật phải được thực hiện nghiêm minh; cán bộ bảo vệ pháp luật phải đủ tài, đức, thật sự là công bộc của dân, tấm gương mẫu mực về sống, làm việc theo pháp luật. Trước mắt, tập trung hơn nữa công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ tư pháp – hộ tịch cấp xã và tạo cơ chế cho cán bộ tư pháp – hộ tịch thật sự tận tâm với công việc, phát triển kỹ năng nghề nghiệp của mình.
Xuất phát từ mục đích nâng cao dân trí pháp lý, định hướng hành vi, lối sống pháp luật, bảo đảm dân chủ xã, phường, thị trấn, thì công tác trợ giúp pháp lý cho công dân cần phải thay đổi nơi đặt tủ sách pháp luật tại UBND xã, phường, thị trấn như hiện nay. Tủ sách pháp luật phải để những nơi người dân sinh hoạt, hội họp thường xuyên (kể cả ngày lễ, ngày thứ bảy, chủ nhật) như tụ điểm sinh hoạt tổ NDTQ, trụ sở ấp, thư viện tư nhân… nhằm giúp mọi người dân thuận tiện trong tiếp cận các quy định của pháp luật và thực hiện quyền dân chủ của mình.
Giáo dục pháp luật cho công dân xã, phường, thị trấn góp phần quan trọng vào quá trình đưa pháp luật vào cuộc sống nhằm nâng cao ý thức pháp luật, hành vi chấp hành pháp luật và sử dụng pháp luật cho công dân. Bởi lẽ, gần 80% cư dân nước ta hiện nay vẫn là nông dân sống trong các đơn vị tụ cư là làng, xã. Bộ phận dân cư còn lại là thị dân bao gồm người làm nghề tự do, công chức Nhà nước và trí thức nhưng vốn đều là nông dân làng xã chuyển hóa thành hoặc có nguồn gốc không xa là nông dân. Do đó, người nông dân sống trong các đơn vị tụ cư là làng (ngày nay là xã, phường, thị trấn) có hành vi, lối sống tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật và chủ động sử dụng pháp luật thì về cơ bản các yếu tố tiêu cực, cản trở ý thức pháp luật phát triển không còn tồn tại trong xã hội ta hiện nay. Mọi người dân thật sự sống, làm việc theo pháp luật.