(Theo Nghị định 08/2009/NĐ-CP ngày 4-2-2009 của Chính phủ, Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình)
Biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình là việc không cho phép người có hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ) thực hiện các hành vi sau:
- Đến gần nạn nhân trong khoảng cách dưới 30 m, trừ trường hợp giữa người có hành vi BLGĐ và nạn nhân có sự ngăn cách như tường, hàng rào hoặc các vật ngăn cách khác, bảo đảm đủ an toàn cho nạn nhân;
- Sử dụng điện thoại, fax, thư điện tử hoặc các phương tiện thông tin khác để thực hiện hành vi bạo lực với nạn nhân.
Về điều kiện để chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) ra quyết định cấm tiếp xúc, Luật quy định, chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra BLGĐ quyết định cấm người gây BLGĐ tiếp xúc với nạn nhân BLGĐ trong thời hạn không quá 3 ngày, khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (gồm cơ quan Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội; cơ quan Công an; cơ quan làm việc của nạn nhân hoặc tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội mà nạn nhân là thành viên); trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân BLGĐ;
- Đã có hành vi BLGĐ gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của nạn nhân BLGĐ. Hành vi này được xác định khi có một trong các căn cứ như sau: có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc khám và điều trị thương tích do hành vi BLGĐ gây ra; có dấu vết thương tích trên cơ thể nạn nhân, có thể nhận thấy rõ bằng mắt thường hoặc có dấu hiệu rõ ràng về hoảng loạn tinh thần của nạn nhân BLGĐ; có chứng cứ chứng minh có sự đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc tính mạng của nạn nhân BLGĐ.
- Người có hành vi BLGĐ và nạn nhân BLGĐ có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc. Nơi ở này bao gồm: nhà của người thân, bạn bè hay địa chỉ tin cậy hoặc nơi ở khác mà nạn nhân tự nguyện chuyển đến ở.
Luật quy định, khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, phải ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người tàn tật. Ngoài ra, Luật cũng quy định một số trường hợp đặc biệt mà người có hành vi BLGĐ được tiếp xúc với nạn nhân BLGĐ (sau khi báo cáo với người đứng đầu cộng đồng dân cư, nơi cư trú của nạn nhân), gồm các trường hợp: gia đình có việc tang lễ, cưới hỏi; gia đình có người bị tai nạn hay bị bệnh nặng; tài sản của gia đình bị thiệt hại nặng do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; những trường hợp khác mà phải tiếp xúc theo phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.