Thi công nhà máy điện gió tại huyện Bình Đại. Ảnh: CTV
Bình Đại có chiều dài 27km bờ biển, huyện phát huy lợi thế để phát triển kinh tế biển, trong đó nuôi và đánh bắt thủy sản được xác định là ngành kinh tế chủ lực, với diện tích nuôi thủy sản hàng năm đạt 18.380ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ khoảng 800ha, sản lượng bình quân đạt 72 ngàn tấn/năm. Khai thác thủy sản phát triển theo hướng đánh bắt xa bờ. Tổng đoàn tàu trực tiếp khai thác trên biển hiện có 1.195 chiếc. Trong đó, đánh bắt xa bờ là 594 chiếc, sản lượng khai thác đạt trên 85 ngàn tấn/năm. Cảng cá Bình Đại mỗi năm thu hút hàng ngàn lượt tàu cập cảng. Huyện cũng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái ven biển và phát triển năng lượng tái tạo, hiện tại đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, tham gia đầu tư các dự án trên địa bàn huyện.
Theo Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Dũng, để đạt được mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế, nhất là kinh tế biển trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung lãnh đạo thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Đó là tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế thủy sản. Tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch vùng nuôi, đối tượng nuôi phù hợp với quy hoạch. Trong đó, xác định vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, đảm bảo cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản trong và ngoài tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ từ 800ha tăng lên 2.000ha, với tổng sản lượng 80 ngàn tấn/năm; năm 2030 tổng sản lượng đạt 90 ngàn tấn/năm, định hướng đến năm 2045 diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tăng ổn định ở mức 3.000ha, với tổng sản lượng tăng ít nhất 1,3 lần so với năm 2025.
Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm mạnh khai thác gần bờ, phát triển mạnh khai thác xa bờ và các nghề đánh bắt có chọn lọc, góp phần bảo vệ nguồn lợi hải sản, đảm bảo phát triển bền vững. Ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá. Đến năm 2030, tổng số tàu khai thác thủy sản đăng ký 1.000 chiếc, trong đó 60% tàu khai thác xa bờ, sản lượng đạt 100 ngàn tấn/năm; tầm nhìn đến năm 2045 số tàu đánh bắt xa bờ đạt 80% tổng số tàu khai thác thủy sản được đăng ký, sản lượng ước đạt 130 ngàn tấn/năm. Đảm bảo ổn định 100% tàu đánh bắt xa bờ hoạt động theo tổ đội và được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Xây dựng chuỗi liên kết tôm biển gắn với truy xuất nguồn gốc và đạt chứng nhận VietGAP hoặc chứng nhận theo yêu cầu của thị trường.
Tiếp tục phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị nông sản. Tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận; đầu tư xây dựng Dự án Cụm công nghiệp Bình Thới. Mời gọi đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thủy sản tại Khu công nghiệp Phú Thuận khi hoàn thành và Cụm công nghiệp Bình Thới giúp tiêu thụ và nâng cao giá trị gia tăng của các loại mặt hàng nông, thủy sản tại địa phương.
Chú trọng việc mời gọi thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, đóng góp tích cực vào nguồn cung cấp điện quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường. Chú trọng phối hợp với các sở, ngành tỉnh hỗ trợ nhà đầu tư hoàn chỉnh các thủ tục để bổ sung danh mục dự án đầu tư các nhà máy điện gió, điện mặt trời nhằm khai thác tiềm năng từ nguồn năng lượng sạch, góp phần cung ứng năng lượng phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Trong đó, tập trung huy động nguồn lực đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy điện gió, điện mặt trời xã Thừa Đức, Thới Thuận, Thạnh Phước.
Đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường. Tập trung phát triển du lịch theo 3 tuyến, gồm tuyến du lịch cụm tiểu vùng 1; tuyến du lịch thứ 2 tham quan các mô hình kinh tế, di tích; tuyến du lịch thứ 3 đang hình thành và phát triển theo hướng Tây dọc theo sông Ba Lai. Xây dựng và quảng bá các sản phẩm du lịch đặc thù của Bình Đại và xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch. Phấn đấu đến năm 2025, lượng khách du lịch đạt 300 ngàn lượt/năm, đến năm 2030 là 400 ngàn lượt/năm, định hướng đến năm 2045 ổn định ở mức 50 ngàn lượt/năm; doanh thu từ ngành du lịch đạt 25% năm 2025, lên 35% năm 2030 và đến năm 2045 ổn định ở mức 50% so với tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện.
Thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phấn đấu năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt 32%. Đến năm 2030, thị trấn Bình Đại đạt chuẩn đô thị loại III và trở thành thị xã Bình Đại của tỉnh Bến Tre; tiếp tục xây dựng đô thị loại V các xã còn lại và 2 xã Thới Thuận, Thừa Đức trở thành trung tâm đô thị du lịch biển của huyện, nâng tỷ lệ đô thị hóa đạt 48%. Đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 70%; thị xã Bình Đại đạt chuẩn đô thị loại II và được công nhận thành phố thuộc tỉnh.
“Huyện huy động mọi nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng ven biển, kết nối giao thông thông suốt giữa huyện với tỉnh và các huyện trong khu vực. Mở rộng không gian phát triển về hướng biển nhằm tạo quỹ đất cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Phối hợp triển khai các công trình hạ tầng trọng điểm khu vực biển: Đường động lực ven biển giai đoạn 1, tuyến giao thông Bình Đại - Giồng Trôm - Mỏ Cày Nam; đường từ cảng Giao Long đến Khu công nghiệp Phú Thuận. Đề xuất đầu tư xây dựng tuyến tránh thị trấn Bình Đại và đường kết nối xã Bình Thắng, Thừa Đức, Thới Thuận và Thạnh Phước”.
(Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng)
|
Hương Thu