Chị Võ Thị Tường (Gò Công, Tiền Giang) có nhu cầu tư vấn: Tôi có con trai nay đã gần 3 tuổi. Tháng 2-2017, tôi làm giấy khai sinh cho cháu nhưng bỏ trống không ghi họ tên cha.
Tôi và cha cháu bé không có đăng ký kết hôn. Nay tôi muốn bổ sung giấy khai sinh cho cháu, ghi đầy đủ họ tên cha thì phải làm sao?
Thắc mắc của bà được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Vì chị không đăng ký kết hôn, nên người cha của cháu phải làm thủ tục nhận con theo quy định của Luật Hộ tịch 2014. Cụ thể, Điều 25 Luật Hộ tịch quy định về thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con như sau:
“1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.
2. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 5 ngày làm việc”.
Về chứng cứ chứng minh quan hệ cha con, theo Điều 11, Thông tư số 15/2015/TT-BTP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ, thì chứng cứ để chứng minh quan hệ cha con gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
“1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con.
2. Trường hợp không có văn bản trên thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm giải thích rõ trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.
Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết theo quy định tại Điều 5 của thông tư này hoặc hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan, làm chứng không đúng sự thật”.
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, để làm thủ tục đăng ký nhận con, người cha phải nộp tờ khai đăng ký nhận con theo mẫu, kèm theo là các chứng cứ chứng minh được quan hệ cha con như thư từ, phim ảnh... hoặc kết quả giám định ADN của cơ quan y tế. Nếu không có những chứng cứ trên thì cha cháu và chị phải làm bản cam đoan rằng đứa bé là con chung của hai người, bản cam đoan này phải có ít nhất hai người thân của cha cháu và chị làm chứng để nộp cho UBND cấp xã nơi cư trú của cháu bé hoặc nơi cư trú của cha cháu.
Sau khi được cấp bản trích lục hộ tịch, cha cháu và chị cần làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong sổ đăng ký khai sinh và giấy khai sinh của cháu theo quy định tại Điều 29 - Luật Hộ tịch 2014 nêu trên.
Đ. Chính (thực hiện)