Bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

04/08/2019 - 20:23

Ông Lê Hoàng Hảnh (Thạnh Phú) có nhu cầu tư vấn: Trong lúc cự cãi với người bạn tên Huy (19 tuổi), con trai tôi (17 tuổi) đã bị Huy đánh té làm gãy tay và bị thương ở mặt. Sau đó, mẹ của Huy có tới xin bỏ qua và gửi 1 triệu đồng nói là phụ tiền thuốc nhưng tôi không nhận.

Xin hỏi: Trường hợp Huy đánh con tôi như vậy có bị xử lý hình sự không? Tôi được yêu cầu bồi thường những khoản nào?

Thắc mắc của ông được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) trả lời như sau:

- Theo quy định tại Khoản 1, Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11 - 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a/ Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b/ Dùng axit nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c/ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d/ Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ/ Có tổ chức;

…”

Trường hợp con trai ông bị Huy đánh té làm gãy tay và bị thương ở mặt, nhưng ông không cho biết rõ tỷ lệ tổn thương cơ thể của con ông là bao nhiêu, cũng như không cho biết Huy có dùng hung khí nguy hiểm hay không? Do vậy, không đủ cơ sở để xác định Huy có bị xử lý về hình sự không?

Về yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015:

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a/ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b/ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của người lao động cùng loại;

c/ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần thiết phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d/ Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó phải gánh chịu.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN