Trao giải thưởng cho các cá nhân tiêu biểu.
Chị Nguyễn Thị Nga - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Mỏ Cày Nam là chủ cơ sở sản xuất kẹo dừa, kẹo chuối Kiên Long (thành lập năm 1985). Chị luôn gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; dám nghĩ, dám làm, quản lý điều hành hoạt động của cơ sở có hiệu quả, sản xuất các sản phẩm 100% từ nguyên liệu tự nhiên. Tham gia Chương trình OCOP, cơ sở của chị có 5 sản phẩm kẹo dừa, kẹo chuối đạt chuẩn 3 sao (năm 2019). Chị đã tạo việc làm ổn định cho 10 lao động tại cơ sở, thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/tháng/người; tạo việc làm thời vụ cho 50 lao động, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng/người. Từ năm 2019 đến nay, chị Nga tặng 60 phần quà với số tiền hơn 12 triệu đồng. Định kỳ hàng tháng tặng 120kg gạo cho 4 phụ nữ nghèo của cơ sở trị giá 1,56 triệu đồng; nấu cơm từ thiện cho Bệnh viện đa khoa khu vực Cù Lao Minh với tổng số tiền hơn 10 triệu đồng; tặng 10 thùng mì tôm, 20kg gạo cho lực lượng trực chốt phòng chống dịch Covid-19.
Là Phó chủ tịch Hội LHPN TP. Bến Tre, chị Nguyễn Thị Thùy Dương luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công, được UBND tỉnh, Hội LHPN tỉnh, các ngành từ tỉnh đến thành phố khen thưởng. Chị có nhiều sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ: vận động may khẩu trang, làm kính chắn giọt bắn, hỗ trợ rau củ cho các xã, phường, bếp ăn, bệnh viện, mái ấm trong và ngoài TP. Bến Tre. Tích cực hỗ trợ các huyện trong và ngoài tỉnh “giải cứu” 100 tấn nông sản (chôm chôm, nhãn xuồng, củ sắn, khoai lang tím). Vận động mạnh thường quân hỗ trợ học bổng Nguyễn Thị Định cho các em học sinh, tặng gần 3.500 phần quà cho hội viên, phụ nữ khó khăn, hộ trong vùng cách ly, phong tỏa, hộ nhà trọ trong mùa dịch Covid-19. Phát động phong trào chống rác thải nhựa, vận động cán bộ hội sử dụng sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên mạng Zalo, Facebook, Fanpage của hội.
Chị Âu Thị Kim Thắm, với vai trò là Chủ tịch Hội LHPN xã Thành Triệu (Châu Thành), chị đã cùng hội phát động phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, có 12 chị khá giúp 22 chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Duy trì 7 tổ hụi không lời với 156 thành viên, 3 tổ tương trợ với 58 thành viên, giúp 15 hộ tổng số tiền 55 triệu đồng, hỗ trợ 4 chị phụ nữ khởi nghiệp. Mỗi năm giới thiệu học nghề cho chị em, hiện mở lớp nghề kỹ thuật nấu ăn cho 22 chị; giới thiệu việc làm cho 42 chị. Vận động xây dựng từ 1 - 2 nhà mái ấm tình thương; tặng học bổng Nguyễn Thị Định hàng năm từ 30 suất trở lên, mỗi suất trị giá 200 ngàn đồng. Tổ chức vận động hội viên may trên 1.500 khẩu trang phòng chống dịch Covid-19. Hỗ trợ dụng cụ chứa nước cho hội viên phụ nữ. Vận động trên 5 tấn rau củ, 1 tấn gạo, 500 hộp cá mồi, 100 chai nước; trên 1.500kg gạo, làm 1.500 kính chắn giọt bắn và 1.000 tai đeo khẩu trang. Quản lý tốt các nguồn vốn, hỗ trợ vốn kịp thời cho chị em, tổng số vốn do hội quản lý là 7 tỷ đồng với 675 hộ vay từ 2 nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.
Chị Nguyễn Thị Anh Thư - Chủ tịch Hội LHPN xã An Phú Trung (Ba Tri) đã vận động hội viên thực hiện 438 hố xí tự hoại, kinh phí 1,5 tỷ đồng, xây dựng tuyến đường hoa 6 ấp tổng chiều dài 3.200m. Thành lập 2 mô hình kinh tế tập thể, mô hình trồng lúa sạch ST24, liên kết với Công ty Hoàn Long tiêu thụ tổng diện tích 1,8ha, phối hợp các ngành cùng thực hiện 30ha. Mô hình ủ phân hữu cơ trồng rau, bón vườn có 19 thành viên tham gia. Mô hình được nhân rộng trên 6 ấp, hiện có 54 thành viên ủ phân trồng rau sạch tại hộ gia đình, bán nhỏ lẻ, góp phần tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ. Phối hợp thực hiện lộ bê-tông, 6 tuyến đường tại 2 ấp An Hòa, An Thạnh, tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng; giúp 27 hội viên phụ nữ nghèo với tổng số vốn 1,2 tỷ đồng. Tạo việc làm tăng thu nhập cho 115 hội viên phụ nữ. Phối hợp thành lập 6 địa chỉ tin cậy phòng chống bạo lực gia đình, 1 tổ phụ nữ bảo vệ môi trường, 2 tổ hợp tác trồng lúa và ủ phân hữu cơ.
Bài, ảnh: Thu Huyền