Cải cách tư pháp - một nhiệm vụ quan trọng

15/10/2010 - 07:50
Tòa án nhân dân huyện Châu Thành mở phiên tòa xét xử lưu động tại xã Quới Thành. Ảnh: T.H

Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đánh giá, công tác cải cách tư pháp có tiến bộ, hoạt động xét xử có chuyển biến, đã giải quyết một khối lượng khá lớn án các loại, khắc phục được tình trạng án tồn đọng quá hạn luật định. Tỉnh đã hoàn thành lộ trình công tác cải cách tư pháp về việc tăng thẩm quyền điều tra, xét xử cho cấp huyện; tỷ lệ điều tra, khám phá án tăng 6,28% so với nhiệm kỳ trước. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hành chính, tư pháp,… có chuyển biến, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân.

Để có được kết quả này, ngành tư pháp của tỉnh luôn có được sự quan tâm của ngành dọc, cấp ủy địa phương và sự nỗ lực vươn lên của ngành. Bến Tre là một trong những tỉnh mà Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp được thành lập sớm nhất nhằm giúp Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo hoạt động này. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 03-Ctr/TU ngày 3-4-2006 về việc thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Theo báo cáo của Sở Tư pháp, trong 5 năm qua, công tác tư pháp đã đạt được kết quả vượt trội so với giai đoạn trước năm 2005, cả về số lượng và chất lượng. Công tác giải quyết các loại án đã kéo giảm đến mức thấp nhất án oan sai. Đặc biệt là ngành đã khắc phục được tình trạng án dân sự tồn đọng quá hạn kéo dài. Tỷ lệ án bị hủy, bị sửa có giảm. Một số phiên tòa theo tinh thần Nghị quyết 49, cũng như việc tăng thẩm quyền xét xử án hình sự, dân sự cho tòa án cấp huyện đạt yêu cầu đề ra. Công tác thi hành án, nhất là thi hành án dân sự đạt kết quả cao liên tục trong nhiều năm qua, đã giảm đáng kể số việc án tồn đọng. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, bổ trợ tư pháp đạt kết quả tốt hơn. Về tổ chức, cả số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ công chức tư pháp được nâng lên. Đội ngũ luật sư, giám định viên không ngừng phát triển. Các cơ quan tư pháp còn được ngành dọc và địa phương quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc, nơi giam giữ, mua sắm phương tiện…

Tuy nhiên, công tác giải quyết án của cơ quan điều tra và viện kiểm sát vẫn còn để xảy ra oan sai. Án xét xử bị hủy, bị sửa mặc dù có giảm nhưng vẫn còn. Một số án dân sự do trước đó giải quyết chưa tốt, nên khi tổ chức thi hành án gặp rất nhiều khó khăn, tồn đọng kéo dài; số lượng phiên tòa xét xử theo tinh thần Nghị quyết 49 chưa nhiều. Việc xã hội hóa công tác bổ trợ tư pháp chưa đủ mạnh, trong khi các tổ chức công chưa theo kịp yêu cầu cải cách tư pháp. Khó khăn nhất của ngành tư pháp hiện nay là thiếu nhân sự, mặc dù các cơ quan tư pháp thường xuyên quan tâm tuyển dụng. Theo thống kê của Sở Tư pháp, hiện ngành kiểm sát thiếu 22%, tòa án thiếu 20%, thi hành án thiếu 17% so tổng biên chế được giao.

Nguyên nhân của những tồn tại này có phần do công việc phát sinh ngày càng nhiều, tính chất ngày càng phức tạp, trong khi số lượng cán bộ - nhất là cán bộ có chức danh tư pháp tăng lên không tương ứng. Áp lực giảm án tồn đọng quá hạn đã phần nào làm cho chất lượng xét xử không cao. Tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn, ý thức tự rèn luyện về phẩm chất đạo đức, mức độ phấn đấu của một số cán bộ công chức tư pháp còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến kết quả, hiệu quả hoạt động nói chung. Mặt khác, có nhiều vụ việc do phối hợp không tốt giữa các cơ quan tư pháp với nhau, giữa cơ quan tư pháp với cơ quan hữu quan khác nên kéo dài thời gian giải quyết, hiệu quả kém.

Định hướng của tỉnh trong nhiệm kỳ 2010-2015 là tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020. Tỉnh sẽ quan tâm củng cố tổ chức, bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp; đồng thời, tranh thủ các bộ ngành Trung ương đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất các cơ quan tư pháp nhằm bảo đảm đạt mục tiêu cải cách tư pháp. Nhiệm vụ đặt ra cho ngành tư pháp là hạn chế thấp nhất án oan, sai, hủy, sửa, bỏ lọt tội phạm; kéo giảm đáng kể lượng án dân sự tồn đọng hàng năm. Các ngành chức năng cùng quan tâm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để xảy ra điểm nóng; tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải, trợ giúp pháp lý,… góp phần nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của người dân, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ gìn kỷ cương, trật tự an toàn xã hội.

 

Phương Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN