Ăn lành, sống khỏe, bài 3:

Cân bằng dinh dưỡng bữa ăn

16/04/2021 - 06:48

BDK - Cuộc sống hiện đại, kinh tế ngày càng phát triển, kèm theo đó là tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn có xu hướng tăng. Do đó, mỗi người cần xây dựng chế độ ăn uống cân bằng đáp ứng tất cả nhu cầu dinh dưỡng cần thiết để cơ thể khỏe mạnh.

Người tiêu dùng lựa chọn rau, củ, quả tại siêu thị. Ảnh: Phan Hân

Người tiêu dùng lựa chọn rau, củ, quả tại siêu thị. Ảnh: Phan Hân

Ăn sao cho “lành”

Làm nghề buôn bán, gia đình chị N. T, ở Phường 3, TP. Bến Tre hiếm có bữa ăn tự chế biến. Phần lớn thời gian chị đều ăn ngoài, buổi sáng ăn tiệm, buổi trưa gọi cơm hộp. Thi thoảng, buổi tối chị lại họp hội bạn bè ở hàng quán ngoài đường hoặc chọn mua thức ăn nhanh, thậm chí bỏ bữa, ăn quá bữa. Thời gian gần đây, sức khỏe có dấu hiệu xuống dốc. “Dù ăn uống đúng bữa nhưng thấy người không khỏe và thăm khám bác sĩ, kết quả xét nghiệm máu bị thiếu sắt. Bác sĩ khuyến cáo ăn nhiều thịt có màu đỏ, rau xanh, trái cây”, chị N. T chia sẻ.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tình trạng thừa cân, béo phì và suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể… phần lớn nguyên nhân là do mất cân bằng dinh dưỡng. Bác sĩ Dương Ngọc Loan Thy - Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh cần đủ thực phẩm từ 5 nhóm chính: rau, củ, trái cây, các loại hạt, chất đạm và sản phẩm từ bơ sữa. Nếu các nhóm không đảm bảo sẽ dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra hội chứng rối loạn chuyển hóa căn nguyên của rất nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Th.S Nguyễn Hải Nguyên - Giảng viên Khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng ta thường có thói quen hay hỏi rằng ăn sao cho ngon mà ít ai quan tâm đến việc ăn sao cho lành mạnh, phù hợp. Theo tôi, thói quen ăn uống quyết định rất nhiều đến sức khỏe, thay đổi thói quen ăn uống theo hướng lành mạnh, đúng cách sẽ giúp chủ động phòng ngừa bệnh tật. “Ăn lành” là bên cạnh việc lựa chọn nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì còn phải chú ý đến ăn uống cân bằng và ăn những gì cơ thể cần”.

 Ngày nay, thói quen của rất nhiều người là chỉ ăn thứ mình thích và thói quen ăn uống không đúng cách dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể. Ví dụ như ăn nhiều đường, nhiều muối, nhiều dầu mỡ mà lại thiếu nước, thiếu các vitamin và khoáng chất, lâu dần sẽ tích tụ những chất không tốt trong cơ thể, dẫn đến mất cân bằng trong dinh dưỡng. “Cơ thể mất cân bằng dinh dưỡng có thể thấy ở những người quá béo hoặc quá gầy. Các biểu hiện mang tính cảnh báo như: da khô, tóc gãy rụng, trạng thái mệt mỏi, đau đầu không rõ nguyên nhân, stress, trầm cảm, các trạng thái tâm lý”, Th.S Nguyễn Hải Nguyên nêu.

Theo tài liệu y học phổ thông cho mọi người, ngoài nước uống, hàng ngày, cơ thể con người cần được cung cấp đầy đủ 5 chất dinh dưỡng: chất đạm (protid), chất đường bột (glucid), chất béo (lipid), vitamin và khoáng chất. Nước uống đóng vai trò rất quan trọng. Uống 8 ly nước mỗi ngày (dung tích 230ml) có thể giúp cơ thể loại bỏ chất béo. Nước còn giúp kiềm cơn thèm ăn tự nhiên và giúp cơ thể chuyển hóa chất béo tích trữ. Rau xanh cũng rất cần cho sức khỏe, vì rất ích chất béo, có đường tự nhiên và các chất dinh dưỡng cần cho cơ thể.

Vận động thể lực

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO: Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và không chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật. Như vậy, bên cạnh việc ăn uống lành mạnh thì cần kết hợp với tập luyện thể chất; cần có đời sống tinh thần thoải mái và các mối quan hệ xã hội lành mạnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương về luyện tập thể dục thể thao (TDTT) nâng cao sức khỏe. Người từng nói: “Muốn lao động, sản xuất tốt, công tác tốt và học tập tốt thì cần có sức khỏe. Muốn giữ sức khỏe thì nên thường xuyên tập TDTT”.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, tập luyện TDTT giúp người tập giảm nguy cơ bệnh tật, trong đó điển hình các chứng bệnh như: cao huyết áp, đau tim, loãng xương, béo phì… Việc duy trì luyện tập TDTT giúp cho hàm lượng cholesterol trong máu cao sẽ giảm xuống, hoặc tránh khỏi nguy cơ cholesterol cao. Đặc biệt, luyện tập TDTT sẽ giúp xương và cơ chắc khỏe, góp phần làm chậm quá trình lão hóa. Hay nói cách khác là giữ được sức khỏe dẻo dai và linh hoạt, giúp tinh thần sảng khoái, tràn đầy năng lượng tích cực.

Một số nghiên cứu còn cho thấy, vận động, luyện tập TDTT giúp giảm stress, lo âu và tránh nguy cơ bệnh trầm cảm, có giấc ngủ ngon hơn và tăng khả năng miễn dịch với bệnh tật. Đồng thời, luyện tập TDTT sẽ giúp người tập dần cân bằng thể hình, giảm cảm giác thèm ăn vì khi luyện tập đã giúp tăng cường trao đổi chất trong cơ thể người tập.

Trong rèn luyện thể chất càng cần thiết phải có sự kết hợp với cân bằng dinh dưỡng. Rất nhiều bộ môn TDTT cho mọi người lựa chọn phù hợp sở thích, sức khỏe để tham gia và duy trì tập luyện như: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, quần vợt, bơi lội, gym, yoga, thể dục dưỡng sinh, chạy bộ… Xu hướng tập gym để khỏe, đẹp ngày càng phổ biến trong cộng đồng. Theo khuyến cáo của ngành quản lý TDTT, việc luyện tập TDTT cần phải phù hợp thể trạng, sức khỏe của mỗi người; có chế độ nghỉ ngơi kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý. Khi có dấu hiệu về tim mạch, xương khớp hay các biểu hiện không tốt về sức khỏe thì cần ngưng tập và đến các cơ sở y tế để kiểm tra, khi sức khỏe đảm bảo thì trở lại luyện tập như thường lệ.

Chia sẻ tại hội nghị truyền thông về bệnh không lây nhiễm, giảm ăn muối và Covid-19 tại tỉnh, TS. BS. Trần Phúc Hậu - Phó trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho biết: Thói quen tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh, cùng với lối sống ít vận động, sử dụng nhiều bia, rượu, hút thuốc lá… làm gia tăng bệnh không lây nhiễm. Điều này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Do đó, hãy loại bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu, bia; ăn nhiều rau, quả, thực phẩm tự nhiên, hạn chế ăn thức ăn chế biến sẵn có nhiều dầu, đường, muối; đồng thời cần tăng cường vận động thể lực.

T. Đồng - A. Nguyệt - Ph. Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN