Cần xử lý nghiêm vụ chiếm đất công ở thị trấn Ba Tri

17/07/2009 - 09:49
Nhà của ông Công trên đường Vĩnh Phú, thị trấn Ba Tri. Ảnh: H.Đ

Vụ chiếm 627,9m2 đất công ở ô 4, thị trấn Ba Tri qua nhiều cơ quan, nhiều cấp giải quyết vẫn còn ách tắc, kéo dài nhiều năm qua.  Sự việc này đã gây nhiều bức xúc trong quần chúng nhân dân. Tháng 3-2009, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng (BCĐ.PCTN) tỉnh Bến Tre đã làm việc với các cơ quan chức năng, phát hiện hành vi gian dối và nhiều sai phạm trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN.QSDĐ) cho ông Nguyễn Chí Công - nguyên Phó Giám đốc Xí nghiệp Hóa chất (XNHC) Ba Tri. Diện tích mà ông Công được cấp GCN.QSDĐ vào năm 1999, trước đây do UBND huyện Ba Tri quản lý và là khu nhà ở tập thể của cán bộ, công nhân viên XNHC và ngành Bưu điện.

 Đất công “biến” thành đất tư

Khu nhà tập thể của Xí nghiệp Hóa chất (XNHC) huyện Ba Tri gồm 10 căn, có tổng diện tích 1.625m2, tọa lạc tại thị trấn Ba Tri do UBND huyện quản lý. Năm 1986-1988, ông Nguyễn Chí Công là Phó Giám đốc XNHC được Ban Giám đốc xí nghiệp cho ở 3 căn, diện tích 81m2. Ngày 20-2-1994, ông Công xin phép UBND huyện sửa chữa nhà để ở với lời cam kết: “… cho phép tôi sửa lại cho đàng hoàng để ở lâu dài, chừng nào UBND huyện có quyết định hóa giá tôi sẽ trả tiền” và được chấp thuận cho sửa chữa 2 căn, để lại một căn làm cơ sở cho việc hóa giá sau này. Thế nhưng, ông Công đã xây dựng lại kiên cố hết 3 căn.

 

Bốn năm sau, ngày 24-2-1998,  ông Công tiếp tục có một tờ cam kết khác để nâng nền nhà máy xay xát lúa (nhà máy này của Công đoàn XNHC, sau đó bán lại cho ông Công phần nhà xưởng, phần đất có diện tích 180m2 vẫn thuộc quyền quản lý của UBND huyện Ba Tri), với nội dung: “Nếu sau này Nhà nước có hóa giá phần đất nhà máy thì tôi sử dụng, còn lại phần nào của Nhà nước hoặc tập thể thì tôi xin trả lại”. Nhưng không biết có phải là lúc bấy giờ, vợ ông là bà Nguyễn Thị Ren (bấy giờ là cán bộỉ đăng ký, thống kê theo dõi việc cấp GCN.QSDĐ và đăng ký biến động đất đai, thuộc Phòng Địa chính huyện Ba Tri) hỗ trợ hay không, mà ngày 5-11-1999, ông Công được UBND tỉnh Bến Tre quyết định hợp thức hóa QSDĐ  diện tích 627,9m2 đất (trong đó có 60m2 đất thổ cư), thuộc thửa 406, tờ bản đồ số 22, tọa lạc tại khu phố 4, thị trấn Ba Tri. Đến ngày 14-12-1999, ông Công được UBND tỉnh quyết định cấp GCN.QSDĐ, cũng diện tích này nhưng lại được 100m2 đất thổ cư.

 

Ngày 22-7-2004, thực hiện theo Quyết định  2886/QĐ-UB của UBND tỉnh Bến Tre “V/việc điều chuyển 10 căn nhà  (của Xí nghiệp Hóa chất Ba Tri đã giải thể) cho Công ty Xây dựng và Phát triển nhà bán đấu giá” và được sự thống nhất của Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Tri, ngày 18-4-2005 UBND huyện Ba Tri có Tờ trình số 49/TT-UB “Về việc bán chỉ định 10  căn nhà, đất của Xí nghiệp Hóa chất (cũ) huyện  Ba Tri”, được UBND tỉnh phê duyệt ngày 19-5-2005, UBND huyện Ba Tri đã tiến hành bán hóa giá chỉ định 7/10 căn nhà tập thể cho 7 hộ là cán bộ, công nhân viên (CB.CNV), mỗi căn giá 60 triệu đồng. Riêng hộ ông Công đang sử dụng 3 căn,  bán hóa giá chỉ định 2 căn là 120 triệu đồng, căn còn lại có diện tích 130,4m2 có giá là 156,48 triệu đồng (theo giá đất năm 2004 của UBND tỉnh phê duyệt), tổng cộng 3 căn 276,48 triệu đồng, ông Công nại lý do đất đã có “sổ đỏ”, nên không đồng ý.

 

Việc ông Nguyễn Chí Công được cấp GCN.QSDĐ  627,9m2 đã gây nhiều bức xúc, nhất là đối với 7 hộ ở tập thể trên phần đất của XNHC huyện Ba Tri. Ngày 25-5-2006, UBND huyện Ba Tri lập Tờ trình số 45/TTr-UBND trình UBND tỉnh Bến Tre cùng các ngành chức năng, đề nghị thu hồi GCN.QSDĐ phần đất 627,9m2 (gồm 100m2 đất thổ cư và 527,9m2 đất cây lâu năm) của ông Nguyễn Chí Công.

 

Ngày 20-3-2009, ông Nguyễn Thái Xây, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng  BCĐ.PCTN tỉnh Bến Tre ban hành Quyết định số 01/QĐ-BCĐ “Về việc thành lập Tổ Kiểm tra việc sử dụng nhà, đất và cấp GCN.QSDĐ cho ông Nguyễn Chí Công”. Qua làm việc, Tổ Kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm trong quá trình cấp “sổ đỏ” cho ông Nguyễn Chí Công. 

 

Lật lại hồ sơ cấp “sổ đỏ”

Theo xác nhận của ông Huỳnh Văn Anh (nguyên CT.UBND huyện Ba Tri), ngày 14-4-1995, về hiện trạng của 10 căn nhà tập thể XNHC năm 1992, UBND huyện có đồng ý cho 5 nhân viên Bưu điện ở  5 căn, 2 căn cho 2 nhân viên XNHC, 3 căn cho ông Công (bấy giờ là PGĐ.XNHC) là: “…để ăn, ở và làm việc tại chỗ. Năm 1992, UBND huyện và các ngành làm thủ tục bàn giao, tiến hành hóa giá nhà nhưng bản hóa giá chưa được UBND duyệt giá”.  Đến năm 1994, lúc ông Công có đơn xin sửa chữa 3 căn nhà, được ông Phạm Văn Châu-PCT.UBND huyện phê duyệt ngày 28-2-1994: “Chấp thuận cho sửa lại, nhưng phải giữ lại một căn cũ để làm cơ sở cho Đoàn hóa giá định giá”, nhưng ông Công đã không thực hiện đúng. Sau đó, ông Công còn tiến hành nâng nền nhà máy xay xát (năm 1998).

 

Đối chiếu những cam kết của ông Công cùng xác nhận của các vị lãnh đạo và hiện trạng đất thực tế bấy giờ cho thấy, ông Công đã có dự tính rất cụ thể, tinh vi để “biến” đất công thành đất mình. Trước khi có đơn cam kết xin nâng nền nhà máy, ngày 4-12-1996 ông Công đã tự kê khai, đăng ký tên cá nhân mình là chủ sở hữu, trực tiếp hướng dẫn tổ đo đạc xác định ranh giới, cắm trụ ranh (gồm phần đất nhà máy cùng 3 căn nhà mà ông đang ở và đất công xung quanh), diện tích tổng cộng 627,9m2. Đáng lưu ý hơn  là tại biên bản xác định ranh giới tứ cận thửa đất chỉ có một chủ sử dụng đất liền kề là ông Đoàn Trọng Phúc ký tên. Bà Ren lại là người ký tên thay chồng-người đứng tên sử dụng đất, và bà cũng là người trực tiếp viết giấy, trình ký hồ sơ xin xác nhận QSDĐ tạm thời thửa 406 do ông Công đứng đơn vào ngày 14-4-1998. Hồ sơ này được các ông: Lê Quảng Thiệt (cán bộ Địa chính thị trấn Ba Tri),  Nguyễn Thanh Sơn (PCT.UBND Thị trấn), Lê Hữu Đức (Phó Phòng Địa chính) và ông Lê Văn Thành (PCT.UBND huyện Ba Tri) ký tên xác nhận: “Đương sự đang canh tác ổn định với diện tích đất nêu trên, không có tranh chấp, đã đăng ký quyền sử dụng đất và Hội đồng xét cấp GCN.QSDĐ đã nhất trí xét duyệt”. Xác nhận là vậy, nhưng thực tế đến ngày 16-7-1998, Hội đồng đăng ký đất (HĐĐK đất), Thị trấn mới họp, ngày 24-7-1998 thì thư ký (ông Lê Quảng Thiệt) và chủ tịch HĐĐK đất Thị trấn (ông Nguyễn Thanh Sơn) mới ký tên xác nhận vào đơn xin đăng ký. Tiếp đó, ngày 1-7-1999 ông Công làm đơn xin hợp thức hóa quyền sử dụng đất (thực chất, đơn này do bà Ren trực tiếp làm và “ngoéo tay” với ông Lê Hữu Đức - Phó Phòng Địa chính Ba Tri, ghi sẵn ý kiến của Phòng Địa chính). Ngày 13-10-1999, các ông: Thiệt, Sơn, Đức  lại ký xác nhận: “Nguồn gốc đất Nhà nước quản lý, cho đương sự sử dụng ổn định từ năm 1988. Kính chuyển Sở Địa chính xem xét cho đương sự được hợp thức hóa quyền sử dụng đất” (?). Trong giấy xác nhận nguồn gốc đất kèm theo, được UBND thị trấn Ba Tri ký xác nhận ngày 13-10-1999, Trưởng Đội thuế Thị trấn đã ghi: “Hộ Nguyễn Chí Công đã (được) quản lý bộ thuế nhà đất từ quý 4-1992, đã nộp thuế xong năm 1999”.  Việc xác nhận này là không đúng, vì qua thực tế xác minh, hộ ông Công chỉ mới có tên trong bộ thuế nhà đất từ năm 1998; từ năm 1996 trở về trước (quý 4-1992) không có nộp thuế nhà đất. Nhưng, vì biết thủ tục hợp thức hóa phải kèm theo thủ tục nộp thuế, năm 1997 ông Công có đến Đội Thuế Thị trấn xin nộp thuế và khai diện tích chỉ có 180m2 (biên lai thuế nhà đất số 09705 ngày 6-5-1997, từ quý 4-1992 đến 1996 và năm 1997 số tiền là 363,9 ngàn đồng). Sau đó, hồ sơ này được chuyển đến Sở Địa chính Bến Tre.

Qua các cuộc làm việc của BCĐ.PCTN, không thấy có văn bản đề nghị của Phòng Địa chính và UBND huyện Ba Tri cùng thông báo những hộ sử dụng đất Nhà nước phải nộp tiền sử dụng đất (theo trình tự pháp luật quy định). Theo xác nhận của ôâng Huỳnh Trọng Ưu (nguyên Trưởng Phòng Địa chính huyện Ba Tri): Việc ông Đức, Phó Phòng Địa chính xác nhận vào giấy chứng nhận tạm thời quyền sử dụng đất và đơn xin hợp thức hóa quyền sử dụng đất của ông Công, là không đúng thẩm quyền. Ông Ưu không được báo cáo lại và không biết việc xác nhận này (theo quy chế làm việc, ông Lê Hữu Đức chỉ được phân công phụ trách việc giải quyết tranh chấp đất đai).  Người cùng phát hiện sai phạm trong việc cấp “sổ đỏ” cho ông Công bấy giờ còn có ông Tô Minh Hùng, chuyên viên Phòng Quản lý đất đai-Sở Tài nguyên & Môi trường (trước đây là Sở Địa chính); ông Hùng đã hai lần trả lại hồ sơ của ông Công vì biết đất này thuộc Nhà nước quản lý, nhưng không hiểu vì sao lại được đề nghị hợp thức hóa, cấp quyền sử dụng đất. Trong hồ sơ vụ việc, Sở Địa chính đã hai lần có văn bản trình UBND tỉnh quyết định hợp thức hóa và cấp GCN.QSDĐ cho ông Công: lần thứ nhất, Tờ trình số 883/TT-ĐC ngày 22-10-1999, diện tích đất công nhận 627,9m2 (trong đó có 60m2 đất thổ cư); lần thứ hai, Tờ trình số 1079/TT-ĐC ngày 3-12-1999, diện tích đất công nhận 627,9m2 (trong đó, diện tích đất thổ cư  lại là 100m2). Trên cơ sở này, UBND tỉnh đã quyết định hợp thức hóa và cấp GCN.QSDĐ cho ông Công theo đề nghị. Ông Công chỉ nộp tiền sử dụng đất 60m2 đất thổ cư, trốn tránh nghĩa vụ nộp tiền sử dụng 40m2 đất thổ cư.

 

Cần xử lý nghiêm hành vi trái pháp luật

Qua báo cáo của Tổ Kiểm tra, ngày 20-5-2009, BCĐ.PCTN Bến Tre đã có Văn bản số 31/BCĐ-BP chỉ đạo xử lý vụỉ việc này: thu hồi các quyết định cấp GCN.QSDĐ trước đây đối với ông Công; giao cho các ngành liên quan kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm đối với các cán bộ tham mưu có liên quan; điều chỉnh cho ông Công được quyền sử dụng 60m2 đất (đã nộp tiền sử dụng), bán chỉ định 331,2m2 cho ông Công theo giá tại thời điểm nộp tiền; phần diện tích đất còn lại 230,9m2 giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu xác lập quyền sở hữu Nhà nước, giao cho UBND huyện Ba Tri quản lý, sử dụng (phần đất 627,9m2 ông Công được cấp GCN.QSDĐ trước đây, qua đo đạc thực tế theo trích lục bản đồ ngày 29-4-2009 là  622,1m2, chênh lệch 5,8m2).

 

Trao đổi với các thành viên Kiểm tra việc sử dụng nhà, đất và cấp GCN.QSDĐ cho ông Nguyễn Chí Công, chúng tôi được biết: Qua làm việc, bà Ren cho rằng đất của bà đã có “sổ đỏ” nên vẫn tiếp tục sử dụng; ông Công cho rằng, giá cao quá nên không có tiền để thực hiện. Nhưng thực tế, ông Công có mua một miếng đất (đối diện với nhà đang ở) dùng làm cơ sở xay xát và giao cho người em quản lý.

 

Hiện tại, theo bảng giá đất năm 2009 do UBND tỉnh Bến Tre quy định, đất mặt tiền trên đường Vĩnh Phú (đoạn từ ngã đường Trưng Trắc đến xã An Đức), thị trấn Ba Tri (nơi ông Công đang ở) có giá 2 triệu đồng/m2, tính ra, khu đất này trị giá ngoài 1,2 tỷ đồng. Vụ việc đã được sáng tỏ, cho thấy có nhiều sai phạm của cán bộ các cấp. Ngành chức năng đang vào cuộc để xử lý nghiêm những người vi phạm,  tích cực góp phần phòng, chống tham nhũng.

H.VỌNG - X.TRƯỜNG - H.ĐỨC

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN