Bà N.T.N có nhu cầu tư vấn: Chị tôi có làm việc cho 1 công ty theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) với thời hạn 24 tháng (1-6-2019 đến 1-6-2021). Đến 8-2020, chị tôi sinh con và nghỉ chế độ thai sản 6 tháng thì trở lại làm việc. Thời gian này chị tôi thỉnh thoảng đi làm muộn, về sớm. Đến ngày 4-2-2021, công ty đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ với chị tôi. Xin hỏi: Công ty chấm dứt HĐLĐ với chị tôi là đúng hay sai? Chị tôi phải làm sao?
Thắc mắc của bà được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Theo lời trình bày của bà thì HĐLĐ của chị bà và công ty đã ký thời hạn 24 tháng (1-6-2019 đến 1-6-2021) được xác định là hợp đồng có thời hạn.
Việc xác định công ty đơn phương chấp dứt HĐLĐ với chị của bà, tạm tạm gọi là người lao động phải dựa vào các yếu tố sau đây:
+ Xem lại các thỏa thuận trong HĐLĐ đã ký kết giữa công ty và người lao động (để biết được ai có vi phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng).
+ Quy chế làm việc của công ty.
+ Quyết định chấp dứt HĐLĐ.
Bà hỏi là công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ với chị của bà là đúng hay sai? Chị của bà phải làm sao? Tuy nhiên, bà không trình bày cụ thể được nguyên nhân công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ là với lý do gì? Mặc dù bà có trình bày là do thỉnh thoảng chị bà có đi làm muộn, về sớm, sau thời gian đã nghỉ thai sản và quay trở lại công ty làm việc.
Đến ngày 4-2-2021, công ty đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ với chị bà nhưng không chắc đây là căn cứ duy nhất mà công ty đã áp dụng để đơn phương chấm dứt HĐLĐ với chị bà. Do vậy, chúng tôi không thể tư vấn về các trình tự thủ tục trong một trường hợp cụ thể cũng như không đủ cơ sở trả lời đúng hay sai.
Theo Điều 188 Bộ luật Lao động quy định trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động: “1. Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải: a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ…”.
Do vậy, nếu chị của bà không đồng ý với việc công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì có thể yêu cầu hòa giải viên lao động hòa giải (không bắt buộc) trước khi khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết hoặc nộp đơn trực tiếp đến tòa án có thẩm quyền giải quyết (nơi công ty đặt trụ sở hoặc nơi ký kết HĐLĐ).
Hồ sơ khởi kiện gồm có: kèm theo đơn khởi kiện, chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú của người lao động, HĐLĐ, quyết định thôi việc hoặc quyết định chấm dứt HĐLĐ, các tài liệu chứng cứ khác có liên quan.
Quá trình tòa án giải quyết, nếu công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì sẽ phải bồi thường cho chị của bà theo quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động (nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật).
H.Trâm (thực hiện)