Những năm qua, tại tỉnh ta phát triển khá mạnh các hình thức giải trí qua hệ thống âm thanh công suất lớn và các hình thức sử dụng các thiết bị âm thanh khác cơ động, gọn nhẹ, tiện sử dụng tạo ra hiệu ứng phong trào trong việc sử dụng âm thanh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, liên hoan, đám tiệc... Đồng thời, loại hình hoạt động văn hóa cộng đồng mà mọi người thường hay gọi là “nhạc sống” (chủ yếu là karaoke di động, karaoke gia đình) cũng khá phổ biến, điều đó nói lên phần nào sự phát triển nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần (nhu cầu ca hát) gần như không thể thiếu trong các tầng lớp nhân dân.
Trong chừng mực nào đó có thể khẳng định, nhạc sống đang phát triển mạnh từ vùng đô thị đến vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh, góp phần làm cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, đa dạng.
Thực tế một trào lưu mới đã, đang diễn ra, đó là: vui cũng hát, buồn cũng hát; không vui, không buồn cũng hát; đua nhau hát, hát trong mọi trường hợp: đám cưới, đám tang, đám giỗ, sinh nhật, tiệc mừng thọ, mừng vợ có thai; kể cả cúng mụ chuồng (bò, heo), trúng mùa, heo đẻ thừa vú, bò mẹ đẻ con an toàn hay sinh ra con bò cái...; không có lý do gì, hứng lên tụ tập bạn bè lai rai vài ly cũng hát…
Đáng quan tâm là tình trạng đua nhau mở nhạc “khoe” âm thanh cực lớn bằng cách hướng các thùng loa ra đường lộ, hàng xóm; các cửa hàng bán kim khí điện máy, quần áo, các xe quảng cáo, tiếp thị hàng hóa, sản phẩm, xe bán kẹo kéo, kể cả xe đẩy bán hàng rong... cũng khuếch đại âm thanh cực lớn hàng ngày và bất kể giờ giấc. Sự “tra tấn” thính giác kiểu này, có thể nói hình như đi chỗ nào cũng gặp. Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, học tập của cộng đồng dân cư, thậm chí đã có xảy ra đánh nhau gây thương tích, làm chết người, làm mất an ninh trật tự xã hội, gây phiền hà trong nhân dân.
Với hiện trạng nhạc sống đã và đang diễn ra trên địa bàn tỉnh nhà, để lập lại trật tự, chấn chỉnh lại loại hình hoạt động nhạc sống, thời gian qua, UBND tỉnh tỉnh đã có nhiều văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở. Điều đáng quan tâm là các văn bản quy định về hát nhạc sống hiện nay cấp cơ sở còn bỏ ngỏ, triển khai chưa đến tận người dân biết, để thực hiện, ở cơ sở (xóm, ấp) vẫn còn vô tư để “nhạc sống hoành hành”, thậm chí diễn ra cạnh nơi làm việc của chính quyền cơ sở, gần các điểm trường học, trong khu dân cư. Thực trạng này đã đến hồi báo động, các cấp, các ngành có liên quan cần phải quyết tâm có giải pháp đồng bộ, đồng loạt, cũng như đồng lòng của toàn xã hội để chấn chỉnh hoạt động “nhạc sống” và không để nó trở thành “thảm họa”.
Chính quyền địa phương cần tăng cường trách nhiệm, nên có những quy ước, nội quy hát nhạc sống trong khu dân cư. Có thể xem xét không công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Ấp, khu phố văn hóa”… trong năm đối với các khu dân cư có tổ chức và hộ gia đình vi phạm nhiều lần trong việc sử dụng phương tiện phát âm thanh trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng và kinh doanh trên địa bàn.
Bên cạnh đó, sự gương mẫu đi đầu, trước hết của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động, đoàn viên, hội viên của các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở vừa là người thực hiện, vừa là người tuyên truyền, vận động người thân, gia đình thực hiện nghiêm quy định trong tổ chức hát nhạc sống. Từng sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cùng trách nhiệm triển khai theo hệ thống dọc, đưa những quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng là một trong các tiêu chí thi đua và đánh giá hàng năm.
Đối với cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn (nhất là cán bộ được phân công phụ trách Tổ) cần thấy rõ hơn trách nhiệm trong triển khai, nhắc nhở thường xuyên việc thực hiện các quy định về nhạc sống theo hệ thống và đến tận hộ gia đình thông qua họp tổ nhân dân tự quản hàng tháng. Trong các cuộc họp triển khai, tuyên truyền, vận động, cần thiết có biên bản ghi nhận những ý kiến và mức độ đồng tình của người dân về hát nhạc sống hiện nay, nhằm đảm bảo an ninh trật tự và bảo vệ môi trường trong đời sống cộng đồng xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với đạo lý, truyền thống văn hóa của dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
Chấn chỉnh nhạc sống hiện nay cần phải quyết liệt và có sự đồng bộ, đồng loạt, đồng lòng chung tay của các cấp, các ngành quyết liệt thực hiện nghiêm các quy định, thì mới hy vọng góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường do “nhạc sống” gây ra trong đời sống xã hội hiện nay.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch