Bà N.T.M. (Châu Thành) có nhu cầu tư vấn: Tôi và chồng kết hôn năm 2010. Chúng tôi tạo lập được căn nhà cấp 4 và 2.000m2 đất. Năm 2016, tôi được cha mẹ cho 1.000m2 đất vườn và căn nhà nhỏ ở vùng ven thị trấn. Cũng trong năm 2016, chồng tôi được thừa kế 5.000m2 đất vườn. Do mâu thuẫn trong cuộc sống, tôi muốn ly hôn với chồng. Xin hỏi, nếu tôi ly hôn thì có được lấy phần tài sản của cha mẹ cho tôi hay không. Chồng tôi cho rằng, 1.000m2 đất và căn nhà nhỏ ở vùng ven thị trấn là tài sản chung của vợ chồng. Tôi phải làm sao?
Thắc mắc của bà được luật sư Khấu Thị Thu Trang (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ), trong trường hợp vợ chồng khi ly hôn thì việc chia tài sản khi ly hôn theo các nguyên tắc sau:
‘’Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố như: hoàn cảnh của gia đình vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng; bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng…”.
Luật quy định: “Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật HN&GĐ. Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác”.
Điều 43 Luật HN&GĐ quy định về tài sản riêng của vợ, chồng gồm: “Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 và Khoản 1 Điều 40 của Luật này”.
Dựa trên cơ sở quy định pháp luật (nêu trên), nếu bà không thỏa thuận được việc chia tài sản khi ly hôn với chồng, thì bà phải có nghĩa vụ chứng minh cụ thể và cung cấp những tài liệu, chứng cứ có liên quan chứng minh phần đất 1.000m2 đất vườn và căn nhà nhỏ ở vùng ven thị trấn là tài sản riêng của cá nhân bà.
Cụ thể như cung cấp các loại giấy tờ như: hợp đồng tặng cho riêng cá nhân bà phần tài sản nêu trên, các loại giấy tờ khác chứng minh là tài sản riêng; hồ sơ đăng ký kê khai biến động phần đất trên có thể hiện tài sản cá nhân quy định tại Điều 34 Luật HN&GĐ năm 2014, kể cả người làm chứng trong trường hợp cần thiết phải chứng minh…
H.Trâm (thực hiện)