BDK - Cúm mùa là một bệnh lý phổ biến nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả. Tiêm vắc-xin định kỳ, thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân và tiếp cận điều trị sớm là chìa khóa để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Mỗi người cần ý thức và chủ động trong việc phòng chống cúm mùa, góp phần giảm thiểu gánh nặng cho xã hội.
Trẻ trên 6 tháng tuổi là nhóm đối tượng ưu tiên tiêm chủng vắc-xin phòng cúm.
Bệnh cúm gia tăng cục bộ
Theo thông tin của ngành y tế, từ cuối năm 2024 đến nay, số trường hợp mắc cúm có gia tăng cục bộ. Tuy nhiên, không có sự gia tăng đột biến so với cùng kỳ hàng năm. Các tác nhân chủ yếu là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Riêng tại tỉnh, mặc dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng tại các phòng khám trên địa bàn TP. Bến Tre đã ghi nhận các trường hợp bệnh nhân đến điều trị cúm có chiều hướng gia tăng.
Cúm mùa là loại bệnh lý truyền nhiễm qua đường hô hấp từ các chủng vi-rút khác nhau được chia thành 3 nhóm chính là A, B, C. Theo thông tin khuyến cáo của Khoa Truyền thông sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cúm mùa do vi-rút cúm thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra, với 3 loại chính. Cúm A chủ yếu gây dịch bệnh ở người và động vật, thường nguy hiểm hơn (H1N1, H3N2). Cúm B chỉ lây lan ở người và gây bệnh nhẹ hơn. Cúm C hiếm gặp và thường không gây thành dịch.
Đường lây truyền bệnh cúm qua các giọt bắn nhỏ từ đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc nói chuyện, khi tiếp xúc trực tiếp vào bề mặt hoặc đồ vật nhiễm vi-rút, sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Nơi đông đúc, với không gian kín, ít thông thoáng là điều kiện lý tưởng cho vi-rút lây lan.
Triệu chứng của cúm mùa thường xuất hiện sau thời gian ủ bệnh từ 1 - 4 ngày, gồm: sốt cao (thường trên 380C), ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ và khớp, ho khan, đau họng, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.
Ngoài ra, cúm còn có các triệu chứng khác là nhức đầu, đau mắt, đôi khi buồn nôn hoặc tiêu chảy, đặc biệt xuất hiện ở trẻ em. Triệu chứng cúm có thể kéo dài từ 3 - 7 ngày. Tuy nhiên, ho và mệt mỏi có thể kéo dài vài tuần sau khi bệnh khỏi.
Cúm mùa có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, ở những nhóm có nguy cơ cao như: trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và người có bệnh mạn tính. Khi mắc cúm có các biểu hiện cần nhập viện như: sốt cao kéo dài hơn 3 ngày, khó thở, đau ngực, môi tím tái…
Biện pháp phòng bệnh
Cúm mùa không chỉ là vấn đề sức khỏe cá nhân mà còn gây áp lực lớn lên hệ thống y tế, đặc biệt khi bùng phát dịch. Việc phòng ngừa và điều trị kịp thời không chỉ giảm nguy cơ tử vong mà còn hạn chế tổn thất kinh tế do bệnh tật. Phòng bệnh cúm mùa hiệu quả không chỉ giúp bảo vệ cá nhân, mà còn giảm nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Tiêm vắc-xin cúm là phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Đối tượng cần ưu tiên tiêm: Trẻ em trên 6 tháng tuổi, người già, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mỗi người dân cần thực hành vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch sát khuẩn. Che miệng khi ho/hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay. Tránh chạm tay lên mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay. Hạn chế tiếp xúc với nguồn lây bệnh bằng cách tránh tiếp xúc gần với người nghi ngờ mắc cúm. Nên ở nhà nếu có triệu chứng cúm để hạn chế lây lan. Cải thiện môi trường sống đảm bảo không gian sống thoáng khí, sạch sẽ. Giữ ấm cơ thể trong mùa đông.
Đồng thời, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Tiêm vắc-xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm. Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi-rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Trong y học có khái niệm bệnh cúm và cảm cúm, bản chất của bệnh khác nhau nếu hiểu nhầm hoặc đánh đồng 2 loại bệnh sẽ gây ảnh hưởng sức khỏe. Cảm cúm là bệnh thông thường. Hầu hết bệnh nhân bị cảm sẽ hồi phục mà không để lại bất kỳ di chứng hay biến chứng nào đáng kể. Bệnh cúm là bệnh do vi-rút gây ra, có khả năng diễn biến nặng và khả năng gây tử vong cao.