Chuẩn mực văn hóa ứng xử trong gia đình

28/06/2019 - 07:07

BDK - Tầm quan trọng việc thực hiện các chuẩn mực gia đình (GĐ) Việt Nam được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu bền vững đất nước đã có đề cập nội dung này. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu thực hiện chiến lược phát triển GĐ Việt Nam, xây dựng GĐ thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách, văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người; phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng GĐ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Cụ thể là xây dựng và nhân rộng các mô hình VH tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau.

Các gia đình tiêu biểu của các huyện giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm.

Các gia đình tiêu biểu của các huyện giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm.

Vun đắp tình cảm gia đình

Theo nhận định của bà Trần Thị Kiều Tôn - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày nay, bên cạnh các giá trị truyền thống tốt đẹp được gìn giữ và phát huy, GĐ Việt Nam có thêm nhiều đặc điểm tiến bộ hơn như: sự bình đẳng, chia sẻ, tính năng động, hiện đại, dân chủ… Đồng thời, cũng bộc lộ không ít những yếu tố bất lợi như: thành viên trong gia đình thiếu tôn trọng nhau, tự do dân chủ quá đà, coi trọng vật chất và thiếu cân bằng trong vun đắp đời sống tinh thần… làm cho mối quan hệ GĐ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rạn nứt, tan vỡ. Đó là một thực trạng rất đáng lo ngại, cần được quan tâm nhiều hơn để cải thiện.

Vậy làm thế nào để có một GĐ hạnh phúc, các thành viên có sự yêu thương, gắn bó lẫn nhau? Vợ chồng anh Huỳnh Ái Việt và chị Lê Thị Phúc ngụ ấp Giồng Giữa, xã Nhuận Phú Tân - một trong những GĐ tiêu biểu của huyện Mỏ Cày Bắc chia sẻ, GĐ hạnh phúc là khi các thành viên “trên thuận, dưới hòa”, quan tâm yêu thương và chia sẻ lẫn nhau mọi điều trong cuộc sống.

Còn với GĐ anh Nguyễn Văn Phúc và chị Nguyễn Ngọc Yến - ngụ ấp Vĩnh Nam, xã Vĩnh Thành - là một trong những GĐ tiêu biểu của huyện Chợ Lách, để GĐ hạnh phúc thì cần phải ổn định về đời sống vật chất kinh tế và cả về tinh thần. Các thành viên luôn quan tâm nhau mỗi ngày. Bên cạnh đó cũng có sự tôn trọng lẫn nhau, mỗi người bớt đi “cái tôi” của mình để hiểu nhau hơn.

Khi đối diện với các xung đột trong các vấn đề diễn ra trong GĐ, sự ứng xử giải quyết hài hòa là điều vô cùng quan trọng để giữ gìn hạnh phúc GĐ. Nhiều giải pháp được đưa ra theo từng hoàn cảnh GĐ, có GĐ chọn giải pháp tạm thời ngưng trò chuyện trong lúc nóng giận và sau khi giữa các thành viên bình tâm sẽ ngồi lại để nói với nhau bằng những lời nhẹ nhàng để hiểu nhau hơn và tìm ra cách giải quyết vấn đề tốt nhất. Cũng có GĐ chọn cách nhờ người lớn, người uy tín làm “công tác hòa giải” hoặc động viên, khuyên nhủ. Hoặc như GĐ anh Việt - chị Phúc lại chọn cách “chọc cười”, nghĩa là đem sự hài hước, sự chăm sóc quan tâm để “hạ nhiệt” các xung đột và sau đó mới nhẹ nhàng cùng nhau tìm cách giải quyết vấn đề khó khăn gặp phải.

“Mỗi thành viên trong GĐ cần phải bỏ bớt “cái tôi” của mình để nhường nhịn nhau, làm sao để mỗi ngày trong GĐ đều là một ngày vui”, chị Trần Thị Mộng Thúy ngụ ấp Xương Thới 3, xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú chia sẻ. Chị Thúy và chồng là anh Phạm Văn Tuân là một trong những GĐ tiêu biểu của huyện Thạnh Phú.

Biểu diễn văn nghệ ca ngợi gia đình Việt Nam.

Biểu diễn văn nghệ ca ngợi gia đình Việt Nam.

Quan tâm công tác gia đình

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Nhiều GĐ cộng lại mới thành xã hội, GĐ tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì GĐ càng tốt. Hạt nhân của xã hội là GĐ”. Từ lời Bác dạy, ngày 28-6-2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tiếp theo đó, ngày 4-5-2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/QĐ-TTg có nội dung lấy ngày 28-6 hàng năm là Ngày GĐ Việt Nam.

Tại tỉnh, công tác GĐ đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong đó có Kế hoạch số 707 của UBND tỉnh, ngày 22-2-2016 về thực hiện Chiến lược phát triển GĐ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh. Các nội dung hướng đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của GĐ, dòng họ và cộng đồng. Đồng thời, tiếp tục triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các cuộc vận động, phong trào như: “Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan”, “Tuổi cao gương sáng”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Câu lạc bộ xây dựng GĐ hạnh phúc”, “Nhóm xung kích phòng, chống bạo lực GĐ”… Hàng năm, ngành chức năng đã phối hợp tổ chức tập huấn công tác GĐ, phòng chống bạo lực GĐ tại các huyện, thành phố trong tỉnh; các ngành, các cấp, đã chú trọng giáo dục đạo làm người, đề cao truyền thống yêu nước, hiếu học, hiếu nghĩa.

Đặc biệt, nhiều hoạt động hướng đến ngày GĐ Việt Nam 28-6 đã được đơn vị, địa phương tổ chức như: họp mặt, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm xây dựng GĐ hạnh phúc, tôn vinh giới thiệu những GĐ tiêu biểu, tổ chức các trò chơi mang tính giáo dục ý nghĩa về xây dựng hạnh phúc GĐ, gắn kết giữa các thành viên trong GĐ. Nhiều thông điệp đã được truyền tải thông qua các hoạt động và các hình thức tuyên truyền như: “GĐ là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc”, “Yêu thương và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc GĐ”…

Xin mượn ít vần thơ của tác giả Chè Phố Hiến viết về Ngày GĐ Việt Nam để thay lời kết: “Khi rời xa mới biết ý nghĩa của GĐ/ Mới biết niềm vui trong từng cử chỉ/ Mới biết hạnh phúc phải đâu nào xa xỉ/ Vì chỉ một nụ cười cũng đủ ấm con tim… / GĐ thân thương trong hình bóng quê nhà/ Nơi có mẹ cha, có ông bà, anh chị/ Có cả xóm giềng và những người tri kỷ/ Luôn ở cạnh bên chia sẻ những buồn vui…”.                                                                              

Bài, ảnh: Nguyệt Ánh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN